leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM). 

Các ý kiến này nhằm góp phần tìm ra giải pháp huy động tối đa nguồn lực kiều hối trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi về qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối.

Kiều hối đã và đang có vị trí rất quan trọng

Ông Nguyễn Hoài Anh - Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế và Khoa học công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - cho biết nguồn lực kiều hối đã và đang có vị trí rất quan trọng trong tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài của đất nước.

"Nguồn lực kiều bào còn tiềm năng lớn chưa được khai thác. Cùng với sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và các nước, nhiều người thuộc thế hệ trẻ mong muốn gắn bó với cội nguồn, tìm kiếm cơ hội làm việc, kinh doanh tại Việt Nam. Đây còn là sự dịch chuyển về nguồn lực con người", ông Hoài Anh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, hiện dòng kiều hối vẫn đang chảy về Việt Nam nhưng có sự dịch chuyển trong nhóm người gửi.

Thông tin tại hội thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết, trong giai đoạn 10 năm (2012 - 2021), nguồn kiều hối chuyển về thành phố tăng trưởng đều đặn từ 4,1 tỷ USD năm 2012 lên 6,6 tỷ USD vào năm 2021. Trong khi đó, tổng số kiều hối của Việt Nam tăng tương ứng là 10 tỷ USD năm 2012 lên 18,1 tỷ USD vào năm 2021.

Riêng năm 2022, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối với 6,6 tỷ USD và trong quý I/2023 lượng kiều hối về thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực với gần 2,2 tỷ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối về TP.HCM luôn duy trì ở tốc độ tăng trưởng khá và chiếm tỷ trọng cao nhất cả nước, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế Thành phố. Những yếu tố để kiều hối về Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng tăng mạnh là do các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút kiều hối luôn được duy trì như người thụ hưởng không phải đóng thuế, phí cho nhà nước; các phương thức chuyển, nhận tiền ngày càng thuận tiện.

Theo ông Lệnh, trong thời gian tới, TP.HCM cần tiếp tục củng cố và phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong đó, phải cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư, nguồn kiều hối chuyển về để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, lĩnh vực công nghệ; phát triển kinh tế xanh…

Xây dựng hành lang pháp lý mới

Các chuyên gia đề xuất Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng hành lang pháp lý mới để bắt kịp xu hướng, thu hút người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về đầu tư và phát triển kinh doanh tại Việt Nam.

GS Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội doanh nhân người Việt tại Mỹ cho rằng, kiều bào ở nước ngoài mong muốn được gửi kiều hối về Việt Nam để đầu tư vào nhà ở, khi đó vẫn là tài sản của họ. Còn nhờ người khác đứng tên thì rủi ro mất mát tài sản. Theo đó, GS Phú đề xuất nên cho phép, khuyến khích bà con được sở hữu nhà ở, khi đó thu hút kiều hối hiệu quả hơn.

Bà Tạ Thị Thanh Thúy, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, hiện có hơn 225.000 người Việt sinh sống tại Hàn Quốc, trong đó lao động đi xuất khẩu gần 50.000 người. Với lương tối thiểu 1.500 USD mỗi tháng, thu nhập của riêng lao động này hơn 700 triệu USD mỗi năm. Hầu hết nguồn tiền của họ sẽ được gửi về gia đình.

Trước đây xuất khẩu lao động được xem là xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân nhưng giờ cần được nhìn nhận là nguồn gia tăng kiều hối về nước. Năm 2022, trong tổng nguồn kiều hối về Việt Nam là 19 tỷ USD, xuất khẩu lao động chiếm 3-3,5 tỷ USD, chiếm gần 20%.

"Nguồn kiều hối qua kênh xuất khẩu lao động vẫn tiếp tục được duy trì nhưng cần nâng cao chất lượng có được mức lương tốt hơn", bà Thúy nói và cho rằng cơ quan chức năng cần chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề, ngoại ngữ để lao động có công việc, thu nhập tốt hơn.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham gia hội thảo (Ảnh: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM). 

TS. Lê Thị Thanh Nhàn, Giảng viên cao cấp, chuyên gia về tài chính, Đại học quốc gia Australia (ANU) nhận định, việc thu hút kiều hối như việc đầu tư một nông trại, trồng càng nhiều cây thì thu hoạch càng lớn. Do đó, TP.HCM cần có các giải pháp cụ thể để tăng nguồn lực kiều bào. Trong đó, cần tăng số lượng, chất lượng xuất khẩu lao động; các ngân hàng đầu tư nhiều tiện ích để kiều bào chuyển tiền thuận lợi hơn, giảm chi phí chuyển tiền.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm phụ trách Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho biết, Thành phố đã có nhiều chính sách phù hợp hơn đối với người Việt Nam ở nước ngoài và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động để thu hút nhiều hơn nữa nguồn kiều hối.

Sau hội thảo, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố sẽ tổng hợp những ý kiến, giải pháp để sớm hoàn thành đề án về chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn.

Theo thoidai