Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, trong tháng này đã vượt qua Ấn Độ và Brazil về số ca mắc hàng ngày, trở thành tâm chấn mới của đại dịch. Chính phủ đã báo cáo gần 50.000 ca nhiễm mới và hơn 1.500 ca tử vong mỗi ngày.
Nhìn chung, Indonesia đã báo cáo hơn ba triệu trường hợp mắc và 83.000 trường hợp tử vong từ đầu mùa dịch, nhưng các chuyên gia y tế cho biết con số thực tế cao hơn nhiều lần vì việc kiểm tra còn rất hạn chế.
Sự gia tăng số ca tử vong ở trẻ em Indonesia trùng với sự gia tăng của biến thể Delta, đã quét qua Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, dựa trên báo cáo từ các bác sĩ nhi khoa, trẻ em hiện chiếm 12,5% các trường hợp được xác nhận của cả nước, tăng so với những tháng trước. Theo đó, hơn 150 trẻ em đã chết vì COVID-19 chỉ trong tuần thứ 2 của tháng 7, với một nửa số ca tử vong gần đây liên quan đến những người dưới 5 tuổi.
Tính đến nay, có hơn 800 trẻ em ở Indonesia dưới 18 tuổi đã chết vì virus kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng phần lớn những trường hợp tử vong đó chỉ xảy ra trong tháng qua.
Các chuyên gia y tế cho biết có nhiều yếu tố góp phần khiến số lượng trẻ em tử vong cao. Một số có thể dễ bị virus tấn công vì các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường và bệnh tim.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp của nước này cũng là một yếu tố quan trọng. Chỉ 16% người Indonesia đã được tiêm một liều và chỉ 6% đã được tiêm chủng đầy đủ. Giống như các quốc gia khác, Indonesia không tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi và chỉ gần đây mới bắt đầu tiêm chủng cho những người từ 12 đến 18 tuổi. Đồng thời, với sự quá tải nên rất ít bệnh viện được thành lập để chăm sóc trẻ em mắc bệnh COVID-19.
Ngoài ra, vì bệnh viện quá tải nên khoảng 2/3 bệnh nhân người lớn được cách ly tại nhà, điều này làm tăng khả năng lây nhiễm bệnh cho trẻ em.
Theo phunuonline.com.vn