Thiếu nữ 19 tuổi, nạn nhân vụ hiếp dâm tập thể hôm 14/9 tại bang Uttar Pradesh, đã tử vong sáng ngày 29/9, BBC cho biết.

Tin tức về cái chết của cô gái đã làm chấn động hệ thống truyền thông và mạng xã hội Ấn Độ, với nhiều tiếng nói đòi hỏi công lý cho nạn nhân.

Vụ cưỡng bức gây chấn động


Vụ việc xảy ra khi nạn nhân cùng mẹ và anh trai đi cắt cỏ hôm 14/9 trên một cánh đồng ở Hathras, cách thủ đô New Delhi khoảng 200 km. Anh trai của nạn nhân cho biết đã rời khỏi hiện trường sớm, để lại mẹ và em gái trên cánh đồng tiếp tục công việc.

"Bốn hay năm gã đàn ông tiến lại từ phía sau, chúng kéo con bé vào bãi lau sậy", anh trai của nạn nhân cho biết, theo NDTV.

Mẹ của cô gái đã vội vã chạy đi tìm khi phát hiện con gái biến mất. Tuy nhiên, cô gái chỉ được tìm thấy sau khi vụ cưỡng bức đã xảy ra, với thân thể đầy vết thương.

Các nghi phạm trong vụ việc hôm 14/9. Ảnh: NDTV.

"Con bé bị cưỡng bức, không còn mảnh vải trên người. Lúc đầu chúng tôi thậm chí nghĩ con bé bị rắn cắn. Ba chiếc xương trên cổ con bé bị gãy. Con bé không thở được và cần dưỡng khí", một người anh trai khác của nạn nhân cho biết.

Gia đình nạn nhân đã báo cảnh sát ngay sau khi vụ việc xảy ra. Tuy nhiên, trả lời BBC, anh trai của nạn nhân cho biết cảnh sát không bắt ai trong 10 ngày đầu tiên sau vụ tấn công.

Gia đình nạn nhân thuộc cộng đồng người Dalit, tầng lớp bị coi là thấp kém trong hệ đẳng cấp của Hindu giáo, theo New York Times. Trong khi đó, các nghi phạm thuộc tầng lớp cao hơn trong xã hội.

Gia đình nạn nhân cho biết các nghi phạm thường xuyên tấn công người Dalit sống trong khu vực, theo Indian Express.

Phản ứng giận dữ


Các đảng chính trị đối lập ở Ấn Độ đã lên án vụ tấn công cô gái 19 tuổi, cũng như chỉ trích cách phản ứng của nhà chức trách địa phương và chính quyền trung ương.

Một cựu lãnh đạo cảnh sát là Akhilesh Yada chỉ trích chính phủ đã "thiếu nhạy cảm" trong xử lý các loại tội phạm nhắm vào phụ nữ.

Trong khi đó, ông Chandrashekhar Azad, chính trị gia người Dalit và là chủ tịch đảng Azad Samaj đại diện cho quyền lợi của cộng đồng người Dalit, đã kêu gọi một cuộc biểu tình trên phạm vi toàn quốc.

Trên Twitter, cái chết của cô gái 19 tuổi người Dalit đã trở thành chủ đề được thảo luận hàng đầu ở Ấn Độ. Nhiều người so sánh cái chết của nạn nhân với vụ cưỡng bức tập thể và sát hại nữ sinh Nirbhaya ở Delhi năm 2012, vụ việc từng gây chấn động thế giới.

Dư luận Ấn Độ từ lâu bức xúc với những vụ hiếp dâm diễn ra liên tiếp. Ảnh: Reuters.

"Cuộc điều tra đã lập tức được khởi động và 4 nghi phạm đã bị bắt giữ. Luật pháp sẽ được thực thi", Siddharth Nath Singh, một quan chức bang Uttar Pradesh, cho biết.

Trong khi đó, cảnh sát bang Uttar Pradesh bác bỏ cáo buộc lực lượng này đã phản ứng chậm khi nhận được tin báo. Cảnh sát cho biết đã nhanh chóng bắt các nghi phạm và "giúp đỡ gia đình nạn nhân bằng mọi cách thức có thể".

Sửa luật nhưng không hiệu quả


Sau vụ cưỡng hiếp tập thể nữ sinh viên Nirbhaya ở New Delhi năm 2012, giới chức Ấn Độ đã đứng trước sức ép và phải sửa đổi luật hình sự nước này, bổ sung những quy định nghiêm khắc hơn với các tội danh liên quan tới tấn công tình dục, trong đó có án tử hình.

Tháng 3 vừa qua, sau 7 năm xét xử, 4 thủ phạm trong vụ hiếp dâm năm 2012 đã bị xử tử bằng hình thức treo cổ.

Thế nhưng, bất chấp sự giận dữ của công chúng, cũng như lời hứa của nhà chức trách về hệ thống tư pháp hiệu quả hơn, phụ nữ Ấn Độ không được an toàn hơn trước những tên tội phạm tình dục.

Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, hàng nghìn vụ hiếp dâm xảy ra mỗi năm, và con số này liên tục tăng qua từng năm. Số liệu mới nhất cho thấy cảnh sát Ấn Độ ghi nhận 33.977 vụ hiếp dâm trong năm 2018, trung bình 93 vụ/ngày.

Con số trên thậm chí chỉ phản ánh một phần bức tranh toàn cảnh. Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Ấn Độ cho biết hàng nghìn vụ hiếp dâm và tấn công tình dục không được báo cảnh sát.

"Cá nhân tôi biết nhiều phụ nữ không bao giờ báo cảnh sát vì bị tấn công, bởi họ xấu hổ, hoặc bởi sự kỳ thị của xã hội, hoặc đơn giản họ sợ không ai tin lời mình", Geeta Pandey, phóng viên của BBC tại New Delhi, cho biết.

Truyền thông Ấn Độ vẫn tràn ngập các bản tin kinh hoàng về tấn công tình dục. Nạn nhân có thể là một đứa bé 8 tháng tuổi, hay một bà lão đã 86 tuổi, như vụ việc xảy ra ở thủ đô tháng 9 vừa qua.

Các vụ tấn công có thể xảy ra ở một ngôi làng nông thôn hoặc tại trung tâm thành phố, trong nhà của nạn nhân hoặc ngay trên đường. Những kẻ thủ ác không thuộc về một nhóm tôn giáo hay tầng lớp xã hội nào, mà có nhiều xuất thân khác nhau, thuộc mọi tầng lớp.

Buổi thắp nến tưởng niệm nạn nhân tử vong sau một vụ cưỡng bức. Ảnh: AFP.

Yogita Bhayana, nhà hoạt động vì quyền phụ nữ, cho biết "không có chiếc đũa thần nào" có thể sớm giải quyết vấn đề bạo lực giới tính ở Ấn Độ. Bà Bhayana cho biết nước này cần nhiều thay đổi, như cải cách hệ thống cảnh sát và tư pháp, cần lực lượng chấp pháp và luật sư nhạy cảm hơn, cùng các công cụ pháp y hiệu quả hơn.

"Nhưng trên tất cả, chúng ta cần nâng cao nhận thức về giới, thay đổi tư duy, ngăn chặn tội phạm ngay từ những bước đầu tiên", bà Bhayana nói.

Giới chuyên gia tin rằng giải pháp lâu dài duy nhất cho nạn tấn công tình dục là xóa bỏ tư duy gia trưởng, coi phụ nữ là tài sản của đàn ông.

Năm 2019, chính phủ Ấn Độ cho biết đã khởi động chương trình giáo dục về giới trong trường học, nhằm giúp học sinh nam học cách tôn trọng nữ giới. Các nhà hoạch định tin rằng việc giáo dục trẻ em nam từ nhỏ sẽ tạo ra những người đàn ông đứng đắn hơn.

"Điều này chắc chắn sẽ hữu ích. Nhưng một trong những vấn đề lớn tồn tại là cách thực hiện chắp vá, cùng thời gian quá dài để mang lại kết quả. Cho tới lúc ấy, làm thế nào để phụ nữ và trẻ em gái Ấn Độ được bảo đảm an toàn?", BBC bình luận.

 

Theo  Zing