Nhân viên hàng không chật vật vì giảm thu nhập do dịch COVID-19 - Ảnh: SCMP
Các phi hành đoàn đang lo lắng về tương lai tài chính khi ngành hàng không toàn thế giới rơi vào cảnh nằm đất do dịch COVID-19.
Đặc biệt là ở Singapore, như Singapore Airlines (SIA) đã cho nằm đất gần như toàn bộ máy bay vào đầu tuần này, khiến nhiều tiếp viên hàng không của hãng chật vật vì thu nhập bị mất.
"Số tiền tôi kiếm được hằng tháng phụ thuộc vào các chuyến bay. Vì vậy khi các chuyến bay bị hủy, tôi chỉ được hưởng mức lương cơ bản vốn không bền vững", một tiếp viên 25 tuổi của SIA giấu tên nói với tờ Today Online.
Cô đã xin nghỉ phép không lương vì cơ hội được bay trong tình cảnh hiện nay là rất thấp. Cô hiện cân nhắc giúp đỡ dì mình bán xe đồ ăn với mức lương 10 đôla Singapore mỗi giờ.
Một nam tiếp viên hàng không 29 tuổi làm việc ở hãng hàng không khác có trụ sở ở Singapore cho biết anh đã bắt đầu làm bán thời gian tại một cửa hàng bán lẻ, khoảng 3 lần/tuần sau khi thu nhập hằng tháng khoảng 3.500 đôla Singapore của anh bị giảm 50-80%.
Anh cũng nói thêm một tháng bình thường anh làm việc 16 ngày nhưng trong tháng 3 anh chỉ làm việc có 6 ngày.
SIA hôm 23-3 đã tuyên bố cắt giảm 96% số chuyến bay cho tới cuối tháng sau và cho nằm đất 138 máy bay trong tổng số đội bay gồm 147 chiếc.
Có đến 10.000 nhân viên của SIA có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp cắt giảm chi phí. Giám đốc điều hành SIA Goh Choon cho biết dịch COVID-19 có thể là "thách thức lớn nhất" mà SIA gặp phải trong suốt thời gian hoạt động.
Cắt giảm hầu hết chuyến bay hoặc nằm đất là tình cảnh chung của các hãng hàng không hiện tại - Ảnh: REUTERS
Các hãng hàng không khác trên thế giới cũng ứng phó với đại dịch theo cách tương tự. Hãng Emirates hôm 22-3 cho biết cắt giảm số điểm đến từ 159 xuống còn 13 và giảm 25-50% lương cơ bản của phần lớn nhân viên trong vòng 3 tháng.
Một tiếp viên trưởng 50 tuổi đã làm việc tại SIA 27 năm cho hay "dịch SARS cũng không tệ như thế này. Khi đó chỉ hủy các chuyến bay tới Trung Quốc, còn thế giới không hủy nhiều. Lúc đó chúng tôi cũng lo ngại nhưng không nhiều như bây giờ".
Nữ tiếp viên này từng làm việc khoảng 20 ngày mỗi tháng, nhưng giờ chỉ còn làm 6-8 ngày. Không có tiền từ chuyến bay và không có trợ cấp nghỉ việc - vốn chiếm phần lớn thu nhập, cô hầu như không thể trả tiền thế chấp và trả tiền cho người đang chăm sóc người mẹ ốm yếu của mình.
Nỗi lo lớn nhất của cô bây giờ là ngành hàng không cắt giảm nhân sự. Đây cũng là nỗi lo chung đang len lỏi trong hàng ngũ các đồng nghiệp của cô.
Các phi công cũng không phải ngoại lệ. Một phi công giấu tên của SIA, người đã làm việc 30 năm, nói rằng ông đã bị cắt giảm 55% lương và sẽ nghỉ phép không lương kể từ 1-4. Ngoài ra, ông còn lo ngại nguy cơ sức khỏe mà bản thân phải đối mặt.
Có hai đứa trẻ đang chờ ông ở nhà sau mỗi chuyến bay, cùng với đó là bố mẹ già 80 tuổi. Ông không thể về với họ mà phải ra ở khách sạn vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Theo tuoitre