Đan Mạch tiêu hủy 17 triệu con chồn để ngăn chặn chủng biến dị mới - ẢNH: AFP

Trong lúc số ca Covid-19 ở ngưỡng 50 triệu trên toàn thế giới, Mỹ lần đầu tiên ghi nhận số ca Covid-19 cao kỷ lục trong vòng 24 giờ. Theo Đại học Johns Hopkins, ở Mỹ ngày 7.11 (giờ địa phương) có 126.742 ca Covid-19 mới, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp có số ca mới cao hơn 100.000. Texas cũng trở thành tiểu bang đầu tiên tại Mỹ có số ca Covid-19 vượt 1 triệu, theo Reuters. Bên kia bờ Đại Tây Dương, chính phủ Anh cùng ngày cho hay đã có 24.957 ca Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, và Liverpool bắt đầu xét nghiệm toàn thành phố, gồm 500.000 dân, trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Lần đầu tiên, Nữ hoàng Elizabeth II đã đeo khẩu trang trong một sự kiện trước công chúng kể từ khi dịch Covid-19 lan đến Anh.

Hơn 40.000 ca tử vong vì Covid-19 tại Pháp, trong khi Áo cũng ghi nhận số ca mới kỷ lục trong ngày. Nhiều nước đồng loạt cấm nhập cảnh người đến từ Đan Mạch sau khi chính quyền nước này công bố phát hiện về chủng vi rút biến dị mới có liên quan những trang trại nuôi chồn lấy da. Các nhân viên thú y của Đan Mạch hôm qua đã bắt đầu quá trình tiêu hủy 17 triệu con chồn ở các trang trại nước này, trong nỗ lực ngăn chặn một đột biến Covid-19 có thể lây từ chồn sang người.

Quyết định xử lý chồn trên diện rộng được đưa ra sau khi Đan Mạch cho biết đã có 214 trường hợp người nhiễm 5 chủng biến dị khác nhau của Covid-19 từ chồn, trong đó có một nhóm gồm 12 người mắc một dạng biến dị đáng quan ngại. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen dẫn lời các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng đây là biến thể được cho có khả năng kháng vắc xin mạnh hơn so với những chủng trước đó. Bên cạnh Đan Mạch, 5 nước khác cũng ghi nhận các trường hợp chồn nhiễm Covid-19 là Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Thụy Điển và Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những nước trên có phát hiện ca nhiễm vi rút biến dị hay không.

Trước sự lo lắng của các chính phủ, giới khoa học gia đã có những phản ứng trái chiều. Một số nhà khoa học cho rằng có lý do để hành xử thận trọng. “Điều nguy hiểm ở đây là vi rút biến dị đã lây ngược từ chồn sang người và có thể lẩn tránh bất kỳ phản ứng nào của vắc xin vốn được điều chế để đối phó chủng Covid-19 ban đầu”, theo báo The Guardian dẫn lời Giáo sư Ian Jones của Đại học Reading (Anh). Trong khi đó, bác sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, lại cho rằng “không nên vội vã đưa ra bất kỳ kết luận nào về việc đột biến mới có thể làm vắc xin bị giảm tác dụng”. Cho đến nay, vẫn chưa có chứng cứ xác thực cho thấy chủng biến dị mới nguy hiểm hơn cho người so với chủng ban đầu.

Theo thanhnien