Hình thức giao thương B2B giúp các doanh nghiệp hai nước có cơ hội
 trực tiếp tìm hiểu về nhau một cách nhanh nhất.

Đó là nhận định của ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo: “Thương mại Đa ngành nghề Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản”, chiều 19/4, tại Hà Nội.

Hội thảo do VCCI phối hợp với với Tổ chức Pháp nhân DEVNET JAPAN và Hội Hợp tác Quốc tế Đa ngành nghề tổ chức đã thu hút gần 100 doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong các lĩnh vực ngành nghề tham dự. Hội thảo hướng đến các doanh nghiệp ở nhiều thành phần và ngành nghề của hai nước, nhằm cung cấp thông tin giúp các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm đối tác phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Tại hội thảo, ông Đoàn Duy Khương đã khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản cũng như sự hợp tác giữa VCCI và  Phòng Thương mại, doanh nghiệp của Nhật Bản. Theo ông Khương, trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Đến nay, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và đối tác lớn thứ 3 về du lịch của Việt Nam. Theo số liệu chính thức, tính đến hết 2016, Nhật Bản có hơn 3.200 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 42 tỷ USD, chiếm 15% tổng FDI vào Việt Nam.

Ông Fumiyasu Akegawa – Giám đốc đại diện tổ chức pháp nhân DEVNET Nhật Bản kiêm Chủ tịch Hội Hợp tác Quốc tế Đa ngành nghề nhận định, Việt Nam là một thị trường tuy còn non trẻ nhưng rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.

"Chúng tôi cho rằng, nên nhanh chóng và khéo léo kết hợp khả năng công nghệ kỹ thuật, nguồn thông tin của công ty của Nhật Bản với các thị trường nhiều tiềm năng trên thế giới nói chung và thị trường đang phát triển như Việt Nam nói riêng”, ông Fumiyasu Akegawa nhấn mạnh.

Còn theo ông Đoàn Duy Khương, các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là những mô hình phát triển rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam học tập và hợp tác. Qua sự hợp tác đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, sự năng động và đào tạo nguồn nhân lực.

“Sự năng động sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra những cơ hội trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm mông nghiệp, phát triển bền vững, tránh tình trạng “được mùa mất giá” luôn tồn tại trong ngành nông nghiệp nước ta”, ông Đoàn Duy Khương nhận định.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ông Fumiyasu Akegawa đề xuất, để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính hơn nữa. Bên cạnh đó, Giám đốc DEVNET Nhật Bản cũng nhấn mạnh tới việc Việt Nam cần thiết phải tiến hành nhanh hơn, hiệu quả hơn quá trình công nghiệp hóa trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và ổn định tiền tệ.

Đặc biệt, trong khuôn khổ hội thảo, các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam đã gặp gỡ, giao thương trực tiếp theo hình thức B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Các doanh nghiệp tham gia hội thảo lần này khá đa dạng về lĩnh vực hoạt động, từ nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường đến y tế, dược phẩm, giao thông, xây dựng, hóa chất…

Với hình thức giao thương B2B, doanh nghiệp hai nước đã trực tiếp trao đổi với nhau về lĩnh vực hoạt động, nhu cầu cũng như thế mạnh của mình để tìm kiếm đối tác phù hợp. Trong khuôn khổ buổi gặp gỡ theo hình thức B2B, đã có khoảng 10 biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp giữa hai nước, hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh hiệu quả.

DEVNET là tổ chức kết nối phát triển quốc tế với mạng lưới 1,5 triệu công ty tại 166 quốc gia, giúp doanh nghiệp tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm và nguồn vốn. Hiện DEVNET đang khởi động các dự án nông nghiệp và hỗ trợ người nghèo tại các nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Dự án có sự tham gia của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). DEVNET dự kiến xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu Nhật Bản tại Việt Nam.


                                                           Theo Thế giới và Việt Nam