leftcenterrightdel
 Phụ nữ đọc thông tin cá nhân của nam giới tham dự một sự kiện mai mối ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông năm 2017

Sau khi tốt nghiệp đại học, Zhao Junru đã đưa ra quyết định khác với nhiều bạn bè là bỏ thành phố, về quê hương của cô ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Là con gái một, cô cảm thấy có trách nhiệm phải sống gần cha mẹ già mặc dù cô cũng khao khát được tự do phấn đấu ở thành phố lớn.

Tuy nhiên, hai năm sau, mối quan hệ của Zhao với cha mẹ cô đã sụp đổ. Thậm chí gần đây, cô còn không được chào đón trong chính mái ấm gia đình của mình nữa. Lý do là cô vẫn còn độc thân ở tuổi 27.

Zhao nói với Sixth Tone: “Không có sự thân thiết thực sự giữa tôi và bố mẹ tôi. Họ phản ứng như thể tôi đã phạm sai lầm lớn khi chưa kết hôn, và điều đó khiến tôi căng thẳng”.

Đối với cha mẹ Zhao, con gái của họ rất bướng bỉnh và ích kỷ khi không chịu “ổn định cuộc sống”. Nhưng Zhao khẳng định rằng vấn đề không phải là thái độ của cô ấy đối với hôn nhân mà nằm ở việc cô thực sự không có lựa chọn đối tượng nào ở quê nhà.

“Không có người đàn ông nào ở độ tuổi của tôi ở nơi làm việc. Và những người đàn ông tôi đã hẹn hò ở đây đều không tốt”, Zhao Junru cho biết. 

Là một giáo viên đã tốt nghiệp đại học, thích làm thơ và làm đồ trang sức khi rảnh rỗi, Zhao mong muốn tìm kiếm một người có hoàn cảnh tương tự. Nhưng những người đàn ông cô có thể gặp gỡ ở vùng nông thôn Hà Nam đều không đáp ứng tiêu chuẩn. Hầu hết những người có trình độ đại học đều đã đến sống trong thành phố. Zhao gần như đã từ bỏ hy vọng.

Những cô gái “ế” vì không có sự lựa chọn

Hàng triệu phụ nữ trẻ Trung Quốc cũng có hoàn cảnh tương tự Zhao. Đó là lý do chính - mặc dù thường bị bỏ qua - tại sao tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp lịch sử trong vài năm qua.

Nhiều người ở Trung Quốc đổ lỗi cho việc tỷ lệ kết hôn giảm là do sự thay đổi các giá trị. Thế hệ Millennials - và đặc biệt là nữ Millennials - bị cho là coi trọng bản thân hơn các thế hệ trước: họ chọn dành tuổi 20 để tập trung vào sự nghiệp và hoàn thiện bản thân hơn là bắt đầu xây dựng gia đình.

Ngày càng nhiều phụ nữ Trung Quốc thực sự vẫn độc thân theo lựa chọn, bất chấp sự kỳ thị của xã hội gọi họ là “gái ế”. Nhưng từ “lựa chọn” có thể gây hiểu lầm. Nó che giấu một thực tế rằng nhiều phụ nữ Trung Quốc - đặc biệt là những người không sống ở các thành phố lớn - có quá ít lựa chọn đối tượng.

Ở những vùng ít dân của Trung Quốc xảy ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng nam giới có trình độ đại học. Sự mất cân bằng giới tính ở những vùng này xuất phát từ quan niệm bảo thủ ăn sâu của nhiều gia đình: Khi con cái họ tốt nghiệp đại học, cha mẹ có xu hướng khuyến khích con trai đi lập nghiệp ở các thành phố lớn, trong khi đó lại gây áp lực buộc con gái phải trở về nhà sống một cuộc đời an phận, vào làm nhà nước.

Mặc dù dữ liệu về xu hướng này rất hiếm, nhưng một số nghiên cứu của Trung Quốc đã cho thấy phụ nữ trẻ có xu hướng trở về quê hương sau khi học đại học cao hơn nhiều so với nam giới trẻ tuổi. Ouyang Jing, giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Giang Tây cho biết nghiên cứu của cô đã phát hiện ra sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở những nơi làm việc ở các vùng nông thôn Trung Quốc, ví dụ như các trường cấp huyện hầu như không có giáo viên nam trẻ tuổi.

“Tôi chỉ có một con gái và tôi cảm thấy an toàn nếu nó ở gần tôi. Nếu tôi có con trai, tôi sẽ không lo lắng gì. Con trai nên ra ngoài và làm điều gì đó lớn lao”, một người từng nhận phỏng vấn của Ouyang cho biết.

Kết quả của tư tưởng chung này là phụ nữ muốn kết hôn cũng không có ai để kết hôn. Những sinh viên nữ tốt nghiệp trở về nhà, chẳng hạn như Zhao, thường thấy rằng hầu như không có bất kỳ người đàn ông độc thân nào trong khu vực của họ có cùng độ tuổi và hoàn cảnh nghề nghiệp. Mặc dù nhiều người sẵn sàng kết hôn, nhưng cuối cùng họ vẫn độc thân trong nhiều năm, vì đơn giản là họ không thể tìm được người bạn đời tương thích.

Bị lạc lõng tại chính quê nhà

Gần đây, vấn đề này đã nhận được sự chú ý của cả nước khi một phụ nữ 25 tuổi đến từ huyện Ngọc Sơn, tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc đăng video phàn nàn rằng mình không tìm nổi người để hẹn hò. Trước đó, cô đã học tại một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc và du học Anh, trước khi về quê hương làm việc.

Trong video, người phụ nữ nói rằng cô ấy chỉ đơn giản là không thể tìm thấy một người đàn ông ở Ngọc Sơn có bằng cấp, quan điểm hợp lý, cởi mở và ngoại hình có thể chấp nhận được. Chỉ có 20.000 người đàn ông có bằng cử nhân trong toàn huyện - nơi có dân số hơn 500.000 người - và rất nhiều người trong số đó đã kết hôn.

Những lựa chọn còn lại của cô ấy trở nên “vô lý”. Tại một sự kiện chuyên ghép đôi cô tham gia gần đây, cô được bắt cặp với hai người đàn ông: một người đã ngoài 40 tuổi; người kia là một thiếu niên vẫn còn học trung học. Và cô ấy quen biết cả hai người họ từ trước.

Phụ nữ trong hoàn cảnh này thường cảm thấy bị mắc kẹt giữa hai thế giới. Miao Guo, một nhà nghiên cứu tại Viện Xã hội học thuộc Học viện Khoa học Xã hội Giang Tô cho biết phụ nữ chưa lập gia đình ở tỉnh nhỏ của Trung Quốc có thái độ đối với tình yêu và hôn nhân giống như những người ở các siêu đô thị như Bắc Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, cộng đồng nơi họ sống lại truyền thống hơn nhiều và họ cảm thấy bị cô lập.

leftcenterrightdel
 Nhiều cô gái thành "gái ế" vì xung quanh không có nổi đối tượng nào phù hợp (Ảnh minh họa)

Miao cho biết: “Các thành phố lớn có nhiều nam giới đáp ứng yêu cầu của phụ nữ và dễ chịu hơn về mặt xã hội, trong khi phụ nữ ở các quận huyện có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi các truyền thống văn hóa. Mặc dù nhiều người đồng ý trở về nhà do sự thúc giục của cha mẹ, nhưng họ vẫn hạn chế kết hôn khi còn trẻ - trừ khi họ tìm được một người bạn đời mà họ thực sự cảm thấy phù hợp”.

Zhao nói rằng cô ấy chỉ trở về quê hương của mình vì cô là con một, không có ai khác chăm sóc cha mẹ. Một số bạn học trung học của cô cũng đã chuyển về nhà sau khi làm việc ở thành phố trong một vài năm, nhưng Zhao vẫn luôn tự hỏi liệu họ có lựa chọn đúng hay không.

“Nhìn vào cuộc sống của họ bây giờ, tôi cảm thấy họ lẽ ra đã có thể có cuộc sống tốt hơn ở thành phố,” cô nói.

Cha mẹ của Zhao rất muốn cô ổn định cuộc sống và thường cố gắng đưa cô đến những cuộc hẹn hò giấu mặt. Nhưng Zhao chia sẻ cô đã phát ngán và từ bỏ chuyện mai mối kiểu này. Cô khao khát một mối quan hệ lãng mạn với một người đàn ông mà cô cho là có “sức hút mạnh mẽ”. Tuy nhiên, vào những buổi hẹn hò giấu mặt ở Hà Nam, những người đàn ông chỉ muốn nói về công việc của cha mẹ và danh mục tài sản của họ.

Zhao nói: “Nó giống như nói chuyện với một khách hàng. Tôi không thể cảm nhận được sự quyến rũ của họ”.

Vấn đề của những cuộc hẹn hò mà Zhao tham gia là 2 bên tìm kiếm những điều khác biệt. Cô ấy đang tìm kiếm tình yêu; họ đang tìm kiếm một người vợ.  

Đây là một vấn đề phổ biến ở các tỉnh nhỏ của Trung Quốc. Một cuộc khảo sát năm 2021 của ứng dụng hẹn hò Trung Quốc Tantan cho thấy sự khác biệt rõ rệt về cách đàn ông và phụ nữ ở những khu vực này nhìn nhận về hôn nhân: 65% phụ nữ được hỏi cho biết họ sẽ chỉ làm đám cưới nếu đang ở trong một "mối quan hệ chất lượng cao", trong khi 60% đàn ông cho biết họ sẽ “trở nên thực tế khi đến một độ tuổi nhất định và tìm được một đối tượng phù hợp.”

leftcenterrightdel
 Các bậc cha mẹ tìm kiếm bạn đời tiềm năng cho con cái của họ tại một "chợ hôn nhân" ở một công viên ở Nội Giang, tỉnh Tứ Xuyên, tháng 6 năm 2022

Sự không phù hợp này khiến các nhà mai mối và chính quyền Trung Quốc phải đau đầu. Zhang, một người mai mối tại tỉnh Hà Nam nói với Sixth Tone rằng hơn 70% khách hàng của cô là nữ. Họ có xu hướng làm những công việc lao động trí óc tại các trường học địa phương và các công ty nhà nước. Họ muốn tìm một đối tác có công việc tương tự, trình độ học vấn tử tế và tính cách dễ chịu. Zhang coi những yêu cầu đó là không thực tế.

Người đàn ông 56 tuổi nói: “Phụ nữ càng giỏi, họ càng khó tìm được bạn trai phù hợp”.

Zhang giải thích vấn đề là hầu hết những người đàn ông địa phương “ưu tú” đã rời quê lên thành phố. Khách hàng nam của cô hầu hết là người nông thôn và không thể tìm được bạn đời vì họ không có công việc tốt hoặc xuất thân từ một gia đình nghèo.

Liu, một người mai mối khác từ một huyện ở tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc nói rằng cô cũng phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng nữ của mình. Liu nói: “Những phụ nữ trẻ này đang đặt tầm nhìn của họ quá cao".

Áp lực phải “hạ giá” 

Nhiều phụ huynh Trung Quốc cũng đồng tình. Hu, một cô gái 26 tuổi sống ở quê nhà ở tỉnh Giang Tô cho biết kể từ khi tốt nghiệp, cô phải đối mặt với áp lực giục cưới không ngừng từ cha mẹ. Bây giờ, mỗi ngày cô đều phải nghe các “bài giảng” về việc cô kén chọn như thế nào: “Con có cái gì để mà đòi hỏi? Con có tư cách gì để kén chọn? Con nên cảm thấy may mắn khi có người thích mình”. Ngày nào Hu cũng cố về nhà muộn để tránh phải đối mặt với bố mẹ. 

“Tôi không nghĩ mình phải kết hôn, nhưng bố mẹ tôi không thể chấp nhận điều đó”, Hu kể. 

leftcenterrightdel
 Lễ cưới tại một thị trấn nhỏ ở Lang Phường, tỉnh Hà Bắc, tháng 4 năm 2020

Vào tháng 8, Hu đã được sắp xếp hẹn hò với 2 hai người đàn ông "bình thường" nhất có thể. Người đầu tiên 24 tuổi, theo Hu thì là một người “tự cao tự đại” và không có điểm chung nào với cô ấy. Người còn lại 27 tuổi, cũng không có tính cách phù hợp và “có lẽ bị thu hút bởi sự giàu có của gia đình tôi”.

Sau trải nghiệm đó, Hu đã quyết định buông xuôi: “Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu với cha mẹ, và xem điều gì sẽ xảy ra”.

Zhao cũng vậy. Cô kết luận: “Tôi khao khát được yêu một ai đó. Tôi nghĩ đó phải là một điều tuyệt vời. Dù bố mẹ có gây áp lực như thế nào, tôi cũng sẽ không bao giờ kết hôn với người mình không yêu”.

Chi Chi (Nguồn: Sixth Tone)