Hầu hết các trường học Hoa Kỳ dạy rất ít hoặc thậm chí không dạy gì về lịch sử người Mỹ gốc Á, điều đó có thể làm nhiều người tổn thương - Ảnh: CNN
Khi con gái của Jinhee Kim xem cuốn sách lịch sử đang học, cô bé không thấy ai giống mình và cô đã hỏi mẹ tại sao lại như vậy.
"Mẹ ơi, tại sao chúng con không được học về lịch sử người Mỹ gốc Á? Tại sao những người khác lại quan trọng hơn? Tại sao người khác được tôn trọng hơn?", cô bé học sinh tiểu học hỏi mẹ - Phó giáo sư Jinhee Kim, chuyên gia về giáo dục tiểu học và mầm non Đại học Kennesaw (Georgia).
Theo Điều tra Dân số Liên bang, khoảng 22,9 triệu người Mỹ được xác định là có gốc gác châu Á. Tuy nhiên, ở nhiều trường học trên khắp nước Mỹ, nếu người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương (AAPI) được nhắc đến trong các bài học xã hội và lịch sử, tất cả chỉ được tóm gọn vài dòng ngắn ngủi trong hai chủ đề: nhập cư và Trân Châu Cảng.
Phó giáo sư Kim nói: “Chương trình giảng dạy ở trường thiếu những câu chuyện AAPI cần thiết để xây dựng hình ảnh con người với tư cách là công dân Mỹ”.
Các chuyên gia giáo dục nói khoảng trống này tác động nghiêm trọng đến học sinh châu Á, những người không thấy bản thân mình được dệt vào tấm thảm của lịch sử Hoa Kỳ, và đối với học sinh không phải là người gốc Á, những người không được dạy để đánh giá cao những đóng góp của một cộng đồng mà họ không nhận diện được.
Giờ đây, có một động lực mới từ các giáo viên, tổ chức và các nhà lập pháp - được thúc đẩy bởi sự gia tăng các tội ác thù hận chống người châu Á cũng như nhân kỷ niệm Tháng Di sản AAPI - để đưa đến lớp học một lịch sử người Mỹ gốc Á mang tính đại diện và nhiều sắc thái hơn.
Năm nay, một phần được thúc đẩy bởi vụ xả súng hàng loạt ở Atlanta khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng, giáo viên lớp 5 Lisa Chu muốn mở rộng sự hiểu biết của học sinh về lịch sử AAPI. Nhưng chi tiết duy nhất trong chương trình giảng dạy về lịch sử châu Á là mô tả những người nhập cư châu Á đến đến Mỹ qua đảo Angel ở San Francisco, còn người từ châu Âu thì qua đảo Ellis. Sự phân biệt đối xử đã diễn ra ở hai điểm tiếp nhận nhập cư này.
Larry Itliong (phải), một nhà tổ chức và lãnh đạo lao động người Mỹ gốc Philippines cùng với lãnh đạo United Farm Workers Cesar Chavez trước trụ sở công đoàn - Ảnh: CNN
Các nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng việc từ chối dạy cho học sinh AAPI về lịch sử của chính họ không chỉ hạn chế kiến thức của họ, mà còn có hại cho danh tính công dân Mỹ của họ.
“Đất nước của tôi không đối xử với tôi như một người xa lạ”
Sohyun An, giáo sư giáo dục tiểu học và mầm non tại Đại học Kennesaw ở Georgia, đã nghiên cứu việc dạy lịch sử AAPI ở mười tiểu bang, trong đó có Georgia, California, New Jersey và Texas. Cô nhận thấy nếu có đề cập đến lịch sử người Mỹ gốc Á, thì hầu như chỉ giới hạn ở việc người Mỹ gốc Nhật bị giam giữ trong Thế chiến II và người di cư Trung Quốc tham gia xây dựng các tuyến đường sắt ở Mỹ.
Mặc dù người gốc Á đã là một phần cấu thành nên nước Mỹ từ những ngày đầu thành lập, nhưng điều đó không được dạy cho học sinh, cô nói. Thay vào đó, các bài học dạy rằng người Mỹ gốc Á vĩnh viễn là người nước ngoài, theo giáo sư An.
Khi con gái An học về Cách mạng Mỹ, cô bé đã hỏi mẹ rằng liệu bà thời đó có phải là nô lệ hay không, cô bé không biết mình phù hợp với nơi nào. Các con của Kim cũng hỏi mẹ những câu hỏi tương tự. "Mẹ ơi, da con màu gì? Con nghĩ rằng con không phải người da trắng, không phải da đen và cũng không phải da nâu", các con Phó giáo sư Kim hỏi.
Giáo sư Sohyun An nói: “Nếu chúng ta không dạy về lịch sử người Mỹ gốc Á, thì không chỉ để những người không phải gốc Á coi chúng ta không phải là con người, mà nó còn là một chương trình giảng dạy về bạo lực vì nó giết chết nhân loại và quyền tự quyết”. "Đất nước của tôi không đối xử với tôi như một người xa lạ như vậy”, An chia sẻ.
Sarah-SoonLing Blackburn làm việc với tổ chức Học tập vì Công lý, cho biết sự hình thành bản sắc quan trọng của một người gốc Á được cung cấp thông qua việc học lịch sử cộng đồng và trải nghiệm cá nhân của họ khi cọ xát với những người có quốc tịch khác nhau.
Nhóm 82 người Mỹ gốc Nhật đầu tiên đến trại giam Manzanar (hay Trung tâm Tái định cư chiến tranh) năm 1942 - Ảnh: CNN
Định kiến chia rẽ mọi người
Nhưng những tác động của định kiến vượt ra ngoài phạm vi của những người gốc Á.
Năm năm sau cuộc tiếp xúc đầu tiên của Kenmotsu (một cô gái gốc Nhật Bản 18 tuổi) với lịch sử người Mỹ gốc Á, một lớp học trong trường của cô đã tổ chức “một phiên tòa đạo đức” xét xử việc giam giữ người Nhật trong Thế chiến II và phán quyết đưa ra là Mỹ có quyền giam giữ những cư dân bị coi là mối đe dọa.
Kenmotsu cho biết sau này cô không thể nhìn thẳng vào mắt các bạn học của mình, cô cảm thấy họ không có kiến thức để cảm thông và đánh giá những tổn thương đã gây ra cho gia đình cô trong suốt lịch sử.
Cô giáo Lisa Chu cho biết, cô thấy rằng lịch sử châu Á chỉ được biết đến khi một người dân châu Á làm điều gì đó nguy hiểm. Ở trường học, hầu như không ai nhắc đến những đóng góp của người gốc Á đối với nước Mỹ.
Tấm biển ghi “Tôi là người Mỹ” trên cửa hàng tạp hóa Wanto Co ở Oakland (California), một ngày sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng 8/12/1941 - Ảnh: CNN
Luật pháp và lời kêu gọi hành động
Blackburn và các tổ chức như Học tập vì công lý hy vọng sẽ trang bị kiến thức cho giáo viên để làm cho lớp học của họ công bằng hơn và chương trình giảng dạy của họ mang tính đại diện hơn, nhưng những người khác khác thì tìm cách thúc đẩy thông qua luật để thực thi sự thay đổi.
Tổ chức người Mỹ gốc Á thúc đẩy công lý (Chicago) đã làm việc với Thượng nghị sĩ tiểu bang Ram Villivalam và Dân biểu Jennifer Gong-Gershowitz để đề xuất Đạo luật giảng dạy lịch sử cộng đồng người Mỹ gốc Á (TEAACH) ở Illinois. Đạo luật, đã được thông qua tại cơ quan lập pháp cấp tiểu bang, sẽ được Hạ viện tiểu bang biểu quyết đồng tình lần nữa, sau đó được tu chỉnh trong Luật học đường Illinois, bắt buộc mọi trường công lập phải giảng dạy về lịch sử người Mỹ gốc Á.
Theo phunuonline