Ngày 21/10, Cơ quan Giám sát Y tế Quốc gia Brazil (NHSA) thông báo một tình nguyện viên thử vaccine Covid-19 đã tử vong. Đây là một bác sĩ 28 tuổi ở Rio de Janeiro, trong nhóm sử dụng giả dược, không được tiêm vaccine và qua đời vì Covid-19.
"Tất cả sự cố y khoa, dù xảy ra với người thuộc nhóm đối chứng hay nhóm tiêm vaccine, đều được xem xét độc lập. Sau khi đánh giá cẩn thận trường hợp ở Brazil, chúng tôi nhận thấy không có điểm gì đáng ngại về tính an toàn của thử nghiệm lâm sàng. Ngoài ra, cơ quan quản lý Brazil cũng khuyến nghị chúng tôi nên tiếp tục", phía Đại học Oxford phát biểu.
Đến nay, Viện D'Or, nơi đang diễn ra nghiên cứu, cho biết 8.000 tình nguyện viên đã được tiêm vaccine hoặc giả dược. Trong tuyên bố chính thức, đại diện Viện cho biết: "Quá trình phân tích nghiêm ngặt dữ liệu thu được đến nay không cho thấy rủi ro. Do đó, chúng tôi được khuyến nghị tiếp tục thử nghiệm".
Hãng dược AstraZeneca từ chối bình luận về thông tin tình nguyện viên tử vong trong quá trình thử nghiệm, song cho biết đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng ngừa và các tiêu chuẩn lâm sàng.
"Tất cả vấn đề y tế đều được đánh giá cẩn thận bởi một ủy ban giám sát an toàn độc lập và cả cơ quan quản lý. Họ cho biết không có bất cứ lo ngại nào về toàn bộ tiến trình", đại diện hãng nhấn mạnh.
Các nhà khoa học lưu ý tình nguyện viên trong các nghiên cứu lâm sàng có thể bị ốm hoặc tử vong vì nhiều lý do. Chúng có thể không liên quan đến vaccine.
Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine của AstraZeneca và Đại học Oxford tại Johannesburg hồi tháng 9. Ảnh: NY Times
"Nếu không có thông tin chi tiết, chưa thể kết luận điều gì đã xảy ra trong trường hợp này. Nhưng theo tôi, cái chết rõ ràng không phải do vaccine", Ian Jones, giáo sư virus học tại Đại học Reading, Anh, nhận định.
"Chúng ta cần nhớ rằng trong các thử nghiệm lớn, bệnh tật và tử vong là điều bình thường. Nó vẫn xảy ra dù tình nguyện viên có tham gia nghiên cứu hay không", bà nói thêm.
Trước đó, AstraZeneca từng phải dừng thử nghiệm hai lần. Hồi tháng 7, hãng phải đình chỉ nghiên cứu một thời gian ngắn để tiến hành đánh giá an toàn do một tình nguyện viên bị ốm. Tình trạng của người này rất lâu sau đó mới được công bố. AstraZeneca cho biết bệnh nhân mắc chứng "đa xơ cứng" từ trước, không liên quan đến vaccine và tiếp tục nghiên cứu. Đến tháng 9, hãng ngừng thử nghiệm toàn cầu vì một phụ nữ 37 tuổi khác phát triển triệu chứng viêm tủy ngang sau khi nhận mũi tiêm thứ hai.
Vaccine của Oxford đã tiến đến nghiên cứu giai đoạn 3, là một trong những "ứng viên" dẫn đầu cuộc đua, bên cạnh sản phẩm của các hãng dược như Pfizer, Moderna, CanSino... Các nhà khoa học đã sử dụng một loại virus cảm lạnh vô hại, mang đoạn mã gen chứa protein của nCoV vào cơ thể nhằm đào tạo hệ miễn dịch nhận biết và chống lại mầm bệnh. Công nghệ từng được dùng để điều chế vaccine Ebola. Khâu cuối cùng diễn ra trên 30.000 tình nguyện viên, nhằm xác định độ an toàn và hiệu quả.