Trùm phát xít Adolf Hitler - Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, 80 năm trước, ngay trước thời điểm xảy ra cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, trùm phát xít Adolf Hitler đã được đề cử giải Nobel hòa bình.

Sự thật đó, theo bình luận của giới quan sát, cho thấy một thực tế là bất cứ ai cũng có thể được đề cử giải Nobel theo đúng nghĩa đen của câu nói này.

Trải qua gần 120 năm tồn tại của giải thưởng danh giá, đã có không ít tranh cãi của dư luận về một số trường hợp được đề cử cũng như được lựa chọn trao giải.

Câu chuyện về đề cử Nobel hòa bình cho Hitler diễn ra vào tháng 1-1939, khoảng 8 tháng trước khi phát xít Đức xâm lược Ba Lan. Khi đó, người đưa ra đề cử là nghị sĩ Đảng Dân chủ xã hội của Thụy Điển, ông Erik Brandt. Ông này đã gửi thư tới Ủy ban Nobel Na Uy, đề nghị nên trao giải Nobel hòa bình cho Hitler.

Trong bức thư được viết trong cuộc khủng hoảng Sudeten, chỉ vài tháng sau khi Áo sát nhập vào lãnh thổ của Đức (12-3-1938), ông Brandt ca ngợi thủ lĩnh của Đệ tam Đế chế (hay Đức quốc xã hoặc Đế chế thứ ba, tên nước Đức trong giai đoạn 1933-1945) về "tình yêu hòa bình nồng nhiệt", gọi Hitler là "Vị hoàng tử hòa bình trên Trái đất".

Ông Brandt sau đó có giải thích việc đề cử của ông có ý châm biếm, mặc dù thực tế nhiều người đã không hiểu được ý này.

Ông Brandt cho rằng ý của ông là nhằm phản đối việc cựu thủ tướng Anh Neville Chamberlain từng được đề cử Nobel hòa bình vì bản thỏa thuận Munich 1938 mà theo đó một phần lãnh thổ Czechoslovakia đã được nhượng lại cho Đức.

Lập luận của ông Brandt là nếu ông Neville Chamberlain đã được tôn vinh vì nhượng bộ Hitler thì thủ lĩnh của Đức quốc xã cũng có thể được như vậy.

Rốt cuộc sau đó ông Brandt cũng đã rút bỏ đề cử, nhưng tên tuổi trùm phát xít Đức vẫn xuất hiện như một ứng cử viên cho Nobel hòa bình trong kho tư liệu lưu trữ của ủy ban giải thưởng.

Ông hoàng nhạc pop Michael Jackson cũng từng được đề cử Nobel hòa bình năm 1998 - Ảnh: AFP

"Lịch sử về đề cử cho Adolf Hitler của ông Erik Brandt cho thấy rất rõ việc thể hiện sự mỉa mai, châm biếm trong bối cảnh chính trị nóng bỏng nguy hiểm thế nào", sử gia về giải Nobel Asle Sveen bình luận.

Trên thực tế, Ủy ban Nobel sẽ tiếp nhận mọi đề cử miễn là chúng được gửi đến trước hạn chót là 31-1.

Mặc dù bất cứ ai còn sống đều có thể được đề cử, song không phải ai cũng có thể gửi đề cử.

Những người đủ tiêu chuẩn để làm việc này bao gồm các nghị sĩ quốc hội và bộ trưởng của các nước; các cựu chủ nhân giải thưởng Nobel, một số giáo sư đại học và các thành viên đương nhiệm hay đã nghỉ của Ủy ban giải thưởng Nobel. Tổng số đề cử từ những người này có thể lên tới hàng ngàn trường hợp.

"Có quá nhiều người có quyền đề cử ứng viên và việc đề cử cũng không quá phức tạp", ông Olav Njolstad, thư ký Ủy ban Nobel, nói.

Lịch sử giải thưởng cũng ghi nhận những "ca" đề cử khó tin nhưng đã vẫn xảy ra. Năm 1935 nhà độc tài người Ý Benito Mussolini đã được đề cử, song mỉa mai ở chỗ ông này được hai học giả người Đức và Pháp đề cử chỉ 3 tháng trước khi Ý xâm lược Ethiopia.

Sau khi thời hạn tiếp nhận các đề cử kết thúc, chỉ một số trường hợp được đưa vào danh sách chung khảo để trình lên Ủy ban Nobel và các cố vấn của họ xem xét.

Trong hai thập kỷ qua, số ứng cử viên cho giải Nobel đã tăng vọt. Vì thế, không ngạc nhiên khi có một số cái tên kỳ lạ xuất hiện.

Danh sách các ứng cử viên cho giải Nobel sẽ được giữ bí mật trong ít nhất 50 năm. Tuy nhiên, người ủng hộ có thể công khai với dư luận lựa chọn của họ.

Theo tuoitre