Giảng viên Zhou Zihan của SUSS cho biết học sinh của cô rất ham học hỏi và đã thể hiện rất tốt

Mỗi ngày thứ 5 trong tuần, sau khi ăn trưa xong, Wayne (không phải tên thật của nhân vật) đều đi bộ đến lớp học. Phòng học của anh nhìn cũng tương tự như bao phòng học khác của những trường học ở Singapore: có bảng trắng, bàn xanh và sàn nhà màu xám. Điều khác biệt là cửa sổ phòng học được che chắn bằng những tấm lưới kim loại và Waynes cùng các bạn học của mình để tóc ngắn kiểu quân đội, mặc áo thun không cổ màu trắng và mang dép cao su.

Cách đây 4 năm, Wayne, năm nay 48 tuổi, đã bị kết án 11,5 năm tù vì tội phạm liên quan đến ma túy. Đây là lần thứ 6 Wayne phải đi tù. Và đây cũng là lần đầu tiên Wayne và các tù nhân tương tự khác được đăng ký theo học một chương trình đại học đặc biệt đằng sau các “song sắt”.

Tổ chức SPS đã liên kết với trường SUSS để thiết kế chương trình này nhằm giúp các phạm nhân có thể lấy bằng Cử nhân Kinh doanh với chuyên môn về vận tải và quản trị chuỗi cung ứng ngay trong thời gian ở tù. Được khởi động từ tháng 7/2020, chương trình bán thời gian này kéo dài trong tám năm và học viên chỉ phải đến lớp vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Ý tưởng nói trên được ra đời sau khi một nhóm tù nhân hoàn thành một khóa học cử nhân đại học ngành vận tải, được bắt đầu năm 2018, vào tháng 5 năm ngoái. “Một số phạm nhân có thời gian thụ án đủ dài để theo học chương trình này và họ rất quan tâm. Do SUSS xây dựng chương trình trên cơ sở bán thời gian và nhiều sinh viên đáp ứng được các yêu cầu đầu vào, Trường học cho phạm nhân (Prison School) đã trao đổi với SUSS để tạo cơ hội tiếp tục học lên các bậc cao hơn cho phạm nhân và hỗ trợ họ tìm kiếm việc làm sau khi mãn hạn tù”, Leong Sow Phong, hiệu trưởng của Prison School chia sẻ.

Wayne, vốn xuất thân từ một gia đình nghèo và lớn lên cùng một người cha đơn thân, cho biết anh chưa từng nghĩ đến chuyện vào đại học. Vì vậy, anh đã đón nhận cơ hội lấy được một tấm bằng cử nhân trong thời gian thụ án “bằng cả hai tay”. Những sinh viên - phạm nhân như Wayne còn được hỗ trợ tài chính từ Yellow Ribbon Fund, một quỹ khuyến học ở Singapore.

“Tôi từng làm những công việc không cần nhiều kỹ năng và sử dụng trí óc, như làm quản lý quán bar. Tôi rất quan tâm đến việc hoàn thiện và nâng cấp bản thân. Và tôi hiểu rằng giáo dục rất quan trọng. Nếu muốn tiếp tục tồn tại ở xã hội bên ngoài Singapore, tôi cần phải học hành”, Wayne chia sẻ.

Nhóm của Wayne còn có 5 phạm nhân khác. Họ thường cùng nhau làm các bài tập và tự học theo nhóm. Những sinh viên đặc biệt này còn được cấp máy tính xách tay nhưng họ không được sử dụng để gửi email. Vì vậy, Wayne thường phải viết ra các câu hỏi cần trao đổi với giảng viên trước khi đến lớp học vào ngày thứ Năm hàng tuần.

Prison School còn làm việc với những người giám sát cá nhân của phạm nhân và các chuyên gia phục hồi hành vi để giúp các phạm nhân cân bằng giữa nhu cầu học và điều chỉnh hành vi về các chuẩn mực đúng đắn để tái hội nhập xã hội sau khi ra tù.

Wayne cho biết anh anh không gặp bất cứ trở ngại nào khi tham gia chương trình và cho rằng môi trường của nhà giam rất “thuận lợi” cho việc học. “Chúng tôi có rất nhiều thời gian và không hề cảm thấy căng thẳng”, Wayne chia sẻ.

Hiệu trưởng Leong cũng cho biết SUSS và Prison School cảm thấy rất phấn khởi với những kết quả bước đầu. “Chúng tôi tin rằng các sinh viên này rất có triển vọng và sẽ học tốt những nội dung còn lại của chương trình”, Leong nhận định và cho biết thêm Prison thường xuyên trao đổi với các giảng viên của SUSS để sẵn sàng hỗ trợ sinh viên khi cần.

Theo phunuonline