Xin bà chia sẻ đôi nét về nhiệm vụ của lực lượng GGHB LHQ tại Căn cứ Bentiu thuộc Phái bộ Nam Sudan?
Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) có một số nhiệm vụ quan trọng, như: Bảo vệ dân thường, kiểm tra, giám sát về nhân quyền, hỗ trợ việc thực hiện lệnh ngừng bắn… Đối với lực lượng GGHB ở Căn cứ Bentiu thì nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là bảo vệ dân thường.
Tại căn cứ này có lực lượng GGHB LHQ của rất nhiều quốc gia, tổng cộng khoảng 2.500 người, trong đó bao gồm cả những nhân viên, tình nguyện viên của các tổ chức dân sự, như: Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Tổ chức quốc tế về người di cư (IOM)… Đáng chú ý, tại đây có Khu Bảo vệ thường dân (POC) của LHQ với hơn 100.000 người tị nạn Nam Sudan. Họ là người dân thuộc các bộ tộc khác nhau bị mất nhà cửa, phải đi chạy nạn vì chiến tranh và buộc phải vào POC sinh sống dưới sự bảo vệ của LHQ.
|
Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị gặp bà Hiroko Hirahara tại thủ đô Juba, tháng 11/2019. Ảnh: ANH VŨ. |
Do đó, hoạt động của lực lượng GGHB LHQ tại Căn cứ Bentiu là vô cùng quan trọng. Chúng tôi luôn phải nỗ lực rất lớn trong nhiệm vụ bảo vệ những người tị nạn. Cũng phải nói thêm rằng, môi trường xung quanh căn cứ này đặc biệt nhạy cảm và điều đó cũng ảnh hưởng tới việc triển khai hoạt động của chúng tôi.
Bà đánh giá thế nào về nhiệm vụ của BVDC 2 của Việt Nam trong đội hình lực lượng GGHB LHQ tại Căn cứ Bentiu?
Tìm hiểu các bạn sẽ thấy, căn cứ Bentiu cách rất xa thủ đô Juba cũng như những nơi có thiết bị và dịch vụ y tế đủ tiêu chuẩn, nên nếu có những tình huống bất ngờ nảy sinh thì rất khó phản ứng và xử lý kịp thời. Quả thực, trước khi bệnh viện dã chiến của Việt Nam được triển khai tới đây, chúng tôi hết sức lo lắng về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho đội ngũ nhân viên LHQ bên trong căn cứ. Chính vì vậy, sự xuất hiện của BVDC 2 của Việt Nam là vô cùng cần thiết và quan trọng. Tôi vẫn hay nói vui rằng, BVDC 2 của các bạn triển khai đến đây giống như là một “sự cứu rỗi” đối với chúng tôi vậy. Lực lượng các nước và những nhân viên LHQ rất vui vì giờ đây đã có một đội ngũ bác sĩ chuyên tâm chăm sóc sức khỏe cho họ, để họ có thể tập trung tối đa cho công việc của mình.
Chúng tôi cảm ơn Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi những con người tuyệt vời tới đây để hỗ trợ chúng tôi cũng như người dân Nam Sudan trong những thời khắc khó khăn.
|
Bà Hiroko Hirahara trao Huy chương Vì sự nghiệp GGHB LHQ tặng cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 tại Bentiu, tháng 11-2019. Ảnh: ANH VŨ |
Điều gì khiến bà ấn tượng nhất về đội ngũ các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên của BVDC 2 Việt Nam?
Tôi không nhận xét một cách chủ quan mà muốn nhắc lại những đánh giá của các nhân viên LHQ, đặc biệt những người từng đến khám, điều trị tại BVDC 2 của Việt Nam. Họ cho rằng, các bác sĩ Việt Nam không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn thực sự gây ấn tượng tốt bằng thái độ phục vụ bệnh nhân. Cũng dễ hiểu thôi! Hãy cứ tưởng tượng khi bạn đau ốm hay gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, bạn luôn muốn gặp được những bác sĩ biết quan tâm, lo lắng và chăm sóc bệnh nhân nhiệt tình nhất. Về điều này thì các bác sĩ của Việt Nam đã làm thực sự tốt.
Bà trông đợi điều gì từ bệnh viện dã chiến của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là sau khi BVDC 2.2 đã sang thay thế BVDC 2.1 thực hiện nhiệm vụ tại Bentiu?
Nếu như BVDC 2.1 của Việt Nam khi mới đặt chân tới phái bộ phải mất khá nhiều thời gian để ổn định về mọi mặt thì BVDC 2.2 có thuận lợi là được tiếp quản hệ thống cơ sở hạ tầng ăn ở và khám, chữa bệnh khá hoàn chỉnh, đồng thời được các đồng nghiệp đi trước truyền đạt lại những kinh nghiệm quý báu và cần thiết. Thế nên, ngay sau khi có mặt ở căn cứ Bentiu, họ có thể bắt tay vào công việc được ngay.
Tôi cũng được biết, BVDC 2.2 đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng và do đó sẽ không gặp khó khăn gì trong việc ổn định đời sống và thích nghi với môi trường làm việc của phái bộ.
Hiện nay, bệnh viện dã chiến chủ yếu phục vụ khám, chữa bệnh cho các nhân viên LHQ và chỉ tham gia hỗ trợ, cứu chữa cho người dân địa phương trong các trường hợp thực sự khẩn cấp. Tuy nhiên, tôi hy vọng thời gian tới, bệnh viện dã chiến của Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động tương tác với các bệnh viện, cơ sở y tế và người dân địa phương bên ngoài phạm vi căn cứ một cách thường xuyên hơn. Chắc chắn những hoạt động như vậy sẽ giúp người dân địa phương thấu hiểu lý do tại sao lực lượng GGHB LHQ, trong đó có các bác sĩ quân đội của Việt Nam, đến Nam Sudan và chúng ta đang làm những gì ở đất nước này.
Theo Thời Đại