Tòa án Trung Quốc: 'Ngoại tình không phải lý do ly hôn'
Cập nhật lúc 00:05, Thứ sáu, 07/01/2022 (GMT+7)
Trong bài viết ngày 2/1, tòa án tỉnh Sơn Đông cho biết người dân không thể nộp đơn ly hôn chỉ với lý do “ngoại tình”. Tuyên bố này nhanh chóng tạo ra làn sóng tranh cãi.
|
|
Kể từ khi thời gian làm thủ tục bị kéo dài, tỷ lệ ly hôn ở xứ tỷ dân giảm mạnh. Song, nhiều người vẫn giữ thái độ tiêu cực với chính sách "30 ngày hòa giải". Ảnh: Feng He/Zhejiang Daily/VCG. |
Theo lập luận của tòa án tỉnh Sơn Đông, hầu hết người ngoại tình không sinh hoạt cùng nhà bạn trai/gái nên chưa đủ đáp ứng điều kiện “sống với nhau” - một phần của luật ly hôn Trung Quốc.
“Khi người đã kết hôn bị phát hiện phát sinh quan hệ bất chính, hành vi của họ sẽ không được coi là ‘ngoại tình’ nếu không chung sống cùng nhà với người tình trong khoảng thời gian lâu dài, ổn định. Do đó, vợ/chồng họ không thể lấy lý do này để ly hôn hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại”, SCMP trích nội dung bài viết của tòa án.
“Nói cách khác, dù bạn có bằng chứng vợ/chồng mình ngủ cùng giường với người tình, bạn vẫn không thể nộp đơn ly hôn vì khoảng thời gian chung sống của họ chưa lâu”, tòa nói thêm.
Bài viết đã bị gỡ xuống sau khi bị công chúng chỉ trích nặng nề, SCMP đưa tin.
Tháng 1/2021, Trung Quốc đã thông qua luật "30 ngày hòa giải" áp dụng cho các cặp vợ chồng muốn chia tay. Trong khoảng thời gian tạm hoãn thủ tục, yêu cầu ly dị sẽ bị hủy bỏ nếu một trong hai người thay đổi ý định.
Bài viết của tòa án Sơn Đông cũng trích dẫn bộ luật này: “Luật đã bổ sung thời hạn 30 ngày hòa giải đối với các đơn ly hôn. Mặt khác, đối với mọi tranh chấp ly dị, những giải thích pháp lý đã loại bỏ lý do ‘ngoại tình’ khỏi danh sách điều kiện để vợ chồng chia tay”.
Các nhà nghiên cứu pháp lý cho biết tòa án Sơn Đông đã diễn giải sai luật.
Zhou Youjun, giáo sư đến từ Trường Luật của ĐH Beihang (Bắc Kinh), cho biết bài viết đã nhầm lẫn giữa quyền của những người xin ly hôn và trách nhiệm của các tòa án Trung Quốc.
“Các điều khoản mà tòa án trích dẫn trong bài viết được áp dụng cho phiên điều trần và phán quyết của tòa án, không có yêu cầu tối thiểu đối với người nộp đơn ly hôn.
Yêu cầu ly hôn là quyền cơ bản của công dân, và trách nhiệm của tòa án là quyết định chấp thuận điều đó hay không. Không nên nhầm lẫn giữa hai điều này”, trích bình luận của giáo sư trên Hongxing News.
“Nguyên tắc cơ bản của luật ly hôn Trung Quốc là ‘bảo vệ quyền tự do ly hôn, đồng thời phản đối những cuộc ly dị vội vàng’”, ông nói thêm.
Tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc tăng từ 2/1.000 người (năm 2010) lên 3,4/1.000 người (năm 2019), trước khi giảm xuống 3,1/1.000 (năm 2020). Con số dự kiến tiếp tục giảm vào năm 2021, dựa trên số liệu hàng quý do chính phủ công bố.
Bài viết của tòa án Sơn Đông được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng nhân khẩu học ở xứ tỷ dân. Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, trong khi đó những người trẻ tạm hoãn kết hôn và sinh con.
Tăng trưởng dân số trong thập kỷ qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1950 do tỷ lệ sinh giảm, theo cuộc điều tra dân số năm 2020 của Trung Quốc.
Theo zingnews