Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Theo thống kê của trang worldometers, tính đến 14 giờ chiều 23/6, thế giới đã ghi nhân 9.194.445 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có đến 474.502 trường hợp tử vong.
Thổ Nhĩ Kỳ và Israel phạt người không đeo khẩu trang
Ngày 22/6, các cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã công bố mức phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, những người không đeo khẩu trang tại nơi công cộng sẽ bị phạt khoản tiền tối đa lên tới 900 libra (tương đương 131 USD).
Trong khi đó, tại Israel, người vi phạm sẽ bị phạt 500 shekel (145 USD), thay cho mức phạt trước đây là 200 shekel.
Ngoài tăng mức phạt, cơ quan phòng chống dịch COVID-19 Israel cũng đã quyết định siết chặt việc thực hiện các biện pháp hạn chế phòng dịch và thành lập một cơ quan quốc gia có chức năng giám sát công tác thực hiện.
Hiện cơ quan đang chuẩn bị các biện pháp ứng phó sẵn sàng đối mặt với kịch bản xấu nhất trong trường hợp làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát với số bệnh nhân COVID-19 nặng phải sử dụng máy trợ thở lên tới 2.000 ca, song song với 2.000 bệnh nhân mắc các bệnh khác khác cũng phải sử dụng máy trợ thở.
Theo báo cáo ngày 22/6 của Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.212 ca nhiễm mới và 24 ca tử vong.
Tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở nước này hiện là 188.897 ca và tổng số ca tử vong do COVID-19 là 4.974 ca.
Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 11/3 và đến ngày 1/6, Ankara từng bước khôi phục trạng thái bình thường mới.
Tại Israel, ngày 22/6, Bộ Y tế nước này ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày là 304 ca - mức tăng cao nhất kể từ ngày 23/4.
Đến nay, tại Israel có tổng cộng 21.082 ca mắc COVID-19 và 307 trường hợp tử vong. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lây lan tại khu vực Trung Đông và một số nước châu Phi.
Tình hình dịch bệnh ở các nước
Tại Palestine, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Bờ Tây đã tăng gấp 2 lần trong 1 tuần qua, từ 403 trong tuần trước lên 903 ca hiện nay.
Cơ quan chức năng y tế Palestine cho biết trong ngày 22/6, Palestine ghi nhận 142 ca nhiễm mới - mức tăng trong ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại đây. Bộ Y tế Palestine cũng đã cảnh báo về làn sóng dịch bệnh thứ hai sẽ nguy hiểm hơn đợt dịch đầu tiên.
Palestine áp đặt các biện pháp hạn chế. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tại châu Phi, Liberia đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày để tạo điều kiện cho công tác đánh giá, xem xét tình hình dịch bệnh để bảo vệ người dân tốt hơn.
Zimbabwe đã đóng cửa tạm thời Lãnh sự quán của nước này tại Johannesburg, Nam Phi, sau khi hai nhân viên có kết quả dương tính với COVID-19.
Hiện Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi với số ca nhiễm đã lên trên 1 triệu ca.
Lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại, ngày 22/6, Chính phủ Uganda cảnh báo nước này khôi phục các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nếu số ca mắc COVID-19 tăng và ghi nhận thêm nhiều ca tử vong.
Tại Trung Á, ngày 22/6, Chính phủ Uzbekistan thông báo phát hiện hàng chục khu vực báo động đỏ của dịch COVID-19 tại thủ đô Tashkent và hiện khu vực này đã bị cách ly hoàn toàn.
Trong tháng trước, Uzbekistan đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn phân chia khu vực đỏ, vàng và xanh tùy theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Theo đó, đỏ là mức nghiêm trọng nhất.
Hiện Hàn Quốc là nước duy nhất xác nhận nước này đang trong làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số liệu thống kê của Cơ quan iểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10h (giờ địa phương) ngày 23/6, với 46 ca nhiễm mới được phát hiện (gồm 16 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 30 ca nhập cảnh), tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 12.484 ca.
Theo Vietnamplus