Trong một tiệm làm nail của bạn tôi ở Ohio trong ngày đầu mở cửa trở lại. Khách và thợ phải đeo khẩu trang, bàn nail cho kính ngăn cách.
1.
Vào ngày 7.5.2020, trong buổi họp hàng ngày về Covid-19 tại thủ phủ Sacramento, thống đốc Gavin Newsom cho biết trường hợp lây nhiễm virus trong cộng đồng đầu tiên tại tiểu bang California xuất phát từ một tiệm làm móng. Trước các câu hỏi dồn dập, ông từ chối đưa ra những thông tin chi tiết nhằm bảo vệ quyền riêng tư và tình trạng pháp lý của tiệm.
Lời phát biểu như quả bom làm rung chuyển đế chế nail (làm móng) mấy mươi tỉ USD ở Mỹ, đặc biệt là California, nơi tập trung người gốc Việt, tiệm và thợ nail đông nhất nước Mỹ. Ngay lập tức, rất nhiều người và các cộng đồng dân cư lên mạng phản ứng và gửi đơn phản đối. Ai cũng nghĩ tới viễn cảnh ngành nail bị tẩy chay khi mở cửa trở lại, trong lúc tình trạng phân biệt chủng tộc nhắm vào người châu Á ngày càng dâng cao. Nhất là khi Tổng thống Donald Trump gọi virus Corona là “virus Trung Quốc” khá nhiều lần.
Bảng thông báo trên đại lộ 495 chạy quanh các thành phố của thủ đô Washington D.C., Maryland và Virginia. Thông điệp đã thay đổi: "Ở nhà an toàn hơn. Mang khẩu trang. Bảo vệ mạng sống" - NGUYỄN HỮU TÀI
Một ngày sau đó, khi được các phóng viên hỏi về sự quan ngại của nhiều người Việt cho rằng lời nhận xét của ông có thể gây ảnh hưởng không gì đong đếm nổi đối với nghề nail, Thống đốc Newsom bảo ông không có ý định làm tổn thương các tiệm làm móng mà chỉ nhằm giải thích cho việc các cơ sở làm đẹp sẽ được hoạt động vào giai đoạn ba của tiến trình mở cửa tiểu bang California, thay vì ngay lúc này.
Nhưng lời “bào chữa” của ông vẫn chưa thể làm dịu tình hình. Nỗi lo bị tẩy chay vẫn lởn vởn trên đầu khi mà các tiệm tóc, nail, spa vẫn đang vật vã chờ ngày quay lại.
Trên khắp nước Mỹ, ngoại trừ tiểu bang Connecticut đã trở lại bình thường, phần lớn các tiểu bang khác vẫn đang dè dặt đi vào giai đoạn một hoặc hai, hoặc mở cửa một phần rất nhỏ. Hớt tóc thì đỡ hơn, nhiều nơi đã cho phép thợ tới tiệm với khách có hẹn trước. Nail thì rải rác vài bang với sự chuẩn bị giãn cách kỹ càng và hạn chế tối đa số người vào tiệm. Phòng gym và spa thì chắc còn phải chờ rất lâu mới cho khách vào làm đẹp và tập luyện.
2.
Đi làm cho các công ty ở Mỹ, khi trả lương, công ty sẽ thay mặt chính phủ trừ rất nhiều loại thuế như liên bang, tiểu bang, hưu trí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Cuối năm, người lao động sẽ được cấp mẫu đơn W2 để mang đi khai thuế. Sau các khoản khấu trừ, nếu dư sẽ được lại, thiếu thì phải đóng thêm. Nên cứ tới tháng ba hay tư, rất nhiều người hớn hở ra mặt, có thêm tiền ăn xài vì nhận được tiền hoàn thuế. Bên cạnh đó cũng có người méo mặt vì phải đóng thêm quá trời.
Phần lớn tiệm nail và tóc thường khai thuế dưới dạng công ty trách nhiệm một thành viên nên sẽ không được lãnh trợ cấp, vì họ không đóng bảo hiểm thất nghiệp, bởi trong biên chế không có nhân viên nào. Vì muốn trốn thuế, rất nhiều tiệm trả lương nhân viên theo dạng nửa tiền mặt nửa ngân phiếu. Nên lương bổng của họ trên giấy tờ chẳng có bao nhiêu, nhưng thực ra thì làm nail thì chẳng mấy ai lương thấp.
Nhiều thợ làm móng được coi là self-employee (nhà thầu, công ty trách nhiệm một thành viên, công nhân thời vụ…) làm việc cho chính mình. Cuối năm, họ lãnh mẫu đơn 1099 đi khai thuế. Và thường bằng mọi cách, họ luôn tìm cách nộp thuế ít nhất, thậm chí không đóng đồng nào.
Bàn làm nail được che chắn cẩn thận - NGUYỄN HỮU TÀI
Bên cạnh đó, nhiều người không góp tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội (FICA). Nôm na thế này, khi đi làm cho tập đoàn hay công ty lớn, mỗi kỳ lương, bạn sẽ phải đóng 7,65% và công ty đóng nửa còn lại (tới một mức lương cố định) vào quỹ FICA. Nếu là self-employee, thì bắt buộc bạn phải đóng toàn bộ 15,3% với tư cách vừa là nhân viên vừa là chủ. Cuối năm, có thể trừ một nửa vào thuế của mình. Đây được coi là “rào cản” ảnh hưởng tới thu nhập nên phần lớn self-employee không thèm đóng.
Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vào tháng ba, tiếp theo đó, các bang đã ra lệnh shelter-in-place, lockdown, stay-at-home order (gọi chung là giới nghiêm), chính quyền chỉ cho phép những ngành nghề quan trọng (essential business) như siêu thị, tiệm thuốc, ngân hàng… mở cửa. Thợ làm móng, spa và tóc buộc phải ở nhà khai thất nghiệp.
Nếu bạn có đóng thuế, trong lúc này mới thấy lợi ích của nó ra sao. Ví dụ ngoài số tiền trợ cấp tối đa ở Virginia, Maryland và Washington, D.C. lần lượt là 378, 430 và 444 đô la mỗi tuần (bị trừ thêm thuế thu nhập) trong vòng 26 tuần (và có thể kéo dài hơn), họ còn may mắn lãnh thêm 600 đô la mỗi tuần trong gói cứu trợ của quốc hội Mỹ theo đạo luật CARES Act (Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security Act). Tính ra một người thất nghiệp ở tiểu bang Maryland, lúc này có thể lãnh tới 1.130 đô la/tuần, hơn 4.000/tháng. Ung dung sống trong thời kỳ dịch bệnh.
Những ai không đóng bảo hiểm thất nghiệp, nên khi mất việc, theo lẽ thường tình sẽ không lãnh xu nào. Nhưng dưới đạo luật CARES Act, self-employee có thể nhận 600 USD/tuần trong vòng 13 tuần nếu chứng minh được họ mất việc, không có thu nhập vì virus Corona. 2.400 USD/tháng trong thời điểm này thật sự quý báu. Có khi bằng hay nhiều hơn tháng lương của người đang đi làm giữa sự lây nhiễm ngày càng lớn cũng không chừng.
Nhưng đời không đơn giản như thế. Trợ cấp này quá mới. Và bất thình lình, trong nửa cuối tháng ba đến nay số người thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới gần 40 triệu nên Sở lao động mỗi bang không đủ nhân lực để xử lý số hồ sơ khổng lồ này. Lấy tiểu bang Maryland làm ví dụ, trong tuần đầu tiên của tháng 3.2020, chỉ có hơn 2.000 người xin trợ cấp thất nghiệp, thì tới tuần cuối của tháng ba, con số ấy nhảy lên tới 84.230 người. Tuần đầu của tháng 4, thêm 108.508 người nữa. Và con số ấy cứ nối dài, mỗi tuần tăng thêm 40 đến 60 ngàn người và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhân viên không kịp tập huấn, hệ thống bị lỗi, khai qua internet bị sập, điện thoại quá tải, không kết nối với tổng đài viên, văn phòng đóng cửa vì dịch.
Mãi đến giữa tháng tư, tiền trợ cấp từ liên bang được chuyển xuống nên self-employee mới có thể nộp đơn xin trợ cấp. Thậm chí nhiều người không theo dõi tin tức nên chưa nắm được khoản này. Các tiểu bang như Pennsylvania, New York, Maryland, Virginia, California… và đặc biệt là Florida vỡ trận. Người thất nghiệp ở Florida phải xếp hàng dài trong dịch bệnh để chờ nhân viên phát đơn bằng giấy về nhà điền. Đầu tháng tư, Maryland chuyển sang trang web mới gọi là “Beacon One Stop”. Và ngay trong ngày ra mắt, trang web bị sập vì không kham nổi số lượng người đăng nhập. Có người gọi cả ngàn cuộc mỗi ngày cũng không gặp được ai. Tất cả rơi vào một hố đen thăm thẳm.
Mấy tuần gần đây, các cuộc biểu tình diễn ra khắp nước Mỹ đòi mở cửa. Những người không đi ra ngoài vì giãn cách xã hội sẽ chọn phản đối… online. Người ta bảo họ tuân lệnh lời kêu gọi của các thống đốc ở nhà chờ dịch bệnh qua đi, nhưng ngược lại, họ không thể xin trợ cấp. Con đói, hết sữa, thức ăn cạn kiệt, hóa đơn cần thanh toán, tiền nhà tới nơi, vậy mà không có một xu dính túi. Nhiều người nộp đơn từ tận tháng ba cho đến giờ vẫn vô vọng chờ tiền thất nghiệp mà không thể làm cách nào khác được.
Các chủ tiệm thì đang đứng ngồi không yên vì ngoài thất thu còn phải đóng tiền thuê tiệm với cái giá không hề rẻ. Mỹ mà, cứ theo hợp đồng mà tính. Tuy các tiểu bang có lệnh không kiện người nợ tiền ra tòa, hay mang đồ quăng ra trong lúc này, nhưng tiền thuê vẫn không được miễn hay giảm. Chính phủ có chương trình PPP (Paycheck Protection Program) cho các doanh nghiệp nhỏ, tập đoàn lớn, công ty trách nhiệm hữu hạn, self-employee… vay để trả lương cho nhân viên, tiền thuê nhà, điện, nước và vài khoản lặt vặt khác. Phần lớn tiền nợ này sẽ được miễn. Số còn lại được cho vay trong vòng hai năm với 1% tiền lời. Lý thuyết là thế, nhưng cũng chẳng dễ dàng gì. Ngân hàng là nơi giải ngân. Các công ty quen biết, có mối quan hệ tốt tất nhiên sẽ được ưu tiên. Những cơ sở nhỏ hơn thì cứ đợi đi. Nhanh tay thì còn, chậm tay tiếp tục chờ tiền liên bang rót thêm xuống.
Thợ và chủ tiệm bạn bè tôi đã sẵn sàng cho “ngày trở lại” lắm rồi. Nhiều người trong suốt thời gian nghỉ dịch đã may khẩu trang, mua mũ che mặt, kính để bàn để hạn chế sự tiếp xúc giữa thợ và khách. Ai cũng bảo mấy mươi năm ở Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử mới lâm vào tình trạng khủng khiếp thế này. Ở nhà không được mà ra ngoài cũng chẳng xong. Họ phải đau đầu chọn lựa giữa tiền bạc hay bệnh tật. Đó là bài toán cực kỳ nan giải. Phải ở trong cảnh ấy mới hiểu được nỗi khổ ấy to lớn thế nào, chứ không đơn giản như người đứng bên ngoài nhìn vào rồi đánh giá.
Theo thanhnien