Nhiều người Mỹ ở nước ngoài muốn từ bỏ quốc tịch - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNN

Hãng Sputnik ngày 19.5 dẫn một khảo sát cho thấy gần 1/4 người Mỹ ở nước ngoài đang cân nhắc từ bỏ quốc tịch Mỹ do quy định về khai báo thuế hằng năm. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ước tính có khoảng 9 triệu công dân Mỹ đang sống ở nước ngoài.

Khảo sát được công ty Dịch vụ Thuế kiều bào Greenback (Mỹ) thực hiện từ ngày 15.4-10.5, với sự tham gia của hơn 3.100 người Mỹ đang sống ở 125 nước và vùng lãnh thổ.

Kết quả cho thấy 4% “dự định từ bỏ” quốc tịch và 18% “nghiêm túc cân nhắc” điều này. Khoảng 42% cho biết họ “không loại trừ” khả năng bỏ quốc tịch Mỹ. Trong khi đó, gần 36% cho biết họ “sẽ không bao giờ cân nhắc” việc từ bỏ quốc tịch Mỹ.

Dẫn đầu trong số các lý do người Mỹ ở nước ngoài muốn từ bỏ quốc tịch là do các yêu cầu của Mỹ về khai báo thuế, với 42% người được hỏi nêu lý do này. Các lý do còn lại bao gồm việc kết hôn với người quốc tịch khác (12%), lo ngại về tình hình chính trị (11%) và thất vọng trước chỉ đạo của chính phủ Mỹ (10%), bên cạnh những lý do khác.

Gần 7% cho biết họ muốn từ bỏ quốc tịch vì những khó khăn gặp phải khi làm việc với các ngân hàng ở nước ngoài với tư cách là công dân Mỹ.

Tùy theo khối tài sản tích lũy ở nước ngoài, họ có thể còn phải khai báo với Bộ Tài chính Mỹ về các tài khoản tài chính và ngân hàng nước ngoài.

Theo quy định, công dân Mỹ ở nước ngoài phải khai báo khi tài khoản USD ở nước ngoài vượt 10.000 USD vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Bên cạnh đó, họ cần khai báo nếu có tài khoản vượt 200.000 USD vào cuối năm.

Phần lớn số người tham gia khảo sát là từ 35-54 tuổi, với thu nhập bình quân từ 50.000-100.000 USD/năm. Chỉ 4% có thu nhập trên 200.000 USD.

Bên cạnh đó, khoảng 44% cho biết họ không có kế hoạch trở lại nước Mỹ để định cư dài hạn, trong khi 13% cho biết sẽ trở về nước, bên cạnh những người chưa quyết về kế hoạch. 

Theo thanhnien