Cảnh sát Trung Quốc đầu năm nay thu giữ 3.000 lô vaccine Covid-19 giả, bắt 80 vụ, phá đường dây lừa đảo vaccine quốc tế. Song, vấn nạn vaccine giả vẫn có dấu hiệu tiếp diễn trong thời gian tới.
Stephen Kavanagh, Giám đốc Interpol, nói: "Covid-19 tạo sự kinh hoàng trên toàn thế giới. Tội phạm sẽ sử dụng tâm lý săn mồi, ký sinh để kiếm tiền trên nỗi sợ hãi. Nếu nhìn thấy lợi nhuận khi chương trình vaccine của một số nước bị đình trệ, chúng sẽ mở rộng quy mô vaccine giả".
Giới chức Mexico hồi tháng 2 đã bắt giữ 6 người vì buôn bán vaccine Pfizer tại một phòng khám tư nhân. Lực lượng chức năng Nam Phi cũng phát hiện hơn 2.000 liều vaccine giả trong một nhà kho liên quan đến đường dây ở Trung Quốc. Ba Lan ghi nhận một vụ lừa đảo vaccine Pfizer. Các lô hàng đều chứa chất chống lão hóa.
Kavanagh cũng cảnh báo về nhiều phòng thí nghiệm quy mô nhỏ ở Đông Nam Á sản xuất vaccine giả và phân phối cho Nam Mỹ. Tuy nhiên, Interpol chưa ghi nhận các vụ việc lớn, có quy mô công nghiệp (khoảng hàng chục đến hàng trăm nghìn liều).
Ông Kavanagh cho biết điều công chúng cần làm là tiêm chủng tại đúng nơi cơ quan y tế đã chỉ định.
Jeremy Douglas, đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm ở Đông Nam Á - Thái Bình Dương, cho biết rất khó để nắm bắt quy mô của hoạt động lừa đảo. Cơ quan đã tư vấn cho chính phủ các nước về nạn làm giả vaccine và nguy cơ người dân mắc bẫy của tội phạm.
"Ngành công nghiệp vaccine Covid-19 trị giá hàng tỷ USD, là một trong những ngành có giá trị tăng nhanh nhất từ trước đến nay. Mọi người đều muốn tiêm vaccine. Tội phạm ngay lập tức nghĩ rằng ‘Khi nào thì chúng ta có thể bắt đầu cuộc chơi'", ông Douglas nói.
Trên các web chợ đen được truy cập qua phần mềm đặc biệt, vaccine Pfizer, Sinovac và Johnson & Johnson giá từ hàng chục đến hàng nghìn USD.
Douglas nói: "Chúng tôi không chắc đây là hàng thật hay giả mạo".
Chứng chỉ tiêm chủng giả và các lọ đựng có tem mác của hãng cũng được rao bán trực tuyến. Đây là mối lo ngại lớn của Interpol.
Tổ chức đang làm việc với các công ty dược phẩm để chia sẻ thông tin về cách theo dõi, xác minh và vận chuyển vaccine, giúp cảnh sát và cơ quan y tế có thể nhận diện hàng giả.
"Trở ngại là người dân thường tin tưởng khi thấy lọ đựng có tem mác của hãng, dù bên trong là các chất vô tác dụng hay nguy hiểm", ông Douglas nói.
Nạn làm giả vaccine phát triển trên nền tảng là hoạt động buôn bán thuốc bất hợp pháp lâu đời, thường liên quan đến các nước có ngành công nghiệp hoá chất và dược phẩm lớn.
"Vaccine giả đến từ những nơi có nhà máy sản xuất vaccine trọng điểm, như Ấn Độ, Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á", ông nói.
Sau khi theo dõi các web "chìm", Roderic Broadhurst, giáo sư tội phạm học tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết vaccine thật cũng bị "tuồn" ra để buôn bán ngoài luồng. Nhiều người hoạt động trên chợ đen khẳng định họ "có quan hệ mật thiết với chuỗi cung ứng, nhà sản xuất hoặc nhà phân phối".
Tháng trước, ông Broadhurst phát hành danh sách ghi lại hàng trăm sản phẩm phi pháp liên quan đến Covid-19 trên các web "chìm". Vaccine chiếm 10% trong số đó.
Các công ty lớn nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng hợp pháp đối với vaccine Covid-19. Song họ khó lòng tiếp tục quản lý khi các lô hàng đã được chuyển về cấp địa phương.
"Vaccine hợp pháp không được bán trực tuyến", Kavanagh khẳng định.
Theo ông, để trấn áp tội phạm vaccine, cần lan tỏa thông điệp này đến công chúng và tiếp tục phối hợp với các công ty dược phẩm, cơ quan y tế và cảnh sát.
Theo vnexpress