Năm 2022, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đáo bách niên (thượng thọ hơn 100 tuổi). Cuộc đời thăng trầm vắt qua hai thế kỷ, tận mắt chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, đến nay hai cụ trí óc vẫn còn minh mẫn, thông tuệ, hằng ngày vẫn bền bỉ làm việc, để lại cho hậu thế nhiều công trình lịch sử, văn hóa có giá trị vượt thời gian.
|
Quang cảnh buổi giao lưuTrăm năm sử Việtcùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư (giữa)
|
Xuất thân nghèo khó nhưng mê sử
Mọi người bất ngờ khi lần đầu tiên nghe cụ Nguyễn Đình Đầu giải thích về nguyên do cái tên Đầu “không giống ai” từng khiến cụ… “mặc cảm suốt cả cuộc đời”. “Tôi theo dõi rất nhiều kênh thông tin thấy ít ai có cái tên Đầu độc và lạ như mình. Sở dĩ thế vì bố mẹ sinh tôi ra trong một gia đình tín đồ Công giáo nghèo ở phố Hàng Giấy (Hà Nội), địa danh thường lui tới của tầng lớp trí thức (kẻ sĩ) khi ấy. Đây cũng là nơi tập trung nhiều người hát ca trù hay nôm na gọi là hát cô đầu nên tôi có luôn cái tên Nguyễn Đình Đầu đơn giản là thế”, cụ tiết lộ.
Dù đã bước qua tuổi 102, trong đó 30 năm gắn bó Hà Nội và hơn 70 năm sống tại Sài Gòn, học giả Nguyễn Đình Đầu vẫn nhớ như in chuyện xưa cũ: “Vô vàn các biến chuyển trong hơn 100 năm, giờ tóm gọn lại thì hơi khó nhưng tuổi thơ thì không quên chuyện nhà nghèo. Từ năm 6 tuổi, cứ 4 giờ sáng tôi thức dậy sớm phụ giúp mẹ đi bán hàng rong bằng nghề bánh cuốn. Giờ nhắc lại cho con cháu rằng ông, cha Nguyễn Đình Đầu rất giỏi tráng bánh cuốn, chả đứa nào tin, mà người quen thì lại càng không ngờ tôi làm được việc trái khoáy này. Khoảng 12 tuổi, tôi gia nhập hội đoàn truyền bá quốc ngữ, hướng đạo, rồi phong trào Thanh Lao Công (Thanh niên Lao động Công giáo), sớm bộc lộ sự đam mê với các bản đồ cổ về VN. Rồi lại thất nghiệp, tôi làm thầy dạy học ở các trường tư”…
Cây đại thụ sử Việt Nguyễn Đình Tư cho biết không giỏi tráng bánh cuốn như cụ Đầu nhưng lại “khoe” ông giỏi… sửa xe đạp. “Mỗi ngày tôi mang đồ ra đường Nguyễn Văn Trỗi bây giờ hành nghề, kiếm từ 5 - 10 đồng mua gạo”, cụ Tư rưng rưng rồi nói tiếp: “Nhìn dòng người ngược xuôi qua lại, lúc ế khách tôi mang giấy bút ra giết thì giờ. Sẵn mê lịch sử, thích Hàm Nghi, Duy Tân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… mà sách trước đây mua được có thể tra cứu lại bán ve chai hết. Vì vậy tôi kê vở lên hộc đồ nghề viết văn, mở đầu bằng chuyện loạn 12 sứ quân, vì giai đoạn này ít người nói đến nên dễ dàng hư cấu hơn. Cứ có khách là sinh viên đến, tôi lọ mọ đưa cho xem. Ai cũng khen hay nên tạo cảm hứng cho tôi hoàn thành tác phẩm. Sau này con cái đi làm có lương, tôi mới bỏ nghề sửa xe đạp chuyển sang nghiên cứu chuyên nghiệp”.
Đau đáu với chủ quyền biển đảo
Tiết lộ vì sao có tác phẩm Đường phố nội thành TP.HCM có giá trị rất lớn, cụ Nguyễn Đình Tư cho biết: “Hồi đó, TP.HCM đổi tên 100 con đường mà các vị đặt tên toàn tên mới ít ai biết, tài liệu cũng chưa có nên dân chúng thắc mắc. Đường mới đặt lại không ghi tên đường cũ làm khổ nhất mấy anh xích lô, xe ôm không biết đâu mà dò nên tôi thấy cần phải giải quyết ngay điểm “tắc” này. Có chiếc xe đạp mini làm bạn, tôi rong ruổi khắp nội thành thu thập, ghi chép, đối chiếu rồi hoàn thành công trình, nhờ chuyên gia Nguyễn Đình Đầu đọc, ai dè được ủng hộ, mừng lắm…”.
Đau đáu với chủ quyền biển đảo, chính cụ Nguyễn Đình Tư cũng là người đã đề xuất với Hội đồng đặt tên đường TP.HCM cho hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay. “Lúc đó, vụ Gạc Ma vừa xảy ra, qua các sách sử tôi thấy giặc phương Bắc lúc nào cũng muốn xâm lấn nước ta, cưỡng chiếm Hoàng Sa nên rất căm thù. Qua đề xuất, tôi muốn khẳng định hai quần đảo này mãi mãi là của VN, nhắc nhở con cháu không bao giờ quên…”.
Thiên hạ đi xuôi, cụ Đầu - Tư đi ngược
Ngược dòng thư tịch, ngược thời gian,
Lật ngược địa bạ, soi từng chữ
Khắc họa cho xuôi sử phương Nam.
20.8.2022
Lê Minh Quốc
|
Còn cụ Nguyễn Đình Đầu không chỉ là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu về địa bạ, lịch sử, di sản vùng đất Nam Trung bộ, mà còn là một trong những nhà sưu tập bản đồ lớn nhất VN. Năm 2005, ông được trao giải thưởng Trần Văn Giàu với công trình Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn và cũng là người đầu tiên nhận giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu khoa học (năm 2009). Hiện ông có hơn 3.000 bản đồ cổ, trong đó có nhiều tấm bản đồ thể hiện rất rõ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của VN.
Nói về cách viết sử và nghiên cứu sử Việt hiện nay, hai đại thụ Nam bộ khẳng định giờ đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là cách truyền tải phải hết sức giản dị, dễ hiểu. Đặc biệt công, tội của vua Gia Long, Minh Mạng và triều Nguyễn đang bắt đầu được nhìn nhận lại. “Ngay việc các lãnh đạo của TP.HCM đến chúc mừng sinh nhật tôi cũng đã thể hiện sự thay đổi từ chính quyền”, cụ Nguyễn Đình Đầu khẳng định. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư thì cho rằng: “Lịch sử là phải khách quan, có diễn biến theo điều kiện cụ thể của từng giai đoạn chứ không phải theo ý muốn của ai cả. Nhân vô thập toàn, không có ai là trọn vẹn. Hay khen, dở thì chê chứ không phải dở cũng khen để dẫn đến hiểu sai về lịch sử thì nguy”.
Theo Thanh niên