Đoàn Việt Nam tham gia hội nghị do Thượng tướng, tiến sỹ Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, dẫn đầu.
Trong bài phát biểu trước toàn thể hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cho biết Việt Nam đánh giá cao hoạt động của các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó có lực lượng Cảnh sát Liên hợp quốc.
Bộ Công an Việt Nam đã xây dựng kế hoạch cử sỹ quan cảnh sát tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và đang tích cực chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện kế hoạch này.
Hai sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trò chuyện với bà Ameerah Haq, Phó Tổng Thư ký LHQ
Để nâng cao hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của lực lượng cảnh sát các nước thành viên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành đã thay mặt Chính phủ Việt Nam đưa ra một số kiến nghị gồm: thứ nhất, đề nghị Liên hợp quốc tổ chức định kỳ hội nghị như thế này để tư lệnh cảnh sát các nước có thể gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin; thứ hai, sau hội nghị cần có kế hoạch hành động cụ thể theo từng khu vực đồng thời có cơ chế tự giám sát và giám sát của cảnh sát Liên hợp quốc; thứ ba, cảnh sát Liên hợp quốc cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cảnh sát các nước chuẩn bị triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại hội nghị các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng cảnh sát Liên hợp quốc (UNPOL) đã trở thành trụ cột của các chiến dịch gìn giữ hòa bình của tổ chức này và do đó cần phải "có sự điều chỉnh mục tiêu hành động" để có thể đối phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh trên thế giới.
Mục đích của hội nghị là đề ra phương hướng hành động để UNPOL phát huy tốt hơn vai trò của mình trên thực địa.
Hiện có 12.600 cảnh sát đến từ 87 quốc gia được triển khai trong 18 chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Việt Nam tham gia diễn tập huấn luyện thực binh kết hợp Hành động mìn nhân đạo và Gìn giữ hòa bình (FTX-2016) mang tên “FORCE 18” diễn ra từ ngày 2-8/3 tại Ấn Độ
Trong thông điệp gửi đến hội nghị qua video, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng các nhân viên cảnh sát dũng cảm đang góp phần làm nên thành công của các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bằng cách thiết lập pháp trị và mở đường cho sự phát triển hòa bình và bền vững.
Ông nói: "Từ Kabul (Afghanistan) tới Kinshasa (Cộng hòa Congo) đến Port-au-Prince (Haiti) hay Pristina (Kosovo thuộc Serbia), cảnh sát Liên hợp quốc đang đảm nhận những sứ mệnh nhiều thách thức nhất trên thực địa," đó là bảo vệ các cộng đồng, đem lại sự ổn định và khôi phục lòng tin.
Phát biểu trực tiếp tại hội nghị thay mặt Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson nhấn mạnh những yêu cầu và phẩm chất cần thiết đối với UNPOL đó là các nhân viên cảnh sát cần phải được huấn luyện kỹ lưỡng, được trang bị tốt và được chuẩn bị chu đáo.
Cảnh sát gìn giữ hòa bình cũng cần được trang bị những công nghệ mới nhất và được tiếp cận các thông tin tình báo, dữ liệu về tội phạm và các công cụ phân tích.
Theo TTXVN