Tiến sĩ Kidong Park, trưởng đại diện tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25- 31/5) chủ đề: "Thuốc lá và các bệnh về phổi", Tiến sĩ Kidong Park, trưởng đại diện tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
"Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so vói người bình thường, cứ 5 người hút thuốc thì có một người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khó chữa trị", ông nói.
Ngoài ra, những người tiếp xúc với khói thuốc cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn 30%. Trẻ em ở gia đình có bố mẹ hút thuốc có thể bị bệnh hen suyễn.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức y tế thế giới, khói thuốc lá "giết" hơn 8 triệu người, trong đó một triệu người hít phải khói thuốc thụ động. Ước tính mỗi năm đến 165.000 trẻ em chết trước 5 tuổi do nhiễm trùng đường hô hấp dưới vì hút thuốc thụ động.
Chương trình thu hút nhiều bạn trẻ tham dự.
Tại Việt Nam, gần 97% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "2 tuần sau khi ngừng hút thuốc, các chức năng phổi bắt đầu cải thiện, 10 năm không hút giúp nguy cơ mắc ung thư phổi giảm một nửa. Ngừng hút thuốc cũng là biện pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính, làm giảm các triệu chứng hen".
Lễ mit tinh là một trong những hoạt động thường niên của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá. Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong dịp này có tới 40 tỉnh, thành phố trong toàn quốc hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5.
Theo vnexpress