Những người khác sống trong nhà tạm thở phào nhẹ nhõm nhưng không được bao lâu, vì Coleman được đưa trở lại đây vào tuần trước, sau khi được xét nghiệm dương tính với nCoV tại Bệnh viện Harlem.
Ở một trại khác, Alphonso Syville (45 tuổi) cho biết mặc dù đã rất cố gắng, ông vẫn cảm thấy bị làm phiền bởi tiếng ho dai dằng từ một người nằm cách mình vài mét.
Tại Delta Manor, trại tị nạn cho người vô gia cư ở khu Bronx, Christian, Cascone nhớ lại câu chuyện người bạn cùng phòng anh tranh cãi với một người khác vì vệ sinh cá nhân kém và không chịu rửa tay. "Anh ta nói những lời kiểu như ‘nếu Chúa chọn tôi phải chết thì tôi sẽ chết'. Bạn cùng phòng với tôi đáp 'Chúa cũng muốn tất cả chúng ta được khỏe mạnh", anh kể.
Trong khi hầu hết người dân New York ở trong nhà, cuộc khủng hoảng y tế đang bao trùm lên các mái ấm cho người vô gia cư - cộng đồng đông đúc với hơn 17.000 người, nơi cách biệt cộng đồng khó có thể thực hiện được. Ký túc xá tại những trại tị nạn trở thành môi trường lý tưởng cho nCoV lây lan với những chiếc giường kê san sát, nhiều người có bệnh lý nền.
Một số tù nhân được phóng thích từ nhà tù Rikers Island nhằm ngăn chặn Covid-19 tìm đến các trại tị nạn. Khi nhà vệ sinh công cộng đóng cửa, nhiều bếp từ thiện ngừng hoạt động vì thiếu thực phẩm và tình nguyện viên, những người vô gia cư buộc lòng phải tìm tới các nhà tạm, khiến "dân số" ở đây tăng lên chóng mặt. Joshua Goldfein, luật sư của tổ chức Legal Aid Society, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho người yếu thế ở New York- cho biết: "Đây là một quả bom hẹn giờ".
Theo Bộ Phụ trách các vấn đề về vô gia cư, 371 người từ các trại tị nạn này đã dương tính với nCoV. Tính đến 12/4, 23 người trong các trại tị nạn đã qua đời, trong đó có 14 người đàn ông và 2 phụ nữ đến từ các mái ấm dành cho người lớn độc thân - nơi nhiều người không quen biết ở chung phòng.
Dù việc ngăn chặn hoàn toàn virus lây lan trong các khu nhà tạm là điều bất khả thi, chính quyền thành phố vẫn đang nỗ lực tìm cách giảm thiểu rủi ro. Các nhà chức trách thuê phòng khách sạn vốn trống rỗng vì không có khách du lịch với giá ít nhất 174 USD/đêm để làm nơi cách ly những người có triệu chứng hay dương tính với nCoV hoặc tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm. Ngày 11/4, Thị trưởng New York, Bill de Blasio, thông báo 2.500 người ở trại tị nạn sẽ được chuyển vào các khách sạn vào cuối tháng 4. Đây là đợt di chuyển thứ hai, sau khi 3.500 người trước đó đã đến khách sạn vì không còn chỗ trong các trại tị nạn bình thường.
Ủy viên dịch vụ xã hội Steven Banks cho biết thành phố lắp đặt 24 trạm rửa tay và 36 nhà vệ sinh lưu động tại 12 địa điểm trên các đường phố cho những người vô gia cư từ chối vào các trại tị nạn. Các mái ấm đang rút ngắn thời gian những bữa ăn và bãi bỏ quy định yêu cầu người dân rời khỏi ký túc xá trong thời gian làm vệ sinh nhằm hạn chế khả năng họ ra ngoài và mang virus về.
Đóng cửa trại tại khu vực ở Broadway nhằm ngăn virus lây lan là điều không thể. "Chúng tôi vẫn mở cửa và phục vụ bởi những nơi khác đã đóng rồi", Banks nói.
Số ca nhiễm trong trại tị nạn ở New York không đại diện cho mức độ nguy hiểm của dịch bệnh mà phản ánh những người bệnh nặng đến mức phải được đưa đến bệnh viện để xét nghiệm và chữa trị. Con số trên chưa bao gồm những người ở trong các trại tị nạn của các tổ chức từ thiện hay các công ty công nào khác. Những thành phố khác với dân số vô gia cư đáng kể cũng bắt đầu gặp vấn đề tương tự. San Francisco xét nghiệm cho tất cả người trong trại tị nạn lớn nhất thành phố vào tuần trước. Đến nay, 81 người sống ở đây và 10 nhân viên được xác nhận dương tính. Thành phố gỡ bỏ lệnh cấm dựng trại miễn sao các trại cách nhau ít nhất 2m.
Ngay cả trước khi có đại dịch, vô gia cư cũng là một vấn đề khó khăn đối với thị trưởng Bill de Blasio. Ông nhậm chức năm 2014, tuyên bố rằng sẽ giảm số người vô gia cư. Nhưng từ đó tới nay, con số này chỉ tăng lên, ước tính đạt 79.000 người, một phần vì giá thuê nhà tăng vượt quá khả năng chi trả của các gia đình thu nhập thấp.
Từ năm 2014, ngân sách chi cho người vô gia cư tăng gấp đôi lên 3,2 tỷ USD, theo văn phòng điều hành ngân sách thành phố. Hệ thống trại tị nạn gồm 450 tòa nhà, bao gồm căn hộ studio cho gia đình có trẻ nhỏ, phòng đôi khách sạn, căn hộ thuộc sở hữu cá nhân nhưng xuống cấp và những khu vực rộng với nhiều hàng giường, giống trại tị nạn khổng lồ Bedford-Atlantic Armory ở Brooklyn.
Tính phân tán của các mái ấm cũng như việc những cư dân tại đây thường xuyên thay đổi khiến việc áp dụng các chính sách nhằm ngăn virus lây lan trở nên vô cùng khó khăn. Một số người trong trại tị nạn và nhân viên làm việc tại đây cho hay nhiều biện pháp ngăn ngừa không được thực hiện hoặc bị cư dân phớt lờ.
Roberto Mangual (27 tuổi) sống tại trại tị nạn Clarke Thomas ở đảo Wards, nơi bệnh nhân Coleman được gửi về - cho biết: "Nếu đây không phải là đại dịch toàn cầu, chúng tôi sẽ có cơ hội để tự bảo vệ mình. Chúng tôi không có cơ hội đó trong trại tị nạn cho nam giới, nói thật là như vậy".
Coleman cho biết sau khi ở trại Clarke Thomas một đêm, nhân viên đưa cho ông thẻ tàu điện ngầm để đến một trong các khách sạn cách ly ở thành phố Long Islands, Queens. Sau khi được tờ New York Times hỏi, văn phòng phụ trách vô gia cư gửi một thông điệp đến những nơi cung cấp dịch vụ lưu trú cho người vô gia cư để nhắc nhở họ rằng bất kì ai quay lại từ bệnh viện với triệu chứng của Covid-19 cần được cách ly và không được sử dụng phương tiện công cộng.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại ở khách sạn vào ngày 11/4, ông Coleman tin rằng mình nhiễm nCoV tại trại tị nạn: "Tôi ở giữa nhiều người ho, nôn mửa, hắt hơi". Ông nói thêm, mình vui vì được ở trong phòng một mình, nơi ông nhận được sự chăm sóc y tế 24/7. "Nếu tôi cần thuốc, tôi gọi họ và họ gửi lên mấy viên aspirin", ông nói. Vào hôm chủ nhật 12/4, Coleman được chuyển đến một khách sạn khác dành cho người lớn tuổi.
Stephen Mott - trưởng nhóm nhân sự tại HELP USA, đơn vị điều hành trại Clarke Thomas - cho biết cơ sở của họ đang chịu sức ép rất lớn nhưng họ cần làm việc tốt hơn nữa. "Chúng tôi đang đối đầu với áp lực rất lớn. Những thứ mà chúng tôi cho qua trước đây bây giờ không thể lơ là được nữa", ông nói.