|
Học sinh đeo khẩu trang tự chế. |
Kiribati là một trong số những nước nghèo nhất thế giới, đồng thời là 1 trong 13 quốc gia chưa có báo cáo về ca nhiễm nCoV cho đến nay. Kiribati trước đây là thuộc địa Anh nhưng giành độc lập từ năm 1979. Nước này gồm nhiều quần đảo với tổng diện tích 800 km2, dân số chỉ 116.000 người và cây dừa trồng khắp mọi nơi. Loài cây này giúp ích nhiều cho cuộc sống người dân: thân cây để đóng thuyền và xây nhà, lá để lợp ngói và sàn, xơ dừa làm dây thừng và vải.
Tại đây, dừa được gọi là "moimoto". Chúng đang được đồn đại là "chìa khóa" giúp quốc đảo này chống Covid-19.
Rooti Tianaira, giáo viên tiểu học tại thủ đô Tarawa, cho biết: "Chúng tôi đang dùng moimoto để chống virus. Chúng rất giàu vitamin A và C". "Tổ tiên chúng tôi thường ăn sáng bằng cùi dừa và noni - một loại trái cây khác có vị hăng nhưng tốt cho sức khỏe, sau đó uống nước dừa lên men. Họ khỏe mạnh, không bệnh tật. Nên bây giờ, chúng tôi dùng những loại trái cây có sẵn ở địa phương làm thuốc, xây dựng hệ thống miễn dịch", người này nói thêm.
Rimon Rimon, một phóng viên ở Kiribati, cho biết: "Họ nói rằng dừa có thể ngăn virus corona? Tôi chưa từng biết điều đó". Rimon nói việc thần thánh hóa sức mạnh quả dừa là "tin đồn ngớ ngẩn nhất" đang được truyền tai ở Kiribati. "Hầu hết mọi người đều có thể truy cập Internet. Trên mạng đầy rẫy thông tin nhưng họ không phân biệt được tin giả nên cứ thế đồn đại", anh Rimon nói thêm.
Theo Rimon, người dân ở đây còn cho rằng món kava cũng có thể ngăn Covid-19. Kava là loại thức uống có khả năng tăng nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm vì được uống chung. Nước được đựng trong một cái bát, họ sẽ nhúng cốc lấy nước và uống, sau đó nhúng lại vào bát cho người sau. "Tin đồn đó vô căn cứ. Chính quyền đã phải lên tiếng rằng đây không phải sự thật", Rimon cho biết.
"Chính phủ không có chính sách tuyên truyền nên rất khó kiểm soát cách mọi người thu thập thông tin. Chỉ có hai nguồn tin chính thức về Covid-19 là Bộ Y tế và Văn phòng Tổng thống, nhưng mọi người chia sẻ bất cứ điều gì họ cho là thật", Rimon nói và bày tỏ chính phủ nên can thiệp và phạt những người tung tin thất thiệt.
|
Chính phủ Kiribati không có chính sách truyền thông xã hội. |
Bà Tianaira, một cư dân khác ở Kiribati, mới sắm điện thoại thông minh và dùng mạng xã hội. Bà choáng ngợp với Internet đến nỗi dễ dàng tin vào những tin giả như: Israel đang phát triển vaccine, tỏi có thể chữa Covid-19, nước sát khuẩn tay có nguy cơ gây hỏa hoạn và virus bắt nguồn từ những người ăn súp dơi ở Trung Quốc...
Tuần trước, trên mạng lan truyền video các xác chết được cho nhiễm nCoV bị ném xuống biển khiến cộng đồng Kiribati phát hoảng. "Tôi rất lo sợ và chia sẻ cho bạn bè. Video khiến chúng tôi sợ ăn cá vì với con dân vùng biển như chúng tôi, nếu cá bị nhiễm độc, tất cả sẽ chết đói", Tianaira nói.
Tin đồn khác gây lo lắng ở Kiribati bắt nguồn từ một thủy thủ ốm yếu người Nga, được đưa lên đất liền vì cần hỗ trợ y tế. "Ông ấy gặp vấn đề về phổi. Thế là vài người bắt đầu đồn đại ông ta bị nhiễm nCoV khiến người dân hoảng sợ, phụ huynh không cho con đi học. Họ bắt đầu cãi nhau với giáo viên: "Anh chị không thể kiểm soát con chúng tôi. Ở đây có virus corona", anh Rimon nói.
Tin đồn gây hoang mang sang cả vùng lân cận là Betio - một trong những nơi đông dân nhất thế giới. Theo thống kê năm 2015, cứ mỗi 1,54 km2 lại có 17.330 người sinh sống. Đời sống ở đây cũng nghèo nàn, lạc hậu, ô nhiễm và việc giãn cách xã hội gần như là không thể.
Anh Rimon là người có học thức, từng sinh sống ở nước ngoài nên không dễ bị lừa bởi những tin nhảm, nhưng nhận ra thảm họa Covid-19 có thể tấn công Betio bất cứ lúc nào. Anh nói: "Ngay cả các nước phát triển như Italy cũng bị chao đảo, thì chúng tôi khó lòng kiểm soát dịch. Hệ thống y tế nước tôi không tốt bằng quốc gia đang phát triển xung quanh".
"Thỉnh thoảng có đợt bùng phát tiêu chảy hoặc cúm khá đáng lo, nhưng ít nhất vẫn có thuốc chữa. Covid-19 thì không. Theo những gì đang diễn ra trên thế giới, nó có thể xóa sổ đất nước tôi", Rimon nói thêm.
Một số quốc gia đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV nào. Nhưng các chuyên gia cho rằng, thực tế không hẳn như vậy. Lý do chưa báo cáo ca nhiễm có thể xuất phát từ hai nguyên nhân chính: họ không đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm hoặc họ là các quốc gia biệt lập, ít khách du lịch qua lại, hạn chế được khả năng virus lây lan.
Theo Ione