Mục sư Martin Luther King Jr. diễn thuyết "Tôi có một giấc mơ" tại Đài tưởng niệm Lincoln trong cuộc diễu hành vì nhân quyền ở Washington DC vào 28/8/1963.

Lời nói cuối cùng mà George Floyd, người đàn ông da màu bị đè đến chết dưới đầu gối của một cảnh sát da trắng, đang làm rung chuyển toàn bộ nước Mỹ. Các cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc đã diễn ra ở 140 thành phố của nước này và bắt đầu lan sang cả nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là châu Âu..

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi cuộc vận động vì nhân quyền của người da màu bùng nổ, nhưng sự việc vừa mới đây chính là bằng chứng rõ ràng cho thấy vẫn còn đó bức tường phân biệt đối xử ngột ngạt ở khắp nơi. Khẩu hiệu của người biểu tình trở nên khẩn thiết hơn so với trước đây, và dạng thức của các cuộc biểu tình cũng trở nên dữ dội hơn.

Tôi có một giấc mơ (I Have a Dream)

Phong trào nhân quyền của người da đen bắt đầu vào năm 1955 với cuộc "Tẩy chay xe buýt Montgomery" và kéo dài cho đến những năm 1960 trên khắp nước Mỹ. Sự việc bắt đầu khi người phụ nữ da đen Rosa Parks bị cảnh sát bắt giữ vì không chịu "nhường chỗ cho người da trắng" trên một chiếc xe buýt ở Montgomery, bang Alabama. Sự phẫn nộ của người da màu đã phát triển từ việc tẩy chay xe buýt thành phong trào nhân quyền.

Câu nói tượng trưng cho phong trào nhân quyền của người da đen thời kỳ này là "Tôi có một giấc mơ" do Martin Luther King phát biểu khi dẫn đầu đoàn diễu hành tại Washington DC vào ngày 28/8/1963. Đây là câu nói quan trọng không chỉ trong phong trào đó mà còn đi vào lịch sử nước Mỹ. Với cuộc vận động nhân quyền bền bỉ, người da đen đã giành được quyền bỏ phiếu bầu cử ở tất cả các bang vào năm 1965.

Phần nổi tiếng nhất trong bài phát biểu của Martin Luther King Jr. như sau.

"Tôi có một ước mơ, là một ngày nào đó đất nước này sẽ chấp nhận cái sự thật hiển nhiên rằng tất cả mọi người được sinh ra đều bình đẳng, sẽ được sống như với ý nghĩa đích thực đó. Ước mơ rằng sẽ có một ngày con cái của những người cha người mẹ từng là nô lệ hay chủ nhân của nô lệ đều ngồi chung bàn ăn. Ước mơ một ngày các con tôi được sống ở một đất nước nơi mà người ta đánh giá nhau qua nhân cách chứ không phải màu da".

Sinh mạng của người da màu cũng quan trọng (Black Lives Matter)

Thông điệp Sinh mạng của người da màu cũng quan trọng xuất hiện phổ biến trên mạng.

Kể từ sau đó, phong trào dân quyền của người da đen vẫn tiếp tục và tiến tới tình trạng bạo lực cực đoan điển hình như cuộc bạo động ở Los Angeles năm 1992. Và vào năm 2013, sự phẫn nộ của người dân gốc Phi lại một lần nữa bùng nổ. Năm đó, một cậu bé da đen 17 tuổi bị một thành viên của đội dân quân tự vệ người da trắng giết chết tại Florida. Ngay khi kẻ gây án được tuyên bố vô tội, sự phẫn nộ được chồng chất bấy lâu của cộng đồng người da màu về việc cảnh sát da trắng lạm dụng quyền lực lên người da đen đã thật sự bùng nổ.

Người dân Mỹ đồng loạt chia sẻ hashtag #BlackLivesMatter rầm rộ trên mạng xã hội. Vào tháng 7/2013, Alicia Garza, Patrice Coolers và Opal Tometti đã thành lập một nhóm vận động xã hội với tên gọi "Sinh mạng của người da màu cũng quan trọng" để phản đối tất cả hành vi phân biệt chủng tộc bao gồm cả hành vi tàn bạo của cảnh sát. Mặc dù xuất hiện ở Mỹ, phong trào này nổi bật ở chỗ ai ai trên toàn thế giới cũng có thể tham gia thông qua mạng xã hội.

Tôi không thở được (I Can’t Breathe)

'Tôi không thở được'.

Trong cuộc biểu tình mới đây nhất, khẩu hiệu "Tôi không thể thở được" đã xuất hiện. Hashtag liên quan cũng nhanh chóng lan rộng trên các mạng xã hội. Đó là lời nói cuối cùng mà người đàn ông George Floyd kêu lên đầy đau đớn khi bị đè đến chết trong suốt gần 9 phút. Trong quá khứ, từng có một vụ việc tương tự xảy ra vào năm 2014, có lẽ vì vậy mà khẩu hiệu lần này mới bùng nổ lớn đến như thế.

Đã có rất nhiều người nổi tiếng chia sẻ hình ảnh mặc áo phông với thông điệp "I can’t breathe" lên trang cá nhân, đồng thời nhiều nghệ sĩ cũng đăng tải tác phẩm sáng tạo liên quan đến vấn đề này.

Cuộc biểu tình lần này đang trở nên bạo lực hơn so với năm 2013. Đặc biệt đáng chú ý là những chỉ trích về "quyền miễn trách nhiệm" được trao cho người thi hành công vụ một cách quá mức. Tờ New York Times đã phê phán rằng: "Đại đa số người đã chết dưới sự đàn áp quá mức của cảnh sát là người da đen nhưng hầu như không có khi nào cảnh sát bị xử lý. Bởi vì quyền miễn trách nhiệm (đối với cảnh sát) là một lá chắn bảo vệ rất hiệu quả trong trường hợp họ lạm dụng công quyền".

Theo ione