|
|
Cửa hàng cá Kimura ở chợ Nishiki tại Kyoto, phía Tây Nhật Bản hôm 18-6 Ảnh: REUTERS |
Việc làm yếu đồng yen từng là một trong những trụ cột chính trong khuôn khổ chính sách của cố Thủ tướng Abe Shinzo từ những năm 2010 - năm mà Trung Quốc chính thức vượt qua Nhật Bản để chiếm vị trí nền kinh tế số 2 thế giới.
Các nhà hoạch định chính sách cho rằng đồng yen yếu hơn có thể giúp thúc đẩy lạm phát và tạo đà đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi trì trệ, giảm phát liên tục trong nhiều thập kỷ trước đó. Song, khi đồng yen giảm giá với tốc độ chưa từng có trong những tháng đầu năm 2022, ngay cả các tác giả của chính sách này là Ngân hàng Nhật Bản và chính phủ cũng đều lo ngại.
Nhiều người cho rằng đồng yen giảm giá có thể làm tăng xuất khẩu và thu hút thêm nhiều khách du lịch. Tuy nhiên, vài con số thống kê cho thấy diễn biến này đang có nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nhật Bản trong ngắn hạn và cũng chưa chắc sẽ có những chuyển biến tích cực trong dài hạn.
Là một nước nhập khẩu dầu thô cũng như nhiều loại nguyên vật liệu thô khác, đồng yen giảm trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy khiến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tại Nhật Bản đều tăng. Giá xăng hiện ở mức 170 yen/lít (tương đương 30.000 đồng) - cao nhất kể từ năm 2008. Các loại nông sản như thịt, cá, ngũ cốc đều rục rịch tăng giá.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tạo được bứt phá khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi và chính sách đồng yên yếu có thể phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước Âu Mỹ - các thị trường khách du lịch lớn và truyền thống của Nhật - đang quay cuồng trong kiểm soát dịch bệnh, lạm phát hoặc xung đột. Lượng du khách đến Nhật trong những tháng đầu năm 2022 dù tăng trở lại sau 2 năm đóng cửa nhưng cũng chỉ mới đạt khoảng 150.000 lượt/tháng, so với con số gần 3 triệu trước dịch.
Đồng yen giảm giá đặc biệt ảnh hưởng tới cộng đồng người Việt Nam tại Nhật. Đối với những người làm công ăn lương, chi phí tăng hơn cả triệu yen/tháng là vấn đề đau đầu. Những người Việt đang kinh doanh các mặt hàng như thực phẩm từ Việt Nam sang Nhật cũng gặp khó khăn vì nguyên liệu đầu vào trở nên đắt hơn khi chuyển sang tiền yen.
Không chỉ vậy, Nhật Bản trong vài năm trở lại đây đã trở thành một thị trường kiều hối lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các thị trường truyền thống như Mỹ hay châu Âu.
Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây, nhiều người ngần ngại chuyển tiền về Việt Nam với lý do tỉ giá thấp. Một số người giữ lại tiền trong tài khoản ở Nhật, số khác nghĩ đến việc xách tay về để đợi tỉ giá cao hơn mới bán ra. Dù là cách nào đi nữa, lượng kiều hối từ Nhật về Việt Nam trong năm 2022 có thể biến động theo hướng tiêu cực.
Theo nld