Trung Quốc đã đóng cửa các trang trại chăn nuôi động vật hoang dã từ tháng 2/2020, theo Peter Daszak, nhà sinh thái học về dịch bệnh của EcoHealth Alliance (Liên minh Sức khỏe Sinh thái), thành viên phái đoàn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến Trung Quốc trong năm nay.

Trong chuyến đi, Daszak cho hay nhóm điều tra của WHO phát hiện bằng chứng mới cho thấy những trang trại này đã cung cấp động vật cho chợ bán buôn hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán.

Peter Ben Embarek (phải), trưởng nhóm điều tra nguồn gốc nCoV của WHO, tại Vũ Hán, Trung Quốc, hôm 4/2. Ảnh: AFP.

Phản ứng của chính phủ Trung Quốc là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Bắc Kinh đánh giá những trang trại này nhiều khả năng là con đường phát tán virus corona từ dơi sang người ở Vũ Hán.

Các trang trại, bao gồm một trang trại ở tỉnh Vân Nam, là một phần của dự án mà chính phủ Trung Quốc xúc tiến 20 năm nay. "Họ bắt những động vật lạ như cầy hương, nhím, tê tê, lửng, dúi rồi nuôi nhốt chúng", Daszak nói.

WHO dự kiến công bố kết quả điều tra trong hai tuần tới. Daszak đánh giá cao những gì nhóm điều tra đã phát hiện.

"Trung Quốc thúc đẩy phát triển trang trại nuôi động vật hoang dã làm biện pháp giảm đói nghèo ở vùng nông thôn", Daszak nói. Các trang trại này đã góp phần giúp chính phủ Trung Quốc đạt mục tiêu thu hẹp khoảng cách nông thôn và thành thị vào năm ngoái.

"Chương trình rất thành công", Daszak đánh giá. "Năm 2016, họ có 14 triệu người làm thuê cho trang trại. Ngành công nghiệp này trị giá 70 tỷ USD".

Ngày 24/2/2020, ngay khi tình hình dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán dịu đi, chính phủ Trung Quốc đã ra những quyết định quan trọng về các trang trại này.

"Những gì Trung Quốc ra quyết định khi đó rất quan trọng", Daszak nói. "Họ đã tuyên bố ngừng chăn nuôi động vật hoang dã làm thực phẩm".

Chính phủ đóng cửa các trang trại. "Họ gửi hướng dẫn cho nông dân cách tiêu hủy động vật an toàn như chôn, giết hoặc thiêu, những cách không làm phát tán dịch bệnh".

Tại sao chính phủ Trung Quốc làm điều này? Theo Daszak, những trang trại này có thể là điểm lây lan lý tưởng, nơi virus lây từ dơi sang một động vật khác sau đó lây sang người.

"Tôi thực sự cho rằng nCoV bắt đầu lây cho người tại miền nam Trung Quốc. Các phát hiện tới nay đều chứng minh điều này", Daszak nói.

Nhiều trang trại nằm ở trong hoặc xung quanh tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Quốc, nơi các nhà virus học tìm thấy một loại virus ở dơi giống nCoV tới 96% về mặt di truyền. Ngoài ra, các trang trại này chăn nuôi những loài động vật đã được chứng minh là chứa virus corona như cầy hương và tê tê.

Cuối cùng, trong chuyến công tác tại Trung Quốc, Daszak cho hay nhóm điều tra của WHO tìm thấy bằng chứng mới cho thấy những trang trại này đã cung cấp động vật hoang dã cho chợ hải sản Hoa Nam, nơi đầu tiên bùng phát Covid-19.

Chợ đóng cửa ngày 31/12/2019 sau khi phát hiện có liên quan tới các ca bệnh bí ẩn giống như viêm phổi.

"Chắc chắn chợ này là nơi phát tán và lây nhiễm hàng loạt", Linfa Wang, nhà virus học chuyên nghiên cứu về virus ở dơi tại Trường y DUKE thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói. Ông cũng là thành viên nhóm điều tra của WHO. Wang cho hay sau khi dịch bùng phát ở chợ Hoa Nam, các nhà khoa học Trung Quốc đã tới chợ và tìm kiếm virus corona.

"Trong khu vực bán động vật tươi sống, họ phát hiện nhiều mẫu dương tính", Wang nói. "Họ thậm chí còn mang hai mẫu về phân lập virus sống".

Khu vực nuôi nhím trong trường đại học nông nghiệp Hoa Trung ở Vũ Hán hồi tháng 5/2020. Ảnh: Đại học Nông nghiệp Hoa Trung

Do đó, Daszak và những thành viên khác trong nhóm điều tra của WHO tin rằng các trang trại động vật hoang dã đã cung cấp một đường dẫn hoàn hảo giữa dơi nhiễm nCoV ở Vân Nam (hoặc nước láng giềng Myanmar) và chợ động vật ở Vũ Hán.

"Trung Quốc đóng cửa con đường này vì nguyên nhân nào đó", Daszak nói. "Lý do là vào tháng 2/2020, họ tin rằng đây là con đường có nhiều khả năng nhất khiến virus lây lan tới Vũ Hán. Tới khi WHO công bố kết quả điều tra, chúng tôi cũng tin rằng đây là con đường nhiều khả năng nhất".

Ông cho hay bước tiếp theo là xác định cụ thể con vật nào mang virus cũng như đâu là nơi khởi phát trong số nhiều trang trại ở miền nam Trung Quốc.

Theo vnexpress