Chú heo Getrude trong thử nghiệm của Neuralink - ẢNH: AFP

Với thiết bị được cấy ghép vào hộp sọ của một chú heo tên Getrude, tỉ phú Musk cho thấy ý tưởng của ông về công nghệ kết nối não người với máy tính không còn là khoa học viễn tưởng. Theo CNET, dự án đầy táo bạo này được Công ty Neuralink (Mỹ) của ông theo đuổi từ năm 2016. Đến ngày 28.8, ông tiết lộ thành công bước đầu khi thiết bị từ não Getrude phát tín hiệu không dây đến máy tính, cho thấy hoạt động não bộ của chú heo khi nó khụt khịt quanh cây bút của một chuyên gia.

Dự án “hack não”

Kết quả thử nghiệm mới cho thấy công nghệ đang tiến gần hơn đến thành công so với lần đầu tiên hồi năm 2019, khi Neuralink đưa ra các hình ảnh một chú chuột có thiết bị kết nối với não qua cổng USB. Dù vẫn còn rất nhiều thử thách, ông cho hay bước tiếp theo sẽ là thử nghiệm trên người và đang xin phép cơ quan chức năng ở Mỹ.

Tỉ phú Musk còn đưa ra thiết bị cấy ghép thế hệ 2 nhỏ gọn hơn được đặt vừa vào một lỗ nhỏ trong hộp sọ, với những “sợi chỉ” điện cực nằm bên ngoài bề mặt não theo dõi các sóng điện từ tế bào khi não hoạt động. “Nó giống như một vòng đeo tay thông minh đặt vào não với các sợi dây nhỏ”, ông Musk giới thiệu. Thiết bị này liên lạc với các tế bào não bằng 1.024 điện cực trên vỏ não và kết nối với máy tính qua bluetooth. Công ty đang nghiên cứu công nghệ vô tuyến khác để tăng kết nối dữ liệu. Trước mắt, tín hiệu não của Getrude được truyền không dây đến máy tính nhưng vẫn chưa thể hiện các tham vọng lâu dài của Neuralink như dùng máy tính liên lạc ngược lại với não.

Neuralink hiện chế tạo một robot chuyên phẫu thuật để cấy ghép thiết bị thu tín hiệu não. Robot này sẽ cắt một chỗ da đầu, lấy ra một phần nhỏ ở hộp sọ, cấy ghép hàng trăm sợi chỉ điện cực và các vi mạch trước khi đóng vết mổ lại. Thiết bị có thể tránh các mạch máu lớn để không gây chảy nhiều máu.

Thiết bị cấy ghép não trong dự án Neuralink

Theo CNN, ý tưởng giao tiếp giữa não và máy tính đã được giới khoa học theo đuổi từ nhiều thập niên qua. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) từng phê duyệt nghiên cứu mô phỏng não giúp kiểm soát run ở bệnh nhân Parkinson. Nhiều công ty công nghệ cũng nghiên cứu các biện pháp không xâm lấn, chẳng hạn như Facebook đang nghiên cứu thiết bị giúp con người gửi tin nhắn bằng suy nghĩ. Công ty Synchron (Mỹ) nghiên cứu đưa thiết bị không dây vào não theo đường mạch máu mà không cần phải phẫu thuật và hiện thử nghiệm trên người.  


Nhiều ứng dụng tiềm năng

Bước đầu, Neuralink tập trung nhiều vào ứng dụng trong lĩnh vực y khoa, chẳng hạn như giúp những người bị chấn thương não, cột sống hoặc khuyết tật bẩm sinh. “Nếu ghi nhận được tín hiệu điều khiển các chi, bạn có thể cấy ghép thiết bị vào nơi chấn thương cột sống để làm cầu nối cho tín hiệu thần kinh. Tôi tin rằng về lâu dài, nó có thể phục hồi hoàn toàn cử động của cơ thể”, ông Musk chia sẻ về triển vọng điều trị cho các bệnh nhân bị liệt 2 chi dưới hoặc 4 chi do chấn thương cột sống. Cũng như các thiết bị đeo tay thông minh, Neuralink có thể đo thân nhiệt, áp lực, di chuyển và các dữ liệu để cảnh báo về đột quỵ hay đau tim. Thiết bị này có thể được sạc không dây qua da.

Tỉ phú Elon Musk và robot phẫu thuật cấy ghép thiết bị Neuralink

Tuy nhiên, tham vọng của vị tỉ phú này vẫn chưa dừng ở đó, khi ông nghĩ đến những vấn đề như “thần giao cách cảm”, nghĩa là 2 người có thể liên lạc điện tử với nhau chỉ bằng cách suy nghĩ, thay vì viết hay nói. Ông hy vọng có ngày Neuralink sẽ kết nối trí tuệ nhân tạo giúp tương lai được điều khiển bởi ý chí kết hợp của con người trên trái đất. “Tương lai sẽ rất kỳ lạ. Bạn sẽ có thể lưu và phát lại ký ức. Bạn sẽ có thể lưu ký ức để dự phòng và phục hồi, thậm chí tải xuống cơ thể mới hoặc một cơ thể người máy”, ông kỳ vọng.

Theo thanhnien