|
|
Nhân viên y tế điều trị cho em nhỏ bị suy dinh dưỡng tại bệnh viện ở Mogadishu, Somalia. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 23/5, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo trẻ em ở vùng Sừng châu Phi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có về nạn đói, tình trạng mất chỗ ở, thiếu nước và mất an ninh.
Theo UNICEF, hơn 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực này tiếp tục bị suy dinh dưỡng, cần được hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp, trong đó 1,9 triệu trẻ có nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng nặng.
Khu vực trên đang dần hồi phục sau đợt hạn hán trầm trọng nhất trong 40 năm qua. Do lượng mưa không đủ trong 3 năm qua, các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong khu vực đã mất gia súc, mùa màng và toàn bộ sinh kế của họ.
Giám đốc phụ trách khu vực Đông và Nam Phi của UNICEF, ông Mohamed Fall nhấn mạnh cuộc khủng hoảng ở vùng Sừng châu Phi đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em.
Trong 3 năm qua, các cộng đồng dân cư đã buộc phải thực hiện các biện pháp cực đoan để tồn tại, với hàng triệu trẻ em và gia đình rời bỏ nhà cửa trong tuyệt vọng để tìm kiếm thức ăn và nước uống.
23 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở mức độ cao tại Ethiopia, Kenya và Somalia.
Số trẻ suy dinh dưỡng nặng phải đến các cơ sở y tế để điều trị trong quý 1 năm 2023 vẫn cao hơn nhiều so với năm ngoái và dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới.
Ngoài nhu cầu dinh dưỡng, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mất an ninh và khan hiếm nước cũng gây ra những hậu quả tàn khốc đối với phụ nữ và trẻ em, làm tăng nguy cơ bạo lực giới, bóc lột và lạm dụng tình dục.
Cùng với đó là các dịch bệnh lớn đang hoành hành khắp khu vực như tả, sởi, sốt rét và các bệnh khác. Những dịch bệnh này đã trở nên trầm trọng hơn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng như hệ thống y tế yếu kém.
Giá lương thực vẫn ở mức cao tại các thị trường địa phương, gây nhiều khó khăn cho trẻ em và các gia đình. Cuộc khủng hoảng khí hậu góp phần làm cho tình hình trở nên trầm trọng hơn, khiến người dân phải di tản hàng loạt.
Cũng theo ông Fall, UNICEF đang cần thêm nhiều nguồn tài trợ. Năm ngoái, nhờ các nhà tài trợ, UNICEF đã có thể cung cấp các dịch vụ phòng chống suy dinh dưỡng cho hơn 30 triệu trẻ em và bà mẹ.
Các nguyên nhân khiến "Lục địa Đen" rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có được chỉ ra gồm biến đổi khí hậu, gánh nặng nợ nần sau đại dịch COVID-19, giá cả leo thang và các cuộc xung đột.
Liên tiếp trong 4 năm qua, khu vực Đông Phi đã không có mùa mưa và các nước phải trải qua nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua.
Các nước châu Phi chỉ chiếm khoảng 3% lượng phát thải toàn cầu gây biến đổi khí hậu, nhưng lại phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ khu vực khác trên thế giới.
Niềm hy vọng từ giống lúa lai
Mới đây, giới khoa học cho rằng việc đưa vào canh tác quy mô lớn giống lúa lai được chứng tỏ hiệu quả trong việc chống chịu điều kiện khí hậu khắc nghiệt cũng như sâu bệnh là chìa khóa quan trọng giúp giải quyết cuộc khủng hoảng do tình trạng đói ăn và suy dinh dưỡng tại châu Phi.
Ông Emmanuel Okogbenin, người phụ trách hoạt động thương mại hóa và phát triển chương trình tại Quỹ Công nghệ nông nghiệp châu Phi (AATF), nhấn mạnh cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra tại châu Phi cùng với tình trạng đất bạc màu và sự lây lan của các loại sâu bệnh.
Điều này đòi hỏi người nông dân phải chuyển từ các giống lúa thông thường sang các giống lúa cải tiến.
Ông lưu ý việc đưa vào canh tác các giống lúa cải tiến với năng suất cao và khả năng thích nghi với các hệ sinh thái sẽ giúp tăng cường an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn tại châu Phi.
AATF đã đưa vào canh tác thử nghiệm giống lúa lai tại miền Trung Kenya để đánh giá khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sâu, bệnh xâm nhập.
Theo ông Okogbenin, giống lúa lai được trồng ở quy mô hộ gia đình nhỏ tại đây có năng suất cao gấp đôi, góp phần nâng cao vị thế kinh tế-xã hội của người nông dân./.
Theo vietnamplus