Trong số hàng triệu người phải nếm trải thảm cảnh không điện, không nước tuần qua tại Texas, Mỹ có hàng trăm nhà báo địa phương, chịu trách nhiệm đăng tải thông tin quan trọng về cơn bão tuyết chết người ngay từ tâm bão, theo Washington Post.
Các phóng viên - nhiều người trong số họ đã làm việc trong cảnh không có tòa soạn gần một năm qua vì Covid-19 - đã đưa tin, viết bài từ ôtô, nhà kho ở sân sau, hay dò sóng di động bên những đống quần áo bẩn chất chồng chưa giặt vì mất nước sinh hoạt, để gửi bài kịp thời hạn trong khi đường ống nước, khí gas bị vỡ và rò rỉ trong nhà.
Trải nghiệm chưa từng có tiền lệ
Keith Campbell, biên tập viên của tờ Dallas Morning News, cho biết: “Tôi sống ở Texas đã 30 năm nhưng chưa bao giờ gặp cảnh này”. Vài năm trước, cô từng đưa tin về một trận lốc xoáy giết chết 11 người trong một đêm tại khu vực này.
Chủ biên của tờ Texas Tribune, Stacy-Marie Ishmael, chia sẻ áp lực đưa tin trong thời kỳ dịch bệnh đã tăng lên gấp bội bởi cuộc khủng hoảng thời tiết mới này. “Nó thực sự rất khó khăn và áp lực về mặt tinh thần. Có những đồng nghiệp của tôi đang làm việc nhưng buộc phải dừng giữa chừng và nói: ‘Đợi chút, tôi nghĩ đường ống nhà tôi vừa vỡ rồi, nhưng tôi sẽ cố gửi bài ngay khi có thể’".
“Các nhà báo thường không kể câu chuyện của chính mình”, cô nói, “nhưng dịch bệnh đã biến tất cả thành tâm điểm của một câu chuyện nào đó, bởi ai cũng bị ảnh hưởng theo một cách nào đó”.
Thiên tai có thể tạo nên những “khoảnh khắc tỏa sáng” cho các phóng viên địa phương. Khi cơn bão Katrina phá hủy phần lớn New Orleans, các phóng viên và nhiếp ảnh gia của Times-Picayune vẫn ở lại thành phố ngập lụt để đưa tin từ tâm chấn, mang về cho tờ báo này hai giải thưởng Pulitzer. Các nhà báo của tờ Houston Chronicle cũng đã làm điều tương tự khi cơn bão Harvey tràn vào thành phố của họ vào năm 2017. Tờ báo này cũng lọt vào chung cuộc Pulitzer năm đó.
Cố gắng hết mình để đưa tin
Tuy các hãng tin của Texas có nhiều kinh nghiệm đưa tin về các biến cố thời tiết lớn và thiên tai, một sự kiện tầm cỡ như thế này - kiểu thời tiết băng giá kèm theo sự cố lưới điện và gián đoạn dịch vụ tiện ích nghiêm trọng - là điều chưa từng có tiền lệ.
Mất điện khiến các đài truyền hình ngừng phát sóng. Các tờ báo nhỏ hơn như Amarillo Globe-News và Midland Reporter-Telegram buộc phải tạm dừng giao báo nhưng vẫn giữ trang web tiếp tục hoạt động. “Tôi có thể nhìn được hơi thở của mình ngay cả khi ở trong nhà”, phóng viên thể thao Stephen Garcia của Abilene Reporter-News thuật lại những ngày sống không có điện kèm theo tấm ảnh chụp dòng nước đục ngầu chảy ra từ vòi nước nhà mình.
|
Tại Texas, khoảng 7 triệu người - tức 1/4 dân số của tiểu bang đông dân thứ hai nước Mỹ - phải đun sôi nước máy trước khi sử dụng, vì trong nước có vi khuẩn xâm nhập. Ảnh:AP. |
Houston Chronicle, tờ báo giấy hoạt động trong suốt thời gian xảy ra cơn bão Harvey, đã thông báo tới độc giả trong tuần này về khả năng không thể in hết tất cả các ấn bản.
Tuy nhiên, tờ báo đã nhanh có những bài hướng dẫn cách đối phó với sự cố vỡ đường ống và cách tìm các trung tâm sưởi ấm. Họ cũng đã đưa tin về hơn 20 người chết ở Houston, bao gồm cả một người đàn ông cởi trần, không mang giày được tìm thấy vào sáng sớm 18/2 trong một bãi đậu xe. Các nhà báo của Houston Chronicle đã làm việc suốt ngày đêm, tụ tập tại những hộ gia đình may mắn vẫn có điện để nhờ gửi tin.
Phóng viên Zach Despart của Chronicle cho biết: “Lần đầu tiên, tất cả 254 quận đồng thời được cảnh báo bão tuyết. Điều này đã ảnh hưởng đến nhiều người ở mức độ cá nhân hơn cả bão Harvey".
Despart không có nước uống cả tuần và điện chỉ chập chờn, ngắt quãng (Phần lớn các hộ dân đã có điện vào ngày 19/2 nhưng hàng triệu người vẫn thiếu nước). Anh cùng bạn gái và chú chó của họ dành phần lớn thời gian trong tuần chen chúc trong một căn phòng nhỏ duy nhất được sưởi ấm trong ngôi nhà tối tăm và lạnh buốt, để không gây quá tải điện. Tuy nhiên, Despart vẫn coi mình là người may mắn; nhà của một trong những đồng nghiệp của anh bị rò rỉ khí gas khiến cả gia đình phải sơ tán.
Mỗi ngày, Despart trả lời nhiều câu hỏi từ độc giả đang trong tình trạng còn tồi tệ hơn anh. “Chúng tôi đang làm những gì phải làm để đưa tin”, anh nói. “Chúng tôi biết hiện giờ rất khan hiếm thông tin, vì vậy bất cứ điều gì chúng tôi có thể cung cấp cho mọi người, chúng tôi sẽ cố gắng”.
Texas Tribune, một tờ báo phi lợi nhuận có trụ sở tại Austin, đã trở thành cứu tinh cho những người muốn tìm kiếm hay chia sẻ sự giúp đỡ. Tờ báo này đã triển khai dịch vụ nhắn tin khẩn cấp sau khi nhiều người dân ở Austin không nhận được thông báo chính thức về nguồn nước nhiễm bẩn.
Các phóng viên của Tribune cũng đang tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Một bài báo trên tờ này được chia sẻ rộng rãi nêu ra quan điểm bảo thủ đổ lỗi cho các tua-bin gió bị đóng băng gây mất điện và cho biết lưới điện độc lập của bang Texas gần như sụp đổ hoàn toàn trong tuần qua, có thể dẫn tới cảnh mất điện kéo dài nhiều tháng.
"Nói chung, nhờ báo chí địa phương, mọi người đang thấy giá trị của việc có những người đưa tin về sự việc ngay từ tâm bão", Millie Tran, Giám đốc phát triển sản phẩm của Tribune, người đã phát triển dịch vụ tin nhắn khẩn cấp trong 24 giờ, cho biết.
|
Tính đến ngày 20/2, cơn bão tuyết và ảnh hưởng sau bão khiến ít nhất 58 người thiệt mạng trên toàn nước Mỹ, hàng triệu người không có điện và nước sạch để sinh hoạt hay nấu ăn. Ảnh:AP. |
Từ nhiều bang khác trong nước, những người không thể liên lạc được với người thân ở Texas đã phải dựa vào những ấn phẩm của Tribune. Một biên tập viên của tờ New York Times có cha mẹ bị mắc kẹt ở Houston đã gọi đây là “nguồn tin tức thức thời và cần thiết”, đồng thời kêu gọi quyên góp cho tổ chức phi lợi nhuận này. Một phát ngôn viên của Tribune cho biết doanh thu từ hội viên đã tăng gần 50% trong tháng 2 so với năm trước. Số tiền này dùng để trang trải chi phí ăn ở và nước uống cho nhân viên.
Campbell cho biết lượng độc giả trực tuyến của Dallas Morning News đã tăng đột biến trong một tuần khi gần như mọi bài viết trên báo này đều liên quan đến cơn bão, và một bức ảnh do một biên tập viên chụp lại được xuất hiện trên trang nhất.
“Tôi rất tự hào về sự bền bỉ và kiên cường của mọi người”, anh nói. “Thực tế là rất nhiều nhà báo đã trải nghiệm những gì người khác cảm nhận, điều này giúp họ đồng cảm hơn với những gì mọi người phải chịu đựng và họ hiểu rõ hơn. Không hề trừu tượng".
Theo Zing