Bà là nhà tiên phong cổ súy chủ nghĩa tiêu dùng có ý thức ở Anh. Look @ the Labels của bà là thương hiệu trao quyền cho người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt sau khi xem xét kỹ lưỡng những thông tin thường ẩn giấu trong sản phẩm. Mục tiêu là hướng dẫn người dân mua sắm bền vững, hướng đến lối sống tự tin và hành xử tốt hơn với môi trường.

leftcenterrightdel
 Việc sản xuất quần áo tiêu tốn chi phí rất lớn, gây nhiều tác hại cho môi trường - Ảnh: NG

Dù nhận thức ngày càng tăng về tác hại môi trường do thời trang “nhanh” gây ra nhưng vấn đề là không phải ai cũng có điều kiện để có lựa chọn khác. Tình trạng lạm phát ở Mỹ đã đẩy cao mọi chi phí sinh hoạt. Từ đó, các chọn lựa theo hướng thân thiện môi trường của người tiêu dùng trở nên khó khăn.

Nhà tạo mẫu thời trang bền vững Roberta Lee (Anh) khuyên: “Hãy kiểm tra tủ quần áo ít nhất 1 lần/năm để xem cái gì nên giữ lại, cái gì nên quyên góp hay bán đi. Sau đó, hãy sắp xếp các món đồ thành các danh mục. Cần ưu tiên cho những món đồ không lỗi thời, kiểu dáng cổ điển, vượt thời gian, có thể mặc trang trọng hoặc giản dị.

Việc chọn những món đồ không lỗi mốt thường bắt đầu bằng câu hỏi “Tôi có thể mặc cái này 100 lần không?”. Nếu câu trả lời là không thì đừng mua nó. Tham gia vào thời trang “chậm” không quan trọng ở phần mua sắm mà là tư duy. Hãy nghĩ về mọi thứ trước khi muốn thêm đồ vào tủ quần áo”.

Walderdorff thì ủng hộ việc sửa chữa, tận dụng các món đồ có sẵn trong tủ quần áo. Những bộ quần áo đạt tiêu chí cá nhân cần được chăm sóc kỹ lưỡng, có thể thiết kế lại với sự trợ giúp của thợ may. Bà nói: “Hãy thay nút, vá, khắc phục vết bẩn bằng cách nhuộm màu khác… Ngoại trừ quần bó, hầu như mọi thứ đều có thể sửa và tái sử dụng được”.

Theo bà, mua đồ cũ cũng là cách tốt để có được quần áo chất lượng với giá phải chăng, giúp tiết kiệm hơn so với việc mua sắm thời trang “nhanh”, vì bền hơn. Tuy nhiên, nhà thiết kế thời trang Alana James (Đại học Northumbria, Anh) lưu ý khi chọn mua đồ cũ, cần chú ý là không nên mua nhiều hơn nhu cầu vì rẻ. Việc mua sắm nhiều hơn nhu cầu thực sự cũng gây tác hại tương tự như tiêu thụ thời trang “nhanh”.

Một vấn đề khác là nhãn mác có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Theo Walderdorff, một số công ty sử dụng cụm từ “được thiết kế tại” thay vì “sản xuất tại” để khiến nó có vẻ cao cấp hơn. Tuy nhiên xuất xứ không phải lúc nào cũng nói lên sự thật. Quá trình tái chế cũng phát sinh nhiều khí thải và đó là lý do tại sao nên chọn mua những sản phẩm chỉ làm từ một loại vải, giúp việc tái chế sau đó đơn giản hơn.

Cuối cùng là giá. “Quần áo chất lượng sẽ đắt hơn thời trang “nhanh” nhưng điều đáng quan tâm là chỉ số chi phí cho mỗi lần mặc”, Lee - nhà điều hành thương hiệu Ethical Brand Directory - lưu ý. Thông điệp được nhiều nhà hoạt động môi trường đưa ra đối với người tiêu dùng là: hãy cân nhắc về tác động của những bộ quần áo đó đối với môi trường và thế giới trước khi mua sắm.

Theo phụ nữ TPHCM