Tỉ lệ phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á cao hơn mức trung bình toàn cầu
Cập nhật lúc 14:42, Chủ nhật, 25/10/2020 (GMT+7)
Một nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG) và Infocomm Media Development Authority cho thấy số lượng phụ nữ ở tham gia lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á cao hơn so với các quốc gia khác trên toàn cầu.
Ảnh minh họa
Báo cáo này khảo sát 1.650 phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á.
Theo báo cáo cho biết, phụ nữ chiếm 32% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á. Trong khi đó, mức trung bình toàn cầu là 28%.
Thái Lan có tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao nhất với 42%, còn Singapore đứng thứ 2 trong số các quốc gia ở Đông Nam Á với khoảng 41% phụ nữ làm việc trong lĩnh vực công nghệ.
Ngoài ra, báo cáo còn cho biết điều này có thể do động lực thúc đẩy từ lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ và thu hút cả những phụ nữ không có nền tảng giáo dục về công nghệ.
Khoảng 65% số người tham gia cuộc nghiên cứu đồng ý rằng lĩnh vực công nghệ đang chiếm ưu thế hơn các ngành công nghiệp khác trong việc đưa ra nhiều chương trình được thiết kế riêng để tuyển dụng, đãi ngộ và thăng tiến cho phụ nữ.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, ngành công nghệ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do tỷ lệ phụ nữ được đến trường và tham gia lực lượng lao động vẫn thấp hơn so với các ngành khác.
Ví dụ, trong số các chuyên gia công nghệ ở Đông Nam Á, 39% là phụ nữ (so với 56% ở tất cả các ngành học khác). Trong lực lượng lao động, phụ nữ chiếm 32% trong lĩnh vực công nghệ của khu vực, so với 38% tổng lực lượng lao động.
Khoảng cách về giới trong các công ty công nghệ ở Đông Nam Á là một vấn đề nghiêm trọng hơn hết mà phụ nữ phải đối mặt. Tuy nhiên, báo cáo cho biết, do sự phát triển nhanh chóng của ngành, nhu cầu tìm kiếm nhân tài và các đặc điểm nghề nghiệp hấp dẫn đã khiến khoảng cách về giới trở thành vấn đề đi đầu trong việc giải quyết nhiều thách thức của ngành.
Cần nhiều giải pháp hơn nữa để giữ phụ nữ ở những vai trò quan trọng nhằm mục đích tăng cường đa dạng giới trong lĩnh vực công nghệ. Nghiên cứu cho thấy trong tất cả các ngành công nghiệp, phụ nữ thường bỏ việc ở những thời điểm then chốt trên nấc thang sự nghiệp ở thị trường Đông Nam Á. Ngoài ra, tỷ lệ giám đốc điều hành và các vị trí cấp hội đồng quản trị trong khu vực của phụ nữ cũng chiếm ít hơn 15%.
Chưa dừng lại ở đó, nghiên cứu của BCG đã chỉ ra rằng sự đa dạng về giới có thể giúp các công ty đổi mới, thích ứng nhanh hơn và cải thiện hoạt động tài chính. Chẳng hạn, các công ty có phụ nữ chiếm hơn 20% trong đội ngũ quản lý có doanh thu đổi mới cao hơn 10% so với các công ty do nam giới lãnh đạo.
Báo cáo cho biết "Cần phải thừa nhận tầm quan trọng của giáo dục và việc lựa chọn chuyên ngành, như một cánh cổng để phụ nữ có được chỗ đứng ban đầu trong giới công nghệ". Ngoài ra, báo cáo cũng nêu rõ nếu không có nguồn giáo dục phù hợp, các quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng lực lượng lao động có tay nghề cao và các công ty sẽ gặp trở ngại trong việc tìm kiếm nhân tài.
Để làm được điều đó, các biện pháp như tư vấn nghề nghiệp, các sáng kiến nâng cao nhận thức và mô hình nhóm tài năng nữ có thể giúp nhiều phụ nữ trẻ chuyển hướng làm việc trong lĩnh vực này.
Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng như cơ hội học tập và phát triển tiềm năng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tỷ lệ phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ. Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh rằng đây là những tiêu chí quan trọng trong việc quyết định tham gia lĩnh vực công nghệ của phụ nữ. Việc không được đào tạo chuyên nghiệp và nhận đầy đủ hỗ trợ là lý do chính khiến phụ nữ có ý định nghỉ việc trong lĩnh vực này.
Kim Ngọc