Cùng dự có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh.
Báo cáo Thủ tướng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản có gần 500.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản và cũng là cộng đồng người Việt lớn thứ 2 trên thế giới. Trong đó, có khoảng 250.000 lao động, tu nghiệp sinh, thực tập sinh, khoảng 50.000 lưu học sinh, 60.000 kỹ sư và khoảng 40.000 người định cư tại Nhật Bản… Người Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập trên khắp 47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản.
Theo Đại sứ, dự báo thời gian tới, số người Việt Nam tại Nhật sẽ tiếp tục tăng lên do nhu cầu lao động của phía Nhật và Nhật Bản có các chính sách để thu hút hơn nữa lao động Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đa số là người trẻ, năng động, đội ngũ doanh nhân đang được hình thành, số lượng chuyên gia, trí thức tăng lên.
Bà con luôn có ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc, luôn đoàn kết, hướng về quê hương, đất nước, tích cực ủng hộ các hoạt động khắc phục thiên tai, phòng chống COVID-19… Chính quyền Nhật Bản cũng tạo điều kiện cho người Việt sinh sống, kinh doanh, học tập thuận lợi.
Các ý kiến kiều bào tại cuộc gặp bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng và năng động của đất nước thời gian qua; tự hào về chuyến công tác của Thủ tướng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, cho thấy sự coi trọng của cộng đồng quốc tế với vị thế, vai trò của Việt Nam; thông báo các hoạt động cộng đồng để tăng cường đoàn kết cộng đồng và đóng góp vào quan hệ Việt Nam – Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản; cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị về chính sách với kiều bào.
GS. TS Trần Đăng Xuân (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại vùng Nam Trung Nhật Bản trình bày một số thành tựu nghiên cứu của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản gắn với các ý tưởng thúc đẩy chăn nuôi lợn công nghệ cao, sản xuất điện gió… tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Fukuoka, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản cho biết đang xúc tiến hình thành "Phố Việt Nam" tại Fukuoka. Bà Cấn Thanh Huyền, Chủ tịch Hiệp hội Thanh niên Việt Nam khởi nghiệp tại Nhật Bản mong muốn nhận được sự ủng hộ với các hoạt động khởi nghiệp của Hiệp hội…
Chia sẻ với bà con, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước sự phát triển năng động của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, nhất là trong 10 năm qua. Hiện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản chiếm khoảng 10% tổng số người Việt Nam ở nước ngoài.
Điểm lại những cột mốc chính trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong lịch sử, với những dấu ấn như phố cổ Hội An, phong trào Đông du đầu thế kỷ 20…, Thủ tướng khẳng định quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trải qua nhiều thăng trầm, có nhiều duyên nợ và hiện đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã có 5 cuộc gặp để thúc đẩy quan hệ hai nước.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ 2, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Hai nước cũng chia sẻ lập trường, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên các diễn đàn đa phương.
Thông tin với bà con về quá trình bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết, sau hơn 35 năm đổi mới, năm 2022, tăng trưởng GDP đạt hơn 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.110 USD và GDP đạt 409 tỷ USD. Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; vị thế và vai trò đất nước trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước, điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45, Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ có trách nhiệm, tạo thuận lợi nhất, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng có trách nhiệm, luôn hướng về quê hướng, đất nước.
Thủ tướng hoan nghênh và đề nghị bà con phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo; góp ý với Đảng, Nhà nước về các cơ chế, chính sách; mong muốn bà con tiếp tục giữ vững, phát huy lòng tự hào, tự tin dân tộc, tinh thần đoàn kết, "tắt lửa tối đèn có nhau", vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên, khẳng định mình; góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Thủ tướng mong muốn bà con Việt kiều xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình, góp phần xây dựng cộng đồng và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. "Ở đâu, làm gì mà đóng góp được cho quê hương, đất nước thì đều đáng quý, đáng trân trọng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, các cán bộ, nhân viên đại sứ quán phải coi bà con như người ruột thịt trong gia đình để xử lý các công việc liên quan.
Thủ tướng khẳng định, truyền thống của chúng ta là mỗi lúc khó khăn, thử thách lại nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định mình, điều này được hun đúc qua các thời kỳ lịch sử, từ lòng yêu nước, thương nòi, từ tinh thần, sức mạnh đoàn kết. "Chúng ta phải luôn luôn nuôi dưỡng lòng yêu nước trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài qua các thế hệ", Thủ tướng nói.
Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và thiết thực của kiều bào tại cuộc gặp, Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để cụ thể hóa vào các cơ chế, chính sách.
Theo Chinhphu.vn