Phụ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

Con đường của hy vọng

Ngày 21/9 được dành để tôn vinh nền hòa bình thế giới, kêu gọi các bên tham chiến trên toàn thế giới từ bỏ vũ khí, dừng chiến tranh, hãy yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, cùng chung tay xây dựng một thế giới hòa bình lâu dài, hướng tới phát triển bền vững. Ngày Quốc tế hòa bình còn là lời nhắn nhủ tới mọi người dân trên thế giới về vai trò của LHQ trong nỗ lực xây dựng hòa bình. Chủ đề Ngày Quốc tế Hòa bình 2020 là "Cùng nhau định hình hòa bình".

Cách đây 75 năm, Chiến tranh Thế giới thứ hai - Cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử loài người đã khép lại sau khi gây thương đau không kể xiết cho hàng trăm triệu người dân trên thế giới. Vươn lên từ đống tro tàn, các quốc gia đã cùng nhau chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn. Có thể nói, hòa bình là nền tảng cho một tương lai bền vững. Được sống trong hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại.

Kêu gọi xây dựng hòa bình và tăng cường hợp tác, đối thoại là những nội dung được nhiều nhà lãnh đạo thế giới đề cập trong các thông điệp năm 2020. Giáo hoàng Francis, người đứng đầu tòa thánh Vatican kêu gọi thiết lập hòa bình tại những nơi đang xảy ra xung đột trên khắp thế giới như Syria, Lebanon, Yemen, Iraq, Venezuela, Ukraine và một số nước châu Phi. Giáo hoàng khẳng định, để xây dựng một thế giới hòa bình, "chúng ta phải tin tưởng vào đối thoại giữa người dân và giữa các quốc gia, tin tưởng vào vai trò của các tổ chức quốc tế, ngoại giao và chủ nghĩa đa phương". 

Giáo hoàng cũng hối thúc thế giới đoàn kết trong cuộc chiến chống lại mọi loại lạm dụng trẻ em và vượt qua sự thờ ơ khi đối mặt với các cuộc tấn công chống lại nhân phẩm và cuộc sống của con người, kể cả những đứa trẻ chưa ra đời. Giáo hoàng kêu gọi "lương tâm đạo đức, ý chí cá nhân và chính trị" bởi vì hòa bình được sinh ra từ trái tim con người và "ý chí chính trị luôn cần tái tạo để mở ra các tiến trình mới nhằm hòa giải và hợp nhất cá nhân và cộng đồng".

Kỷ niệm 15 năm thành lập Nhóm Công tác về trẻ em và xung đột vũ trang, LHQ đánh giá rằng, việc triển khai chương trình nghị sự Trẻ em và xung đột vũ trang đạt được nhiều tích cực trong năm 2019 với hơn 13.000 trẻ em được giải thoát khỏi các lực lượng vũ trang, 30 kế hoạch hành động ngăn ngừa các vi phạm đối với trẻ em được thông qua. Tuy nhiên, mức độ vi phạm đối với trẻ em vẫn rất nghiêm trọng với 25.000 vụ việc, trong đó các vụ việc giết hại và gây thương tật cho trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 10.000 vụ. 

Xung đột, bạo lực, bất ổn cùng các tác động tiêu cực của Covid-19 gây thêm trở ngại cho các nỗ lực bảo vệ trẻ em. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) kêu gọi các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn để tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo; lồng ghép bảo vệ quyền trẻ em trong quá trình đàm phán hòa bình và tái thiết hậu xung đột. LHQ khuyến nghị các quốc gia nâng cao nhận thức và cam kết bảo vệ quyền trẻ em trong xung đột vũ trang. LHQ kêu gọi các nước sớm phê chuẩn Nghị định thư bổ sung của Công ước về quyền trẻ em trong xung đột vũ trang. Các nước sẽ lồng ghép các nỗ lực bảo vệ trẻ em trong các hoạt động ngăn ngừa và giải quyết xung đột và tái thiết hậu xung đột nhằm xây dựng và duy trì hòa bình bền vững.

Bảo vệ trẻ em trong một môi trường an toàn, hạnh phúc

Thúc đẩy vai trò phụ nữ trong gìn giữ hòa bình

Năm 2020, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tái khẳng định cam kết đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; đây là nền tảng vững chắc cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn. Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19, hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ vẫn được bảo đảm triển khai trên thực tế. Mới đây, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh, các ưu tiên năm 2020 của LHQ đã nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong tham gia, giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh. Hiện chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh được đề cập trong 10 nghị quyết của HĐBA LHQ. Trong mọi lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB), phụ nữ đã chứng tỏ mình có thể đảm nhận tốt, đạt tiêu chuẩn các vai trò như nam giới và trong cùng điều kiện khó khăn như nhau. Thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của phụ nữ. Mỗi phái bộ và các sĩ quan chỉ huy phải cùng tham gia và thực hiện một cách có hệ thống mục tiêu này. Càng nhiều phụ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình thì nền hòa bình đó sẽ càng bao trùm và bền vững hơn.

Cách đây đúng 20 năm, HĐBA LHQ đã ban hành Nghị quyết 1325 về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Đây được coi là sự thay đổi trong chính sách của LHQ nhằm thu hút nhiều hơn sự tham gia của phụ nữ vào các phái bộ GGHB trên toàn thế giới. Nghị quyết đã khẳng định vai trò của phụ nữ trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, trong đàm phán, GGHB, phản ứng nhân đạo và tái thiết sau xung đột, qua đó nhấn mạnh sự cần thiết phải lồng ghép giới vào các nội dung này, kể cả trong hoạt động GGHB. Tại 13 phái bộ GGHB gồm quân nhân và cảnh sát thì nữ quân nhân chiếm 4,7%, nữ cảnh sát chiếm 10,8% trong tổng cộng 81.370 người LHQ đặt mục tiêu đến 2028, 2 tỷ lệ này là 15% và 25%.

Ngự Bình (Nguồn: UN, UN Women, peacekeeping.un.org)