leftcenterrightdel
 Phụ nữ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

"Nơi nào chiến tranh hoành hành, phụ nữ phải chịu đau khổ"

Cách đây hơn 23 năm, vào tháng 10/2000, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua "Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh" (WPS) để ghi nhận tác động nghiêm trọng mà xung đột vũ trang gây ra đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng như tiềm năng đóng góp của họ trong mọi tiến trình nhằm thiết lập và duy trì hòa bình. 

Nghị quyết 1325 đã định hướng các chính sách, chương trình của LHQ về việc hỗ trợ phụ nữ trong các xã hội có xung đột và hậu xung đột; thể hiện sự ghi nhận của LHQ đối với vai trò của phụ nữ trong các hoạt động vì hòa bình và an ninh, trong đó có hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Đề cập đến Nghị quyết 1325, Tổng thư ký LHQ António Guterres mới đây cho biết, sự tham gia của phụ nữ đóng góp tích cực vào hiệu quả triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Trên khắp thế giới, bất cứ khi nào phụ nữ đảm nhận các hoạt động gìn giữ hòa bình thì tỷ lệ khiếu nại về hành vi sai trái cũng như tỷ lệ sử dụng vũ lực không đúng mục đích đều thấp hơn.

 Lực lượng nữ gìn giữ hòa bình có thể được triển khai để giảm thiểu các trường hợp xâm hại tình dục và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái địa phương. Điều này có thể đạt được thông qua huấn luyện tự vệ, giáo dục giới tính và dạy họ những kỹ năng sinh tồn.

leftcenterrightdel
 Tổng thư ký LHQ António Guterres các sĩ quan gìn giữ hòa bình LHQ

Tuy nhiên, sự hiện diện của phụ nữ vẫn ít trên các bàn đàm phán. Trong số 18 thỏa thuận hòa bình đạt được vào năm ngoái, chỉ có 1 thỏa thuận được ký kết hoặc chứng kiến bởi đại diện của một nhóm hoặc tổ chức phụ nữ. 

Trước đó, trong số 5 tiến trình hòa bình do LHQ chủ trì hoặc đồng chủ trì vào năm 2021, có 2 tiến trình do các nhà hòa giải nữ tổ chức và cả 5 tiến trình này đều đã tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội và được cung cấp kiến thức chuyên môn về giới.

Ông Guterres nhấn mạnh sự đóng góp của phụ nữ là cần thiết như thế nào trong một thế giới đối mặt với xung đột gay gắt, căng thẳng leo thang, đảo chính, chủ nghĩa độc tài gia tăng, biến đổi khí hậu, mối đe dọa hạt nhân và các cuộc khủng hoảng khác. 

"Nơi nào chiến tranh hoành hành, phụ nữ phải chịu đau khổ. Nơi mà chủ nghĩa độc tài và tình trạng bất an ngự trị, quyền của phụ nữ và trẻ em gái bị đe dọa. Chúng ta thấy điều này trên khắp thế giới, đặc biệt tình hình ở Afghanistan, Haiti, Sudan, Ukraine và sự leo thang gần đây ở Trung Đông", ông Guterres chia sẻ.

12% Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trên toàn cầu là nữ

Ông Guterres kêu gọi chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh phải được thực hiện đầy đủ ngay lập tức "bởi vì phụ nữ đã quá đủ chịu đựng việc bị loại khỏi các quyết định hình thành cuộc sống của họ". Ông khuyến khích các chính phủ hỗ trợ hòa giải xung đột để đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho phụ nữ trong các nhóm đàm phán. 

leftcenterrightdel
Toàn cảnh vòng đàm phán hòa bình thứ ba giữa Chính phủ Colombia và nhóm ELN tại La Habana (Cuba) ngày 2/5/2023 

Ông Guterres cho biết, phụ nữ chỉ chiếm 16% số nhà đàm phán hoặc đại biểu tại các tiến trình hòa bình do LHQ chủ trì hoặc đồng chủ trì. Trong khi đó, Đại hội đồng LHQ (UNGA) là cuộc họp thường niên lớn nhất của các nhà lãnh đạo thế giới. 

Mặc dù UNGA là nơi diễn ra một số khoảnh khắc lịch sử về bình đẳng giới nhưng vẫn chưa đạt được nhiều thành tựu về sự đại diện và sự tham gia của phụ nữ. Chỉ có 4 phụ nữ được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng LHQ trong 77 năm tồn tại.

Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên có trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Mặc dù phụ nữ hiện đại diện cho hơn 1/3 số thành viên Hội đồng Bảo an nhưng vẫn chưa đủ. Trong các diễn đàn giải trừ vũ khí đa phương, vẫn tồn tại khoảng cách lớn về sự tham gia của phụ nữ. Chỉ 12% Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trên toàn cầu hiện là phụ nữ.

Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi các nước phân bổ 15% hỗ trợ phát triển ở nước ngoài cho bình đẳng giới và tối thiểu 1% cho các tổ chức phụ nữ vận động vì hòa bình. 15% kinh phí cho hòa giải cũng phải hỗ trợ sự tham gia của phụ nữ. 

Các chính phủ nên hỗ trợ mục tiêu của LHQ là huy động 300 triệu USD vào năm 2025 cho Quỹ Hòa bình và Nhân đạo của phụ nữ thông qua chiến dịch "Đầu tư vào phụ nữ". Phụ nữ phải được tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa ở mọi cấp độ trong việc ra quyết định về hòa bình và an ninh cũng như trong đời sống chính trị và công cộng. Điều đó có nghĩa là thúc đẩy sự đại diện công bằng trong chính quyền các cấp, nội các và Quốc hội.

Hy vọng từ Colombia

Nhà ngoại giao Brazil Glivania Maria de Oliveira chia sẻ tin tức tích cực từ Colombia, nơi phụ nữ tham gia vào các cuộc đàm phán giữa Chính phủ và nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), dẫn đến lệnh ngừng bắn song phương kéo dài 6 tháng, bắt đầu vào tháng 8/2023. Bà Maria đại diện cho đất nước của mình tại các cuộc đàm phán. Bà lưu ý rằng "có nhiều phụ nữ hơn có mặt với tư cách là những người xây dựng và thúc đẩy hòa bình". Bà nhắc lại rằng các cuộc đàm phán trước đó giữa chính quyền Colombia và nhóm phiến quân FARC, vốn đã chấm dứt khoảng 50 năm xung đột, cũng có "khía cạnh giới" được phản ánh rõ hơn trong Thỏa thuận Hòa bình năm 2016 của họ.

Nhu Thụy/Nguồn: Modern Diplomacy