Năm 2020 là năm đầu tiên Nhật Bản cho phép nhập khẩu quả vải thiều tươi của Việt Nam. Ảnh: Việt Linh.
UBND tỉnh Bắc Giang cho biết dự kiến chiều 19/6, lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam được xuất sang Nhật bằng đường hàng không.
Đây không chỉ là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho vải thiều tiếp cận với các thị trường lớn, tiềm năng, mà còn là niềm mong đợi của người trồng vải nhiều năm nay.
Đặc biệt, năm 2020 là năm đầu tiên Nhật Bản đồng ý nhập khẩu quả vải thiều tươi của Việt Nam.
Đã xuất khẩu gần 70.000 tấn vải thiều đi các nước
Trao đổi với Zing, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, cho biết lúc 11h, hai lô vải thiều đầu tiên (mỗi lô 1.080 kg) xuất phát từ huyện Lục Ngạn ra sân bay để xuất khẩu đi Nhật Bản. Dự kiến, bay lúc 15h chiều 19/6 và đến Nhật Bản lúc 8h sáng 20/6.
Tiếp đó, Bắc Giang sẽ xuất khẩu vải thiều đi Nhật Bản bằng đường biển và đường hàng không. Dự kiến từ ngày 20/6, các Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty cổ phần XNK thực phẩm toàn cầu, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam, Công ty cổ phần Quốc tế BamBoo... tiếp tục xuất khẩu vải của Bắc Giang sang thị trường Nhật Bản.
Hôm 18/6, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và chuyên gia Nhật Bản đã có mặt tại Bắc Giang để kiểm tra điều kiện quả vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản. Sau khi đồng ý nhập khẩu, chuyên gia Nhật Bản thực hiện giám sát quy trình xuất đi từ khâu sơ chế đóng gói, xông hơi khử trùng đến cho lên xe.
Ông Tùng cho biết vải thiều xuất khẩu đi Nhật chủ yếu thuộc huyện Lục Ngạn, nơi được xây dựng mã vùng trồng, chăm sóc đủ quy trình.
Tính đến hết ngày 18/6, tỉnh Bắc Giang đã xuất khẩu gần 70.000 tấn vải thiều đi các nước, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Tỉnh này tập trung chủ yếu là xuất khẩu quả vải tươi vì có hiệu quả cao hơn các hình thức chế biến vải thiều khác.
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cho biết tính đến ngày 17/6, tổng sản lượng xuất khẩu vải thiều của huyện Lục Ngạn là trên 12.700 tấn, trong đó chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, xuất sang Mỹ đạt 28 tấn, Singapore 9 tấn; xuất sang thị trường Australia, Canada,… là 10 tấn vải tách cùi, đông lạnh.
Trong ngày 19/6, huyện Lục Ngạn dự kiến xuất khẩu 6 tấn vải thiều đi các nước.
Mua bán vải thiều đang rất sôi động ở Bắc Giang
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, 19 mã số vùng trồng đủ điều kiện đã được cấp cho 107 hộ nông dân với diện tích 103 ha, sản lượng ước đạt trên 600 tấn.
Chuẩn bị sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng cơ sở xông hơi, khử trùng, bảo quản đóng gói sản phẩm, phân tích mẫu sản phẩm tại Công ty cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu (Phố Kim, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).
Những ngày qua, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang rất sôi động, với trên 300 điểm cân. Đáng chú ý, giá vải thiều cao nhất 40.000-50.000 đồng/kg; giá bình quân cao hơn 7.000-8.000 đồng/kg so với đầu vụ. Dự kiến giá vải trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Chuyên gia Nhật Bản kiểm tra vải thiều xuất đi Nhật. Ảnh: Nguyễn Thế Thi.
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có diện tích trồng vải thiều lớn nhất cả nước 28.000 ha, sản lượng ước đạt hơn 160 nghìn tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Bắc Giang là 15.000 ha, sản lượng ước đạt 110.000 tấn. Vải chứng nhận GlobalGAP với 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn sẽ phục vụ các thị trường cao cấp.
Ngoài thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục chiến lược xuất khẩu vải thiều vào các thị trường lớn như: Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Canada,Thái Lan, Singapore...
Theo zingnews