Tiềm năng từ chế độ gia đình trẻ em đa tầng
Cập nhật lúc 15:08, Chủ nhật, 18/07/2021 (GMT+7)
Trong hội thảo “Nhận diện vấn đề giới trong một số chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức ngày 16/7, các đại biểu đã bàn thảo đến việc áp dụng chế độ gia đình trẻ em đa tầng để hỗ trợ cho tất cả trẻ em ở Việt Nam.
Ảnh minh họa: UNFPA
Tại hội thảo, đại diện ILO đã nhấn mạnh việc áp dụng phúc lợi nhiều tầng cho trẻ em là một trong những biện pháp chính sách có tiềm năng tác động lớn hơn. Quyền lợi này bao gồm hai tầng. Tầng một sẽ cung cấp chế độ cho con cái của các bậc cha mẹ không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Việt Nam và sẽ do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Trong khi đó, tầng thứ hai sẽ hướng đến các trẻ em có cha mẹ tham gia BHXH với chế độ hưởng cao hơn và chi trả thông qua sự đóng góp của cả người lao động và người sử dụng lao động, như tất cả các quyền lợi BHXH khác.
Ông André Gama - Giám đốc chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam
Ông André Gama - Giám đốc chương trình An sinh xã hội của ILO Việt Nam cho biết: "Chính sách như vậy có thể được thực hiện với chi phí tương đối hợp lý, đồng thời giúp hệ thống BHXH ở Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu chính sách như đã được nêu ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018 của BCH TW Đảng về cải cách chính sách BHXH".
Ông André cũng khẳng định, chế độ trẻ em đa tầng có thể vừa giúp mở rộng diện bao phủ của BHXH tại Việt Nam. Đồng thời hỗ trợ tài chính cho mọi trẻ em trên cả nước. Chế độ này cũng có thể có tác động tái phân phối mạnh mẽ, hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình có thu nhập thấp hơn và có khả năng giúp xử lý được vấn để rút BHXH một lần, đặc biệt đặc biệt với người lao động trẻ có con.
Gia đình lao động có con nhỏ thường xuyên phải đối mặt với chi phí BHXH cao và chi phí nuôi con cũng rất cao. Gia đình lao động có trẻ phụ thuộc chiếm khoảng 45% số người lao động ở Việt Nam. Trong số này, nhiều gia đình làm việc trong nền kinh tế phi chính thức. Với vai trò chăm sóc thế hệ tương lai của Việt Nam, việc hỗ trợ họ trong lúc con nhỏ và trong suốt cuộc đời làm việc thông qua một hệ thống an sinh xã hội toàn diện là rất quan trọng.
Chế độ gia đình trẻ em là nội dung duy nhất từ Công ước An sinh xã hội (Tiêu chuẩn tối thiếu) của ILO năm 1952 (Số 102) không được đề cập trong cả hệ thống BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện ở Việt Nam. Chế độ gia đình trẻ em được đề xuất cho Việt Nam bao gồm trợ cấp nói chung dành cho trẻ em sử dụng ngân sách từ thuê với tư cách là quyền của tất cả mọi trẻ em.
Trong hệ thống BHXH đa tầng, những đối tượng đóng BHXH có thể được hưởng mức cao hơn. Khác với các khoản trợ cấp bằng tiền mặt khác của BHXH, chế độ gia đình trẻ em sẽ cung cấp hỗ trợ thu nhập ngay lập tức cho hàng triệu gia đình đã có con trong độ tuổi hợp lệ, do vậy sẽ khuyến khích tham gia đóng góp bất cứ khi nào có thể.
Theo khảo sát tại 180 nước trên thế giới: - Trong 108 nước có chế độ trẻ em: + 31 nước chỉ có chế độ trẻ em trong BHXH23 nước đã đưa vào chế độ trẻ em phổ quát, sử dụng ngân sách nhà nước chi trả. + 40 nước đã đưa vào chế độ trẻ em thẩm tra thu nhập, sử dụng ngân sách nhà nước chi trả. + 14 nước có chế độ trẻ em chi trả vừa bằng BHXH và ngân sách nhà nước. -72 nước không có chế độ gia đình trẻ em |
Ngự Bình