leftcenterrightdel
 Hiệu thuốc ở Jakarta, Indonesia

Ngày 1/11, các nhà chức trách Indonesia đã thu hồi giấy phép của hai công ty dược phẩm sản xuất các loại thuốc dạng siro sau cái chết của 159 trẻ em do tổn thương thận cấp tính. 

Penny Lukito, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM), thông tin, họ phát hiện PT Yarindo Farmatama và PT Universal Pharmaceutical Industries đã thay đổi nhà cung cấp propylene glycol, một thành phần của siro và loại họ đang sử dụng bị nhiễm độc hóa chất khác.

Ông Lukito nói: “Nếu có sự thay đổi, họ cần báo cáo với BPOM. Trong trường hợp không tuân thủ, các công ty dược phẩm sẽ bị xử phạt hành chính với hình thức ngừng sản xuất, phân phối; thu hồi và tiêu hủy sản phẩm”. 

Theo AP, cơ quan trên và Cảnh sát Quốc gia ghi nhận, hai công ty này đã sử dụng propylene glycol làm nguyên liệu sản xuất siro thuốc. Các loại siro, thường được trẻ em sử dụng, chứa quá nhiều ethylene glycol và diethylene glycol. Chứng cứ được thu thập dựa trên những cuộc phỏng vấn với nhân viên và kiểm tra tài liệu, cơ sở vật chất, sản phẩm của các công ty.

Hai hóa chất này thường được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp như chất chống đông và dầu phanh.

Ông Lukito cho biết BPOM đang theo đuổi các cáo buộc hình sự đối với hai công ty: “Những người phạm tội phải đối mặt với án tù tối đa là 10 năm và tiền phạt tối đa là 64.000 USD”.

Tình trạng siro nhiễm độc bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột biến các trường hợp rối loạn thận cấp tính ở trẻ em kể từ cuối tháng 8. 

Theo Bộ Y tế Indonesia, có 304 trường hợp tổn thương thận cấp tính ở 27 tỉnh. Hầu hết các bệnh nhân dưới 5 tuổi. Bộ Y tế đã phân phối 146 lọ thuốc giải độc cho 17 bệnh viện trên cả nước.

Người phát ngôn Bộ Y tế, Mohammad Syahril, cho biết số ca mắc mới và tử vong đã giảm kể từ khi chính phủ thông báo lệnh cấm tạm thời đối với việc sử dụng các loại thuốc dạng siro cho đến khi kết thúc cuộc điều tra.

Theo vietnamnet