Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương dự Hội nghị.

Gần 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự Hội nghị.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương chủ trì Hội nghị.

Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền về tư tưởng, thường xuyên được Đảng và Nhà nước quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ. Do tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, ngày 10/9/2008, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW "Về tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới".

Tiếp đó, ngày 14/2/2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 16-KL/TW về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020". Đây là Chiến lược đầu tiên về lĩnh vực thông tin đối ngoại, là cơ sở quan trọng để các ban, bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại một cách toàn diện, bài bản và hiệu quả.

Phát biểu tổng kết tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương cho biết, sau 5 năm triển khai Kết luận 16 của Bộ Chính trị về "Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020", các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới ngày càng được nâng cao; hệ thống các cơ quan chuyên trách được củng cố, kiện toàn; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn thiện.

Các hoạt động thông tin đối ngoại ở các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức bài bản, đồng bộ hơn. Nội dung, phương thức các hoạt động thông tin đối ngoại được đổi mới; phạm vi, đối tượng, địa bàn ngày càng được mở rộng. Nhiều chủ trương, chính sách, các sự kiện trọng đại của đất nước; quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề khu vực và quốc tế; hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc; những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc đổi mới... được cung cấp kịp thời, tạo thế chủ động trên mặt trận thông tin tuyên truyền.

Thông tin bằng tiếng nước ngoài được tăng cường; thông tin về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, sự tham gia tích cực và chủ động của Việt Nam vào những hoạt động của các tổ chức Liên hợp quốc về quyền con người; thông tin kịp thời về những vấn đề, vụ việc liên quan đến tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, công tác bảo hộ công dân Việt Nam... qua đó chủ động ngăn chặn, đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Chẳng hạn như nhận thức về thông tin đối ngoại vẫn chưa đầy đủ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại.

Thêm vào đó, công tác theo dõi, nắm bắt, dự báo tình hình còn chưa kịp thời, lượng thông tin còn mỏng; hình thức tuyên truyền còn chưa thực sự phù hợp với nhiều đối tượng; việc kết hợp giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, giữa các cơ quan Trung ương với địa phương, giữa trong nước với các địa bàn nước ngoài vẫn còn thiếu đồng bộ; chưa tận dụng hiệu quả công nghệ, phương tiện truyền thông hiện đại...

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương đánh giá cao những kết quả thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại của các ngành, các cấp trong thời gian vừa qua.

Nhấn mạnh thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường, ông Võ Văn Thưởng lưu ý các ngành, các cấp, các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại cần chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong công tác tham mưu, tổ chức, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể. Đó là tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn hiện nay; tiếp tục hoàn thiện tổ chức, cơ chế chỉ đạo, chủ động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ về thông tin, tuyên truyền đối ngoại.

Ông Võ Văn Thưởng nêu rõ cần tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền thông tin đối ngoại, nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại theo phương châm "Chính xác, kịp thời, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng"; chú trọng công tác nghiên cứu, nắm bắt, dự báo tình hình quốc tế và khu vực làm cơ sở chỉ đạo, định hướng thông tin đối ngoại.

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường các kênh thông tin bằng tiếng nước ngoài; sử dụng các phương tiện truyền thông mới, nhất là các mạng xã hội vào mục đích thông tin, tuyên truyền đối ngoại một cách kịp thời và hiệu quả; nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực cơ hội, thù địch; làm tốt công tác phát ngôn, chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin, đấu tranh dư luận.

Ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, thời gian tới, cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; quan tâm, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại ở Trung ương và địa phương.

Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020.

Tạo sự lan tỏa của chính nghĩa và lẽ phải

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, trong bối cảnh tình hình đất nước, khu vực và quốc tế trong 5 năm qua có nhiều diễn biến mới, bên cạnh những mặt thuận còn có nhiều khó khăn, thách thức, công tác thông tin đối ngoại đã đóng vai trò quan trọng, góp phần đắc lực cho việc triển khai tuyên truyền về chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, các hoạt động đối ngoại nhân dân.

Có thể nói chưa bao giờ hình ảnh, vị thế, uy tín của Việt Nam được nâng cao trong mắt của bạn bè quốc tế như hiện nay. “Chúng ta cũng đang có được sự ủng hộ của người dân và dư luận quốc tế trên nhiều vấn đề quan trọng trong đó có vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ”, Thứ trưởng nói.

Ở các châu lục, tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, chính nghĩa và lẽ phải của Việt Nam đã lan tỏa và nhận được sự đồng tình của bạn bè thế giới, từ né tránh sang ủng hộ Việt Nam. Có được những kết quả này, có phần đóng góp quan trọng của thông tin đối ngoại.

Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, công tác thông tin đối ngoại đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thứ nhất, các hoạt động thông tin đối ngoại nói chung và của Bộ Ngoại giao nói riêng được triển khai một cách tích cực, chủ động và bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ hơn so với giai đoạn trước.

Thứ hai, công tác phát ngôn, đấu tranh dư luận và định hướng báo chí thời gian qua có nhiều đổi mới; thông tin tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển đảo cũng như các vấn đề nhạy cảm khác được chú trọng.

Thứ ba, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã có nhiều nỗ lực, triển khai sáng tạo nhiều hoạt động thông tin đối ngoại. Các cơ quan đại diện xây dựng kế hoạch thông tin đối ngoại cho từng năm, từng giai đoạn; có nhiều cải tiến cả về nội dung và phương thức thông tin phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn…

Về kiến nghị các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ ngành cơ quan tham gia làm công tác thông tin đối ngoại; tiếp tục nâng cao hơn nữa tính “chủ động” trong thông tin tuyên truyền cùng với đó là đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới, cải tiến và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trong đó có việc mở rộng đối tượng tranh thủ, đổi mới tư duy về cung cấp thông tin.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới cần phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông hiện đại, đẩy mạnh khai thác mặt tích cực và có các biện pháp kiểm soát tốt hơn mặt tiêu cực của mạng xã hội. Cuối cùng là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác thông tin đối ngoại theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, chú trọng trình độ ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại.


                                                                                                  Theo Thế giới và Việt Nam