Trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS
Các chỉ trích được đưa ra trong một cuộc họp kín của WTO về dịch vụ mạng hồi tuần trước nhưng chỉ mới được hé lộ ngày 5-10.
Một đại diện của Trung Quốc tại cuộc họp đã lập luận rằng các lệnh cấm của Mỹ và Ấn Độ "rõ ràng là không phù hợp với các quy định của WTO, hạn chế các dịch vụ thương mại xuyên biên giới, vi phạm các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản của hệ thống thương mại đa phương".
Theo lời một quan chức WTO giấu tên, đại diện Mỹ và Trung Quốc đã lời qua tiếng lại về vấn đề này. Phía Mỹ viện dẫn Hiệp định chung về dịch vụ của WTO, trong đó cho phép một nước cấm các ứng dụng hoặc dịch vụ nước khác nếu nghi ngờ chúng đang trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ mục đích quân sự.
Ấn Độ cũng góp tiếng nói ủng hộ Mỹ, một nguồn tin của báo South China Morning Post (SCMP) tường thuật. "Trung Quốc trước tiên nên nhìn về mức độ minh bạch của chính mình cũng như về sự miễn cưỡng lâu nay của họ trong việc mở cửa hoàn toàn cho các dịch vụ thương mại nước ngoài", đại diện Ấn Độ phản pháo trong cuộc họp của WTO.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh chặn tải xuống hai ứng dụng di động WeChat, TikTok với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.
Washington cũng đồng thời ra lệnh cho ByteDance, chủ sở hữu TikTok, bán hoạt động của mình cho một công ty Mỹ. Tuy nhiên, thương vụ không hoàn tất trước thời hạn chót dẫn tới lệnh cấm tải ứng dụng như trên.
Các động thái của chính phủ Mỹ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, ByteDance. Một thẩm phán liên bang Mỹ hồi cuối tháng 9 đã ra lệnh chặn lệnh cấm của ông Trump, yêu cầu Apple và Alphabet tiếp tục để TikTok, WeChat có mặt trên kho ứng dụng di động dành cho người Mỹ.
Trước đó vào tháng 6, Ấn Độ đã cấm TikTok và hơn 50 ứng dụng khác do Trung Quốc sản xuất, bao gồm cả WeChat và Baidu Maps, sau khi quân đội nước này đụng độ với binh lính Trung Quốc tại biên giới tranh chấp.
Theo SCMP, Trung Quốc có thể ở thế bất lợi nếu khởi kiện Mỹ và Ấn Độ để dỡ bỏ lệnh cấm do bản thân Bắc Kinh đang sử dụng Great Firewall - một hệ thống kiểm duyệt Internet phức tạp chặn các trang web nước ngoài.
Nhà nghiên cứu Alex Capri, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét Trung Quốc đang ra sức vận dụng chiêu bài đa phương trong bối cảnh các công ty công nghệ Trung Quốc "đang trong một cuộc khủng hoảng sống còn".
Theo tuoitre