Đừng gọi tôi là “em cưng” nữa!

Trong phim Tootsie (1982), Michael Dorsey (Dustin Hoffman) là một diễn viên đầy tài năng và luôn tận tụy dẫn dắt đàn em. Thế nhưng, mãi đến độ tuổi tứ tuần, anh vẫn… thất nghiệp. Sự chuyên nghiệp thường đi kèm với khó tính và ở vài phút đầu tiên của phim, khán giả thấy Michael không ngần ngại từ chối diễn bất cứ cảnh gì mà anh thấy không hợp lý. Vì sự cầu toàn, cái tôi lớn và cả vấn đề ngoại hình, anh không nhận được vai diễn nào và nghèo kiết xác.

Không chỉ nói về bình đẳng giới, Tootsie còn đề cập đến những bất công khác trong ngành công nghiệp điện ảnh
Không chỉ nói về bình đẳng giới, Tootsie còn đề cập đến những bất công khác trong ngành công nghiệp điện ảnh

 

Cái khó ló cái khôn. Không có vai diễn, chính ta phải là diễn viên cho bộ phim cuộc đời của mình. Và rồi chúng ta thấy chàng diễn viên Michael Dorsey với mái tóc đen thẳng, trang phục xoàng xĩnh và vóc người thô biến thành quý bà Dorothy Michaels tóc nâu uốn xù, váy vóc đỏm dáng, người thon thả với cặp kính trắng tròng to không lẫn vào đâu được. Từ anh chàng diễn viên giọng trầm, nói nhanh và có chút lè nhè trong giọng nói, chúng ta có một quý bà với chất giọng cao lanh lảnh, nói từ tốn nhưng thốt ra câu nào là ai nấy phải ngạc nhiên, hoảng sợ. 

Người đàn ông đó đã chứng tỏ cho những kẻ đã từ chối anh, đoàn làm phim mà anh đang làm việc và cả khán giả đang xem Tootsie rằng mình là một diễn viên xuất sắc. Làm sao không thể không xuất sắc khi bản thân anh là một diễn viên đã phải diễn không ngừng nghỉ kể cả khi trường quay đang nghỉ ngơi, khi phải ghé thăm người làm trong ngành (trừ những người bạn, đồng nghiệp gắn bó với anh trước đó)?

Là một bộ phim có màn “giả gái” ngoạn mục của nam tài tử Dustin Hoffman, tuy nhiên Tootsie dùng yếu tố này không đơn thuần nhằm tạo tiếng cười. Người xem cười chỉ vì anh chàng Michael Dorsey này hóa thân thành phụ nữ sao mà duyên dáng, tinh tế đến vậy và cả những lúc Dorothy Michaels chật vật để trở lại là Michael khi bạn gái của anh ghé thăm. Từ mục đích ban đầu là tấm vé mưu sinh, việc trở thành phụ nữ cũng giúp anh nhận ra mặt trái đau lòng đang diễn ra khắp nơi ở môi trường nghệ thuật thứ bảy: những đồng nghiệp nữ bị bạn diễn nam, đạo diễn có tiếng tăm gạ gẫm, quấy rối không thương tiếc. Và Dorothy quyết định phản kháng, khiến những phụ nữ khác phải gật gù thán phục.

Chỉ khi trở thành Dorothy Michaels, Michael Dorsey mới học cách là một người đàn ông tốt và sẵn sàng đấu tranh cho bình đẳng giới
Chỉ khi trở thành Dorothy Michaels, Michael Dorsey mới học cách là một người đàn ông tốt và sẵn sàng đấu tranh cho bình đẳng giới

Nhiều chuyện trái khoáy lại tiếp tục diễn ra. Đến khi thành “quý bà”, chàng Michael Dorsey lại tìm thấy người khiến mình rung động thật sự. Người mà anh thầm thương trộm nhớ, lặng lẽ chăm sóc chính là cô bạn diễn Julie Nichols (Jessica Lange). Oái oăm thay, nàng Dorothy lại nhận được lời cầu hôn từ cha của Julie. Ở Julie, khán giả thấy đầy đủ những điểm của một phụ nữ đáng thương, đáng được bảo vệ: vẻ đẹp thuần khiết, thánh thiện, dịu dàng nhưng mù quáng trong tình yêu và không biết giá trị của mình ở đâu.

Câu chuyện của Julie là bi kịch của một diễn viên trẻ mới vào nghề. Cô trót tin vào lời hứa của một vị đạo diễn nổi tiếng để rồi có con với ông ta, cùng đứa trẻ sống trong sự lạnh nhạt, thậm chí không bao giờ thấy ông ta xuất hiện bên cô. Dù rất cứng rắn trước lời mời gọi lả lơi của một gã đàn ông xa lạ trong một bữa tiệc, Julie vẫn không dứt khoát chấm dứt với gã đạo diễn kia vì cô phải sống chung với người cha giữ quan điểm truyền thống về hôn nhân và gia đình. 

Trên poster phim Tootsie, chúng ta thấy hình ảnh một phụ nữ đỏm dáng mặc váy dài màu đỏ cười thật tươi trước lá cờ Mỹ. Nếu không biết được nội dung phim, hẳn khán giả sẽ nghĩ đây là một bộ phim về biểu tượng nước Mỹ, về những giá trị mang tính tự hào liên quan đến nhân vật này. Nhưng trớ trêu thay, nội dung phim lại phô bày những mặt đáng xấu hổ trong ngành công nghiệp điện ảnh của Mỹ. Tootsie chính là “em cưng” - từ ngữ mô tả một phụ nữ trẻ với ý nghĩa khêu gợi. Mãi sau hơn 1 tiếng xem phim, khán giả mới thấy Dorothy Michaels dõng dạc hét lên trong trường quay: “Gọi tôi bằng cái tên đàng hoàng đi, đừng gọi tôi là tootsie hay bất kỳ từ ngữ âu yếm nào nữa!”.  

Không chỉ nói về bình đẳng giới, Tootsie còn đề cập đến những bất công khác trong ngành công nghiệp điện ảnh. Ở cảnh đầu tiên, qua cách Michael tranh cãi với đạo diễn, khán giả thấy được việc diễn viên tài năng không có được tiếng nói trong công việc của mình. Đồng thời, những tiêu chuẩn vô lý về ngoại hình của nam diễn viên cũng được đề cập trong đó. Tuy nhiên, do bối cảnh diễn ra vào thập niên 1980, khi xã hội chưa có sự cởi mở với cộng đồng LGBTQ+, Tootsie có góc nhìn vẫn còn khuôn mẫu về những người này, cụ thể qua phân cảnh Dorothy Michaels hôn Julie Nichols.

“Sẽ ra sao khi cánh đàn ông sinh ra là phụ nữ?”

Với nhân vật Dorothy Michaels, biên kịch Larry Gelbart và Murray Schisgal đã tạo nên một hình mẫu phụ nữ có vẻ quá lý tưởng và cách tân cho thập niên 1980. Cô khéo léo mà thẳng thắn, hài hước nhưng thâm sâu, tinh tế và nhạy cảm. Cô dám dứt khoát khi bất kỳ gã nào muốn ve vãn, đụng chạm đến cơ thể mình. Vậy nhưng khi không còn là Dorothy, Michael Dorsey là một gã đàn ông tồi. Chính anh cũng từng ve vãn Julie trong một buổi tiệc. Anh cũng đã không thành thật về tình cảm và tình dục với Sandy (Teri Garr) - người bạn kiêm học trò trong nghề của mình. Thậm chí, ban đầu, chính Michael cũng không đủ nhạy cảm để nhận ra Sandy bị phân biệt đối xử trong buổi thử vai...

Chỉ khi trở thành Dorothy Michaels, Michael Dorsey mới học cách là một người đàn ông tốt và sẵn sàng đấu tranh cho bình đẳng giới. Đó cũng là dụng ý của đạo diễn Sydney Pollack khi xây dựng bộ phim này. Trong đoạn clip trên kênh YouTube của Viện Điện ảnh Mỹ, ông chia sẻ rằng thử thách với Tootsie là họ phải thể hiện cho khán giả thấy Michael là một người đàn ông tệ và tiếp xúc với kiến thức, môi trường để học cách làm một phụ nữ. 

Trailer phim Tootsie:


Với Dustin Hoffman, việc thủ vai Dorothy Michaels là quyết định nghiêm túc và cảm động. Chia sẻ trên YouTube của Viện Điện ảnh Mỹ, những ý tưởng và bàn luận xoay quanh việc “sinh ra là một phụ nữ sẽ có cuộc sống khác như thế nào” đã đến vào 2 năm trước khi nam tài tử này chính thức tham gia phim Tootsie. Để nhận được vai diễn, Dustin đã đến Columbia để nhờ người thử hóa trang cho mình xem mình thực sự có giống một phụ nữ hay không, nếu không anh sẽ từ chối vì anh muốn khán giả phải tin tưởng ở mình. Với Dustin Hoffman, Tootsie không bao giờ là một bộ phim hài vì thông qua việc đóng phim, anh mới nhận ra những định kiến về hình mẫu phụ nữ được hằn sâu trong tâm trí như thế nào.

Với vai diễn trên, Dustin Hoffman nhận được đề cử giải thưởng Viện Hàn lâm cho “Nam chính xuất sắc nhất”. Bộ phim cũng được Thư viện Quốc hội Mỹ đánh giá cao về mặt lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, sau đó được đem vào Viện Lưu trữ phim quốc gia. Dù bộ phim mang thông điệp thức thời nhưng mãi đến gần 30 năm sau, chúng ta mới thấy được làn sóng đấu tranh của những diễn viên nữ về việc bị quấy rối, bạo hành trong ngành công nghiệp điện ảnh. Đến lúc ấy, những ông lớn trong ngành mới bị lôi ra ánh sáng. Tiếc rằng, chúng ta chẳng thấy một Dorothy Michaels ngoài đời đứng lên bảo vệ họ mà chỉ có những phụ nữ đủ mạnh mẽ, kiên cường để vượt qua những lời lẽ “đổ tội cho nạn nhân”, giành lại công lý cho mình.

Theo phụ nữ TPHCM