leftcenterrightdel
 Đại sứ New Zealand Tredene Dobson. (Ảnh: Thu Trang)

Thủ tướng Jacinda Ardern sắp có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam kể từ khi bà được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ New Zealand. Đại sứ đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chuyến thăm?

Chuyến thăm của Thủ tướng Ardern là một minh chứng mới cho thấy mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa New Zealand và Việt Nam, cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ song phương đối với cả hai nước.

Cùng với chuyến thăm New Zealand của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (diễn ra một tháng sau khi New Zealand dỡ bỏ hạn chế biên giới liên quan đến dịch Covid-19), chuyến thăm của Thủ tướng Ardern cho thấy cả hai nước đều quyết tâm tận dụng tối đa các cơ hội gia tăng hợp tác sau khi nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2020.

Bản thân quan hệ Đối tác chiến lược đã được xây dựng trên cơ sở hợp tác toàn diện và những thành tựu trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước, bao gồm thương mại và kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, quốc phòng - an ninh, phát triển và giao lưu nhân dân. Chuyến thăm là cơ hội quan trọng để Thủ tướng Ardern tái khẳng định và tiếp tục xây dựng quan hệ với Việt Nam trên nền tảng vững chắc này.

Trong bối cảnh cả Việt Nam và New Zealand đã thoát khỏi tác động của dịch Covid-19, chuyến thăm cũng là một cơ hội quan trọng để hai nước tái kết nối và cùng phục hồi.

Nhằm thúc đẩy mục tiêu này, tháp tùng Thủ tướng Ardern trong chuyến thăm Việt Nam là đoàn doanh nghiệp lớn nhất của New Zealand với các giám đốc điều hành và nhà quản lý hàng đầu đang mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế song phương và chúng tôi hy vọng sẽ có những cơ hội đầu tư mới vào Việt Nam.

Thị trường năng động và mới nổi của Việt Nam có thể mang đến những cơ hội kinh tế mới cho nhiều doanh nghiệp New Zealand. Chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin trên cơ sở kim ngạch thương mại hai chiều trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 2,3 tỷ NZD.

Hướng tới sự phục hồi sau đại dịch, chuyến thăm cũng là một cơ hội để khẳng định rằng cả hai quốc gia đều đang nỗ lực tăng trưởng du lịch và đã mở cửa trở lại hoàn toàn đối với du khách quốc tế.

Nhìn chung, chuyến thăm nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác cùng có lợi và tiến bộ trong các lĩnh vực song phương chủ chốt đã được thống nhất trong khuôn khổ Đối tác chiến lược, đồng thời thảo luận một số vấn đề thách thức mà khu vực chúng ta đang phải đối mặt.

Đại sứ có kỳ vọng gì về chuyến thăm này?

Tôi kỳ vọng chuyến thăm này sẽ tái khẳng định tầm quan trọng và giá trị của mối quan hệ giữa New Zealand và Việt Nam, đặc biệt là khi cả hai nước và khu vực đang nỗ lực phục hồi sau dịch Covid-19.

Các sự kiện mà chúng tôi lên kế hoạch dự kiến trong chuyến thăm sẽ cho thấy mối quan hệ bền chặt như thế nào và mang lại lợi ích ra sao cho cả hai quốc gia.

Ví dụ như sự kiện "AgriconnectioNZ: Đối tác chiến lược trong nông nghiệp" được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ cho thấy lý do tại sao Việt Nam và New Zealand trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực quan trọng này và cách thức mà mối quan hệ này mang lại lợi ích thực sự cho nông dân hai nước.

Mặc dù chưa thể tiết lộ vào lúc này nhưng chúng tôi cũng đang chuẩn bị một số thông báo mà tôi hy vọng sẽ khiến nông dân Việt Nam và người tiêu dùng New Zealand hài lòng.

Điều này sẽ được thể hiện thông qua nhiều sự kiện trong khuôn khổ chuyến thăm cho thấy sự ghi nhận và nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác, bao gồm các cuộc hội đàm chính thức giữa các lãnh đạo cấp cao của hai nước, các cuộc đối thoại và kết nối kinh doanh, cùng nhiều hoạt động làm nổi bật mối quan hệ của chúng ta trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, du lịch và thể thao.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta đón Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại thủ đô Wellington vào tháng 9/2022. (Ảnh: Bảo Chi)

Đại sứ hãy chia sẻ một số ấn tượng về những bước phát triển của quan hệ Việt Nam-New Zealand trong những năm gần đây? Theo Đại sứ, sau 2 năm nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược, hai bên đã đạt được những thành tựu nổi bật gì?

Thực tế là trong những năm gần đây, mối quan hệ Việt Nam-New Zealand đã phát triển mạnh mẽ. Về thương mại, trong 5 năm qua kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 59%, đạt 2,39 tỷ NZD vào cuối năm 2022, biến Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 15 của New Zealand.

Trong 2 năm qua, Việt Nam xuất khẩu 1,36 tỷ NZD sang New Zealand, trong khi New Zealand xuất khẩu 1,03 tỷ NZD sang Việt Nam. Điều này cho thấy bản chất bổ sung cho nhau trong mối quan hệ thương mại giữa chúng ta.

Ví dụ như khi New Zealand chứng kiến mức tăng trưởng khoảng 18% xuất khẩu trái cây tươi sang Việt Nam, thì Việt Nam cũng tăng xuất khẩu máy móc sang New Zealand hơn 30% so với năm ngoái.

Nhiều sự kiện mà chúng tôi đã tổ chức nhằm giới thiệu cơ hội cho các nhà xuất khẩu ở cả hai nước và giới thiệu Việt Nam với các công ty New Zealand có thể đang tìm kiếm quan hệ đối tác mới, kể cả cho mục đích đầu tư.

Theo tôi, một trong những dấu ấn nổi bật nhất của quan hệ Việt Nam-New Zealand trong 2 năm qua là mặc dù cả hai nước đều áp dụng biện pháp hạn chế đi lại vì dịch Covid-19, nhưng mối quan hệ vẫn tiếp tục phát triển trong mọi lĩnh vực. Mọi người dân và doanh nghiệp của chúng ta đã quyết tâm tìm ra cách làm việc cùng nhau hiệu quả. Các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng của chúng ta vẫn duy trì trao đổi thường xuyên.

Trong lĩnh vực giáo dục, các trường đại học và các cơ sở giáo dục đã nhanh chóng xây dựng và cung cấp các cơ hội học tập trực tuyến, cũng như tạo cơ hội chuẩn bị cho sinh viên Việt Nam khi họ có thể đến New Zealand học trực tiếp. Hợp tác hoạt động và cơ chế giữa các cơ quan an ninh - quốc phòng của chúng ta tiếp tục duy trì và bảo đảm rằng mọi yếu tố của mối quan hệ song phương đều được quan tâm thúc đẩy.

Một lĩnh vực khác mà tôi thực sự muốn nhấn mạnh là hợp tác phát triển. Thời kỳ khủng hoảng là lúc những người dễ bị tổn thương bị tác động nhiều nhất. Tôi rất tự hào vì trong thời kỳ khủng hoảng bởi đại dịch, các mối quan hệ đối tác và mạng lưới bền chặt mà chúng tôi đã phát triển trong nhiều năm đã phát huy hiệu quả. Trên cơ sở đó, New Zealand đã đầu tư gần 2,2 triệu NZD kể từ tháng 6/2020 để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch.

Năm ngoái, một trong những dự án hợp tác thành công nhất của chúng tôi với Việt Nam đã "thu quả ngọt", một dự án hơn 10 năm nhằm thương mại hóa các giống thanh long mới cũng như tạo ra giống cây cao cấp, kiểm soát sâu bệnh. Giờ đây, chúng tôi rất vui mừng được áp dụng những kiến thức chuyên môn và bài học kinh nghiệm đó vào sự phát triển của ngành sản xuất chanh dây của Việt Nam.

Và cuối cùng, không thể không nhắc đến hai nước chúng ta đã phối hợp với nhau chặt chẽ ra sao trong việc ứng phó với đại dịch. Chúng tôi đã chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm để hỗ trợ chính sách ứng phó với đại dịch; chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong khu vực. Điển hình như việc thông qua APEC để hỗ trợ hiệu quả chuỗi cung ứng vaccine, thuốc và trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE); công ty Fisher và Paykel Healthcare ở New Zealand đã tài trợ riêng cho một số bệnh viện Việt nam về công nghệ thông khí mới nhất; và tất nhiên chúng tôi đã cung cấp viện trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.

Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức cho tất cả các quốc gia, tuy nhiên quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand đã "biến nguy thành cơ" để tiếp tục phát triển.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ và Đại sứ Tredene Dobson công bố gói hỗ trợ trị giá 2 triệu NZD giúp Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19 vào ngày 11/5. (Nguồn: Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam) 

Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để thâm nhập sâu hơn vào thị trường New Zealand nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 2 tỷ USD vào năm 2024?

Việt Nam và New Zealand có lợi thế chia sẻ 3 hiệp định thương mại tự do lớn (CPTPP, AANZFTA và RCEP), cũng như hợp tác cùng nhau trong cấu trúc khu vực (APEC, ASEAN / EAS và ASEM), và gần đây nhất là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Những kết nối kinh tế song phương và khu vực sâu rộng này sẽ đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng và giảm bớt các rào cản đối với thương mại quốc tế.

New Zealand là một thị trường tự do và cởi mở. Chúng tôi biết rằng lợi thế của mình là tận dụng các sản phẩm, kỹ năng và chuyên môn do các đối tác thương mại của chúng tôi cung cấp, đặc biệt là ở những nơi có lợi thế cạnh tranh.

Và Việt Nam, với năng lực sản xuất nổi tiếng thế giới, đáp ứng chính xác điều đó. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng biết rõ điều đó. Mặc dù dân số New Zealand tương đối nhỏ chỉ khoảng 5 triệu người, so với 98 triệu dân số Việt Nam, nhưng Việt Nam đã thực sự được hưởng thặng dư thương mại của New Zealand.

Tôi muốn thấy sự hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh hơn nữa và tôi sẽ xem xét cách chúng tôi có thể hỗ trợ tốt nhất cho điều đó trong nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam.

Ví dụ, có những cơ hội hợp tác tốt, trong đó hai nước chia sẻ các mối quan hệ thương mại, tiếp cận thị trường và các thỏa thuận thương mại, chẳng hạn như với Liên minh châu Âu (EU). Khi Việt Nam nỗ lực tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp New Zealand cũng có vị trí tốt để cung cấp các yếu tố đầu vào hay trung gian vào năng lực sản xuất của Việt Nam.

Vì vậy, cho dù gỗ New Zealand được sử dụng để sản xuất đồ nội thất tại Việt Nam trước khi xuất khẩu sang EU, hay chỉ là các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng thị trường, xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng mới trong khu vực, thì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của hai nước cùng chung các tiêu chuẩn và tầm nhìn về hội nhập kinh tế tự do và rộng mở, sẽ có một nền tảng mạnh mẽ để tăng trưởng.

Dựa trên kinh nghiệm làm việc cùng với Cơ quan Thương mại và Doanh nghiệp New Zealand (NZTE) để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của New Zealand tại Việt Nam, tôi cho rằng điều quan trọng là phải biết thị trường tiêu dùng của nước bạn và điều chỉnh cho phù hợp.

Ví dụ như chiến dịch "Made with Care" (làm bằng sự tận tâm) của NZTE, được phát triển đặc biệt cho thị trường Việt Nam, nêu bật điều quan trọng đối với người tiêu dùng Việt Nam, đó là các sản phẩm thực phẩm và đồ uống chất lượng cao, an toàn, bổ dưỡng và phù hợp với đạo đức.

Việt Nam có văn phòng thương mại tại New Zealand và tôi đặc biệt đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường New Zealand hãy nhận lời khuyên từ họ. Tốt nhất họ nên đưa ra lời khuyên của mình từ quan điểm của người Việt Nam.

Nếu chúng ta cùng chỉ rõ tiềm năng to lớn cho các doanh nghiệp New Zealand và Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác kinh doanh, đầu tư và phát triển mối quan hệ thương mại bổ sung cho nhau, chúng ta sẽ không chỉ đạt được và có thể vượt qua mục tiêu 2 tỷ USD (khoảng 3,2 tỷ NZD) kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2024.

leftcenterrightdel
 Chiến dịch ‘Made With Care’ được New Zealand phát triển đặc biệt cho thị trường Việt Nam. (Ảnh: Việt Nguyễn)

Liệu chuyến thăm lần này của Thủ tướng Jacinda Ardern mở ra triển vọng hợp tác mới giữa hai nước?

Các cuộc gặp sắp tới của Thủ tướng Jacinda Ardern với lãnh đạo cấp cao Việt Nam sẽ giúp hai bên tiếp tục xây dựng lòng tin, chia sẻ hiểu biết lẫn nhau và tái khẳng định các cam kết, xây dựng trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa hai bên.

Ngoài ra, các hoạt động giữa các đoàn doanh nghiệp của hai nước, với sự hiện diện của Thủ tướng Jacinda Ardern và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và New Zealand, sẽ giúp thiết lập các mạng lưới kết nối có ý nghĩa, thảo luận các cách thức thúc đẩy thương mại song phương, tìm ra các cơ hội cùng có lợi và xác định phương thức để tận dụng cơ hội.

Một lĩnh vực mà chúng ta có thể mong đợi các nhà lãnh đạo xem xét kỹ lưỡng về cơ hội hợp tác là biến đổi khí hậu. Chuyến thăm diễn ra trùng thời điểm với Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập và dựa trên những cam kết đầy tham vọng mà hai nước đã đưa ra tại COP26 và trước đó, chúng ta hoàn toàn có cơ hội để hợp tác gần nhau hơn.

Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp và tôi nghĩ rằng thị trường carbon là một lĩnh vực khác đã chín muồi để hợp tác.

Ngoài hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và nông nghiệp, một lĩnh vực khác cũng được đề cập tại cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao hồi tháng 9 là hợp tác về an ninh - quốc phòng. Đại sứ có thể cung cấp thêm thông tin chi tiết về hợp tác trong lĩnh vực này trong thời gian qua và tương lai?

Mối quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Điều này bao gồm việc triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác và đào tạo hoạt động gìn giữ hòa bình giữa New Zealand-Việt Nam và các hoạt động trao đổi quốc phòng cấp cao thường xuyên, là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ quốc phòng của chúng ta không ngừng được tăng cường.

Chúng tôi cũng đang nỗ lực xây dựng thỏa thuận năm 2019 giữa Bộ Công an Việt Nam và Cảnh sát New Zealand về chống tội phạm xuyên quốc gia thông qua trao đổi thông tin thường xuyên và các chương trình đào tạo về chống rửa tiền, chống buôn người và buôn lậu.

Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ trong các cơ chế song phương và đa phương về an ninh và an toàn hàng hải nhằm thúc đẩy tôn trọng và tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Các nỗ lực nên tập trung vào tự do hàng hải và hàng không trong khu vực nhằm thúc đẩy tự do thương mại, lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, và giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Xin cảm ơn Đại sứ!

"Chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp và tôi nghĩ rằng thị trường carbon là một lĩnh vực khác đã chín muồi để hợp tác", Đại sứ Tredene Dobson.

leftcenterrightdel
 Triển lãm Giáo dục New Zealand 2022 ngày 29/10 tại Hà Nội. (Nguồn: Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam)

Theo baoquocte