David Lat.

David Lat phải thở oxy trước khi bị đưa vào phòng hồi sức tích cực và đặt máy thở.

David Lat, biên tập viên sáng lập trang web Above the Law chuyên về luật pháp và là giám đốc quản lý của công ty tuyển dụng Lateral Link, kể lại câu chuyện anh bị nhiễm nCoV và buộc phải dùng máy thở.

Trước sự bùng phát của Covid-19, máy thở trở thành đối tượng bị "tranh giành" tại nhiều quốc gia. Các bệnh nhân nhiễm nCoV nghiêm trọng trong tình trạng suy hô hấp sẽ tử vong nếu không được đặt máy thở. David Lat hiểu rõ điều này bởi anh chính là một bệnh nhân được cứu sống nhờ máy thở.

Ngày 16/3, Lat được đưa vào trung tâm y tế Langone thuộc Đại học New York vì nhiễm nCoV với các triệu chứng như cảm cúm: sốt, cơ thể ớn lạnh, đau nhức và mệt mỏi. Vấn đề nghiêm trọng là anh từng mắc bệnh hen suyễn khi còn nhỏ và bị hen suyễn do tập thể dục khi trưởng thành, bình thường anh vẫn ổn khi dùng thuốc hít, nhưng lúc này anh cảm thấy rất khó thở.

Vài ngày đầu, Lat nhập viện trong tình trạng ổn định và được hỗ trợ thở oxy. Đến tối 20/3, các triệu chứng chuyển biến xấu, Lat biết rằng anh buộc phải đặt nội khí quản hoặc đặt máy thở.

"Điều này khiến tôi kinh hoảng. Sau khi nhập viện, bố tôi - một bác sĩ - đã cảnh báo tôi tốt hơn là không nên đặt máy thở. Nhiều người dùng và không thể trở về".

Khi các y tá chuẩn bị đặt nội khí quản, Lat thầm nghĩ: "Đây không phải lúc mình chết". Lat và chồng (anh gọi là 'my husband') có một cậu con trai 2 tuổi. Anh muốn nhìn thấy con tốt nghiệp trung học, đại học, rồi kết hôn và sinh con đẻ cái. Anh bắt đầu cầu nguyện hết lần này đến lần khác.

Trong ký ức mơ hồ của Lat về việc đặt nội khí quản, bác sĩ gây mê của anh là một phụ nữ có giọng Caribbean nhẹ nhàng và trầm ấm. Trong trạng thái mơ màng, Lat cảm nhận có cả tá người trong phòng, nhưng thực tế chỉ có vài người. Sau khi được tiêm thuốc gây mê, anh ngủ thiếp đi.

Suốt 6 ngày sau đó, anh chỉ ngủ, dưới sự hỗ trợ của thuốc an thần và máy thở đóng vai trò thay lá phổi, tại phòng chăm sóc đặc biệt.

"Tôi không nhớ gì về quãng thời gian đó. Tôi biết nhiều bệnh nhân đã gặp ác mộng hoặc gặp ảo giác khi đang thở máy. Vì thế tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn", Lat nói.

Sau 6 ngày, các bác sĩ buộc phải đưa ra sự lựa chọn: Rút máy thở và xem xét khả năng Lat có thể tự thở hoặc phẫu thuật để đặt ống thở trực tiếp vào khí quản. Sau khi tiến hành các xét nghiệm để đánh giá khả năng tự thở của Lat, bác sĩ quyết định rút ống thở. Rất may mắn, việc bỏ máy thở thành công, anh có thể tự thở với sự trợ giúp của oxy bổ sung.

"Là một bệnh nhân được cứu sống nhờ máy thở, tôi thấy phẫn nộ và đáng xấu hổ khi một quốc gia giàu có như Mỹ lại đang thảo luận về tình trạng thiếu máy thở. Rất may, Mỹ đã cố gắng tránh việc phân phối máy thở rộng rãi theo kiểu chia phần, thay vào đó là cung cấp đến từng khu vực theo nhu cầu sử dụng. Chúng ta cần đảm bảo mỗi bệnh nhân khi cần đến máy thở đều có thể dùng - điều này sẽ cứu sống họ", anh nói.

Lat thừa nhận tỷ lệ sống sót của bệnh nhân thở máy rất thấp. Lời cảnh báo của bố anh phản ánh một sự thật nghiệt ngã: 40 - 50% bệnh nhân bị suy hô hấp nặng không thể sống sót dù được thở máy. Tại thành phố New York nơi anh nhập viện, 80% bệnh nhân nhiễm nCoV (hoặc hơn thế) đã chết khi thở máy.

Theo Lat, những người được cứu sống sau khi thở máy vẫn phải chịu các vấn đề về thể chất, tinh thần kéo dài bao gồm thiếu hụt nhận thức, mất việc, các vấn đề tâm thần như trầm cảm và sang chấn tâm lý.

Riêng với Lat, phổi của anh cần thời gian để hồi phục. "Tôi cảm thấy khó thở ngay cả khi vận động nhẹ. Tôi từng chạy marathon nhưng bây giờ lại không thể đi dọc một căn phòng hoặc đi lên một tầng cầu thang mà không phải dừng lại thở. Tôi không thể đi vòng quanh khu nhà để hít thở không khí trừ khi chồng tôi đẩy xe lăn giúp tôi. Khi tắm, cứ đứng một lúc là tôi phải ngồi nghỉ trên cái ghế nhựa đặt trong bồn tắm".

Gần một tuần thở máy đã gây ảnh hưởng đến dây thanh quản của Lat, hiện giờ giọng anh rất khàn. Bác sĩ nói rằng tổn thương này không phải là vĩnh viễn. Cái anh cần là thời gian.

"Tôi không phàn nàn. Tôi vô cùng biết ơn vì được sống. Và vì thế, tôi còn cần cảm ơn máy thở nữa", Lat chia sẻ.

Theo ione