Ông Abba Kyari, nhà chính trị trong nội các Tổng thống Nigeria.
20h41
Thêm 888 người Anh chết vì nCoV
Bộ Y tế Anh xác nhận có thêm 888 người chết vì nCoV. Đại diện của Bộ viết trên Twitter: "Kể từ 17h ngày 17/4, trong số những bệnh nhân nhập viện cho kết quả dương tính, đã có tổng cộng 15.464 người qua đời".
Số ca nhiễm được xác nhận cũng tăng, với 5.525 bệnh nhân mới trong 24h qua. Hiện tổng số người nhiễm Covid ở Anh là 114.217.
18h31
Hơn 20.000 người Tây Ban Nha đã chết
Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết số người chết đã tăng lên 20.043 sau khi ghi nhận thêm 565 ca tử mới. Số ca nhiễm mới thêm 3.658 người, nâng tổng số lên 191.726. Hiện đây là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19.
Tình hình ở Tây Ban Nha làm dấy lên lo ngại số liệu công bố không chính xác, rằng số người chết có thể cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức. Ngày 17/4, tờ El Confidencial tuyên bố có ít nhất 5 khu vực, trong đó bao gồm hai nơi bị ảnh hưởng nặng nhất là Madrid và Catalonia, không thống kê được số tử vong ngoài bệnh viện.
17h00
Số ca nhiễm ở Nga lại phá mức kỷ lục
Ngày 17/4, Nga thông báo số ca nhiễm tăng kỷ lục khi ghi nhận thêm 4.069 bệnh nhân. Tuy nhiên hôm nay, con số này tiếp tục bị phá vỡ khi nhà chức trách báo cáo 4.785 trường hợp mới, nâng tổng số lên 36.793.
Sau 24h, có thêm 40 người Nga chết vì bệnh. Hiện tổng số ca tử vong nước này là 313. Trong đó, Moskva - tâm dịch của Nga - chiếm 2.649 ca nhiễm và hơn một nửa số ca tử được ghi nhận trong 24h qua.
"Sự lây nhiễm bắt đầu tăng mạnh trong tháng này mặc dù trước đó, Nga báo cáo số ca nhiễm ít hơn nhiều so với các quốc gia Tây Âu thời gian đầu dịch bệnh", Reuters đưa tin.
15h15
Số ca nhiễm ở Nhật Bản vượt quá 10.000
Đài NHK xác nhận Nhật Bản có thêm 181 trường hợp dương tính mới, đưa tổng số ca nhiễm vượt quá 10.000, chỉ vài ngày sau khi nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc.
Ngày 17/4, Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu người dân toàn quốc ở nguyên trong nhà vì thủ đô Tokyo có số ca nhiễm tăng kỷ lục, vượt quá 200 ca mỗi ngày. Tokyo là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm hơn 1/4 tổng số ca cả nước.
9h20
Indonesia là vùng dịch nặng nề nhất Đông Nam Á
Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 5.923 ca nhiễm và 502 ca tử vong. Nước này vượt qua Philippines - quốc gia xếp thứ hai với 5.878 ca nhiễm và 387 ca tử vong. Quan chức chính phủ dự đoán, Indonesia có thể đạt đỉnh dịch vào đầu tháng 5.
Singapore đang nổi lên như một điểm nóng về Covid-19 tại Đông Nam Á khi tăng mạnh 623 ca, đưa tổng số ca lên 5.050. Nước này báo cáo thêm 1 ca tử vong mới, đưa số người không qua khỏi ở mức 11. Singapore trước đó nhận được lời khen ngợi từ tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc giảm thiểu sự lây lan Covid-19 với các biện pháp theo dõi và giám sát nghiêm ngặt. Nước này yêu cầu dân chúng phải đeo khẩu trang ra khỏi nhà, những người vi phạm sẽ bị phạt 300 SGD (khoảng 210 USD) lần đầu và 1.000 SGD (700 USD) lần hai, và có thể bị truy tố nếu tái phạm.
Malaysia ghi nhận thêm 69 ca nhiễm và 2 người chết, đưa tổng số lên lần lượt là 5.251 và 85.
Thái Lan ghi nhận 2.700 ca nhiễm và 47 trường hợp tử vong mới, tăng lần lượt 28 và 1 so với hôm qua. Thái Lan là một trong những nước trong khu vực tiến hành xét nghiệm rộng rãi, với 100.498 test.
Campuchia không có ca nhiễm mới trong ngày thứ 5 liên tiếp. Hiện nước này ghi nhận 122 ca dương tính, chưa có ai tử vong. Campuchia vẫn quyết định kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Mỹ, Iran, Italy, Đức, Tây Ban Nha và Pháp trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch.
8h45
Tham mưu trưởng Tổng thống Nigeria qua đời vì nCoV
Phát ngôn viên văn phòng Tổng thống Nigeria xác nhận, ông Abba Kyari - độ tuổi 70, hiện giữ chức Tham mưu trưởng cho Tổng thống Muhammadu Buhari - qua đời vì nCoV. Ông là người tiếp xúc gần gũi nhất với Tổng thống Buhari, 77 tuổi.
Kyari xét nghiệm dương tính hôm 24/3, có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn bao gồm bệnh tiểu đường. Ông là trợ lý chính thức hàng đầu của Tổng thống Buhari và là một trong những người đàn ông quyền lực nhất nước này, Reuters đưa tin.
Ông Kyari là trường hợp tử vong mới nhất ở quốc gia Tây Phi này, nơi có 493 ca nhiễm và 17 ca tử vong, theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Nigeria.
Hơn 150.000 người chết toàn cầu
Hiện trên thế giới có tổng cộng 2.235.370 người mắc nCoV và 153.818 người tử vong. Theo Reuters, ca tử vong đầu tiên trên thế giới được xác nhận tại Vũ Hán ngày 9/1, mất 83 ngày để số người chết đạt mốc 50.000, nhưng chỉ thêm 8 ngày để con số tăng lên 100.000 và thêm 8 ngày nữa để tăng từ 100.000 lên 150.000.
Mỹ có ít nhất 692.169 trường hợp đã được xác nhận và 36.721 người thiệt mạng, theo Đại học Johns Hopkins. Ngày 17/3, nước này báo cáo thêm 21.018 ca nhiễm mới và 3.453 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm của Mỹ gấp hơn 3 lần Tây Ban Nha - quốc gia có số ca cao thứ hai thế giới. Tổng thống Trump vừa tuyên bố Bộ Nông nghiệp sẽ thực hiện chương trình cứu trợ trị giá 19 tỷ USD cho nông dân và các chủ trang trại để đối phó với đại dịch toàn cầu.
Tây Ban Nha hiện có 190.893 ca nhiễm và 20.002 ca tử. Trong ngày qua, nước này ghi nhận thêm 5.891 bệnh nhân mới và 687 người chết. 7.371 người đang trong tình trạng nguy kịch và 74.797 đã bình phục.
Pháp báo cáo 761 trường hợp tử vong mới, đưa tổng số người chết lên 18.681. Tổng số người nhiễm bệnh đạt 147.969 sau khi ghi nhận thêm 1.909 trường hợp trong ngày qua. Các quan chức cho biết sự lây lan đang chậm lại sau khi phong tỏa một tháng. Jerome Salomon, người đứng đầu cơ quan y tế cộng đồng, cho biết số người nằm viện đã giảm ngày thứ ba liên tiếp trong khi số người phải chăm sóc đặc biệt giảm ngày thứ chín.
Pháp là nước có tỷ lệ tử vong cao thứ tư thế giới, sau Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và xếp trước Anh. 5 quốc gia này chiếm gần ba phần tư trong tổng số hơn 149.000 người chết toàn cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng thêm 4.353 bệnh nhân và 126 người chết. Tổng số ca nhiễm nước này hiện là 78.546 và 1.769 trường hợp tử vong.
Đức ghi nhận 3.699 ca nhiễm và 300 ca tử, nâng tổng sống bệnh nhân lên 141.397 và 4.352 người thiệt mạng. Hiện đây là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ năm thế giới nhưng chính quyền cho biết dịch bệnh "có thể kiểm soát được". Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nói: "Dịch bệnh có thể kiểm soát một lần nữa bởi trong tuần này, số bệnh nhân bình phục cao hơn số ca nhiễm mới mỗi ngày".
8h30
Hàn Quốc làm phẳng đường cong dịch
Hàn Quốc hôm nay ghi nhận 18 ca nhiễm mới, 2 ca tử vong, đưa tổng số lần lượt lên 10.653 và 232, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC).
Đây là lần đầu tiên sau gần hai tháng, các ca nhiễm mới xuống dưới mức 20. Số lượng thống kê mới hàng ngày của Hàn đạt đỉnh điểm là 909 trường hợp vào ngày 29/2, nhưng nước này đã làm phẳng được cong nhờ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và cách ly xã hội, theo Yonhap.
Các nhà chức trách đang theo dõi nghiêm ngặt những bệnh nhân được cho đã loại bỏ được nCoV nhưng sau đó tái nhiễm. Theo KCDC, ít nhất 141 người Hàn Quốc đã tái dương tính với nCoV, hầu hết trong số họ ở tỉnh Daegu và Bắc Gyeongsang - tâm chấn dịch ban đầu của đất nước. 55 ca trong số đó là những người ở độ tuổi 20 hoặc 30.
Dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong số hơn 7.900 người được xuất viện trong nước, hiện tượng này khiến giới chức y tế phải "đau đầu", đặt ra dấu hỏi về mặt tối của chủng virus gây ra Covid-19, cướp đi hơn 154.000 sinh mạng toàn cầu.
8h15
Trung Quốc chỉ ghi nhận 27 ca nhiễm mới
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc báo cáo 27 ca nhiễm mới. Trong số đó, 17 trường hợp nhập ngoại.
Hôm nay, Trung Quốc xác nhận 0 ca tử vong. Thống kê mới đưa tổng số ca nhiễm lên 82.719 và số người chết là 4.512.
Hôm 17/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh thành phố Vũ Hán, tâm dịch tại Trung Quốc đã sửa số liệu Covid-19. Theo đó, Vũ Hán báo cáo 3.869 ca tử vong, tăng 1.290 ca so với thống kê ban đầu 2.579. Số ca nhiễm cũng được điều chỉnh, tăng từ 50.008 lên 50.333, tăng 325 trường hợp.
Nước này báo cáo thêm 54 ca không triệu chứng, giảm nhẹ so với ngày hôm qua. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng đang được theo dõi y tế và cách ly tập trung 14 ngày.
7h11
Mexico kêu gọi y, bác sĩ về hưu trở lại làm việc
Ngày 17/4, Tổng thống Mexico, ông Andres Manuel Lopez Obrador, kêu gọi các nhân viên y tế độ tuổi 60 - 65 trở lại làm việc và điều trị cho bệnh nhân không nhiễm nCoV, nhằm giúp hệ thống y tế xử lý tình trạng dự kiến số ca nhiễm sẽ gia tăng.
"Có khoảng 20.000 y, bác sĩ đủ điều kiện sức khỏe để tham gia", Tổng thống nói trong cuộc họp báo thường xuyên. Họ sẽ làm việc từ 23/4 đến 23/5 để các nhân viên y tế trẻ tuổi có thời gian chăm sóc bệnh nhân Covid. Dịch bệnh dự kiến đạt đỉnh vào ngày 10/5 tại thủ đô đông dân của Mexico và các khu vực lân cận.
"Chúng tôi dự đoán số bệnh nhân nhập viện sẽ tăng lên, cả các trường hợp cần chăm sóc đặc biệt cũng sẽ tăng. 20.000 lao động sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu cao đó", ông Lopez Obrador nói thêm.
Hiện Mexico có 6.297 ca nhiễm và 486 người tử vong. Chính quyền kêu gọi người dân ở nhà để ngăn việc lây nhiễm có thể làm hệ thống y tế quá tải.
6h58
Hawaii đóng cửa tất cả bãi biển
Thống đốc Hawaii, David Ige lệnh cho tất cả bãi biển phải đóng cửa để chống Covid-19. Theo đó, cư dẫn vẫn được phép bơi và lướt sóng nếu tuân thủ giãn cách xã hội nhưng không được phơi nắng, dã ngoại hoặc chơi các trò chơi trên cát.
Lệnh cũng yêu cầu môn chèo thuyền chỉ giới hạn hai người trên mỗi thuyền, các xe mô-tô nước phải giữ khoảng cách tối thiểu 6 mét. Các chuyến câu cá được giới hạn hai người cùng lúc, trừ trường hợp những người sống cùng nhau.
Quy tắc mới có hiệu lực đến 30/4.
6h49
'Châu Phi có thể kiểm soát được dịch'
Chuyên gia về tình trạng khẩn cấp của WHO, Mike Ryan cho biết châu Phi vẫn có thể xoay chuyển mọi thứ và ngăn chặn sự lây lan của nCoV. Ông nói trong cuộc họp báo ngắn ngày 17/3: "Tôi tin các nước châu Phi có thể làm nhiều hơn những gì mọi người mong đợi".
"Chúng tôi không nghĩ căn bệnh này không thể ngăn chặn", Mike Ryan nói sau khi Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc cho rằng đại dịch có thể giết chết ít nhất 300.000 người châu Phi và có nguy cơ đẩy 29 triệu người vào tình trạng "cực kỳ nghèo đói".
Tại buổi hội nghị do Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tổ chức, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói châu Phi sẽ cần hơn 200 tỷ USD để ứng phó với đại dịch và giảm thiểu tác động kinh tế.
5h40
Anh phải tái sử dụng thiết bị bảo hộ
Chính phủ Anh khuyên rằng một số thiết bị bảo vệ cá nhân có thể phải sử dụng lại do sự thiếu hụt nghiêm trọng. "Cơ quan Quản lý Sức khỏe và An toàn (HSE) đã xem xét các lựa chọn được nêu trong giải pháp này. Những nơi có tình trạng thiếu PPE nghiêm trọng và những nơi đủ an toàn để làm vậy sẽ được tái sử dụng PPE", Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh cho biết.
Theo cơ quan trên, các biện pháp này được đưa ra do "hoàn cảnh đặc biệt" mà NHS phải đối mặt trong đại dịch Covid-19 và không phản ánh những "tiêu chuẩn" của HSE.
Trước đó, Anh cảnh báo đang có sự thiếu hụt đáng lo ngại đồ bảo hộ ở. Một số bệnh viện sẽ "hoàn toàn hết đồ bảo hộ vào cuối tuần này" và buộc phải sự dụng "những lựa chọn thay thế tốt nhất có thể".
5h27
Tây Ban Nha sẽ dừng phong tỏa theo hai giai đoạn
Chính phủ Tây Ban Nha đang lên kế hoạch thoát phong tỏa, được chia thành hai giai đoạn: mùa hè và cuối năm nay. Bộ trưởng Kinh tế Xã hội và Lao động Yolanda Diaz hôm qua cho biết: "Giai đoạn đầu tiên có thể sẽ nhắm vào lĩnh vực sản xuất và lực lượng lao động trong mùa hè này. Giai đoạn sau kéo dài đến cuối năm. Quá trình tái hợp sẽ diễn ra dần dần". Bà cho biết các quyết định sẽ dựa trên lời khuyên từ cơ quan y tế.
Phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày, Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết trong tương lai chính phủ cần nghiên cứu dữ liệu có sẵn "với độ chính xác cao hơn". Ông nói: "Chúng ta cần phân biệt những trường hợp dương tính được chẩn đoán thông qua xét nghiệm PCR với những trường hợp được chẩn đoán qua xét nghiệm nhanh và kiểm tra xem họ có triệu chứng hay không".
5h16
Số ca nhiễm ở Italy tăng chậm
Số ca tử vong do nCoV ở Italy đã tăng thêm 525 người so với hôm qua, trong khi số ca nhiễm mới là 3.493 - giảm nhẹ so với hôm qua.
Cơ quan bảo vệ dân sự Italy cho biết số người chết ở Italy đã đạt 22.745 người kể từ khi dịch bùng phát vào 21/2, cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Số ca nhiễm được xác nhận chính thức là 172.434 người, cao thứ ba toàn cầu và thứ hai châu Âu sau Tây Ban Nha.
Theo ione