Hôm qua (24/3), IOC và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thống nhất lùi Olympic Tokyo lại một năm, trong bối cảnh đại dịch lây lan khắp thế giới. Thời gian cụ thể chưa được công bố, nhưng sẽ không muộn hơn hè năm 2021.
Về góc độ kinh tế, việc trì hoãn sẽ gây ra thiệt hại khổng lồ, không chỉ với nước chủ nhà Nhật Bản. Báo cáo của IOC cho biết giai đoạn 2013 – 2016, với hai kỳ Olympic Sochi 2014 và Rio 2016, tổng doanh thu của họ từ bán bản quyền phát sóng, marketing cũng như các nguồn thu khác là 5,7 tỷ USD.
Con số này được dự báo tăng lên trong năm nay. Góp phần lớn nhất là các đối tác truyền thông. Sau đó đến các nhà tài trợ - thường chi hàng trăm triệu USD quảng cáo mỗi mùa thế vận hội. Các công ty Nhật Bản đã tài trợ 3 tỷ USD cho kỳ Olympic lần này.
|
Người dân đi qua Bảo tàng Olympic Nhật Bản tại Tokyo. Ảnh:Reuters |
NBCUniversal và Discovery đã trả hơn 1 tỷ USD để phát sóng Olympic 2020 tại Mỹ và nhiều nước khác. Việc hoãn lại sẽ khiến lịch phát sóng của họ đảo lộn. NBCUniversal còn đang trông chờ sự kiện để quảng cáo và thu hút người dùng cho Peacock – dịch vụ phát sóng trực tuyến dự kiến ra mắt tại Mỹ tháng 7 này.
Các hiệp hội thể thao dựa vào Olympic để có kinh phí hoạt động cũng sẽ gặp khó. Các vận động viên thì sẽ bị giảm thu nhập đáng kể. Nhiều vận động viên tự do phải tự bỏ tiền thuê người huấn luyện, địa điểm luyện tập, chi phí đi lại và chăm sóc y tế. Hoãn một năm sẽ khiến họ tốn thêm một khoản đáng kể.
Những người đã mua vé xem thi đấu cũng có thể mất tiền. Vé bán có điều khoản bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm tài chính của ban tổ chức trong nhiều trường hợp, trong đó có trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Olympic lần này có tổng chi phí lên tới 12,6 tỷ USD. Trong đó, chính phủ Nhật Bản và giới chức Tokyo đầu tư 7 tỷ USD, đã gồm 1 tỷ USD xây sân vận động quốc gia mới.
|
Sân vận động Quốc gia Nhật Bản - địa điểm chính cho Olympic 2020. Ảnh:Reuters |
Giới chuyên gia cho rằng vì Olympic không thể diễn ra đúng kế hoạch, thiệt hại kinh tế với Nhật Bản năm nay vào khoảng 6 tỷ USD. Một trong các thiệt hại lớn nhất là nguồn thu từ khách du lịch đến xem Thế vận hội. Nomura Securities ước tính Olympic sẽ đem lại 2 tỷ USD doanh thu từ du lịch.
Rất nhiều công ty đã lên kế hoạch tận dụng lượng khách này. Nintendo thậm chí chuẩn bị mở cửa một công viên mô phỏng trong dịp hè.
Không chỉ các công ty lớn, doanh nghiệp nhỏ tại Nhật Bản, từ khách sạn, nhà nghỉ, công ty bảo vệ và hãng lữ hành cũng lao đao vì vỡ kế hoạch. Toru Suzuki - chủ nhà nghỉ Fukuyoshi Ryokan tại Ueno cho biết ông không nhận được một lượt đặt phòng nào cho đợt Olympic. Trước đó, việc kinh doanh của họ đã sụt giảm 70–80% do khách du lịch hủy phòng vì đại dịch.
Tsuyoshi và Izumi Fukase thì đã vay tiền xây một căn nhà mới ở đảo Enoshima - nơi thi đấu các môn đua thuyền của Olympic, với hy vọng cho vận động viên và người hâm mộ đến thuê phòng. "Nếu giải đấu bị hoãn hoặc hủy, chúng tôi sẽ thiệt hại rất lớn", Fukase nói.
Vì Olympic bị hoãn, rất nhiều cơ sở vật chất dành cho Olympic thuộc sở hữu tư nhân và sẽ phải đặt chỗ lại, hoặc tìm nơi thay thế. Theo kế hoạch, làng vận động viên cũng sẽ được bán đi sau Thế vận hội. Các nhân viên chính phủ đang tạm thời phục vụ Thế vận hội cũng sẽ phải tiếp tục làm công việc này.
Nhật Bản từng kỳ vọng Olympic giúp nền kinh tế hồi phục phần nào, sau khi tăng trưởng âm quý IV/2019 vì thuế tiêu dùng và bão lũ. Tuy nhiên, đại dịch năm nay đã khiến khách du lịch và xuất khẩu sụt giảm mạnh và Olympic phải dời lịch. Kinh tế Nhật Bản vì thế có nguy cơ tăng trưởng âm 4 quý liên tiếp.
Dù vậy, bất chấp các vấn đề đau đầu về logistics và thiệt hại tài chính, một khảo sát gần đây tại Nhật Bản cho thấy 70% người tham gia đồng ý hoãn lại Olympic. Bên cạnh đó, sự kiện này chỉ hoãn chứ không hủy. Vì thế, ban tổ chức và các doanh nghiệp ít nhất vẫn còn có cơ hội gỡ gạc phần nào các khoản đầu tư.
Theo vnexpress