Ông Kofi Annan qua đời tại bệnh viện ở Bern (Thụy Sĩ) ngày 18/8. "Chúng tôi tiếc thương khi mất đi một người vĩ đại, một lãnh đạo, một người có tầm nhìn xa trông rộng… Kofi Annan đã thăng tiến qua các cấp bậc để dẫn dắt LHQ vào thiên niên kỷ mới với phẩm giá và quyết tâm vô song… Di sản mà ông để lại luôn là niềm cảm hứng cho tất cả chúng ta", đương kim Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh.
Sinh ngày 8/4/1938 tại Kumasi (Ghana) trong một gia đình mà bố mẹ đều xuất thân từ hai bộ tộc lớn, ông và chú lại đều là những trưởng bộ lạc nên Kofi Annan từ nhỏ đã được tiếp cận những người có tiếng là ngoại giao giỏi, làm chính trị tốt. Bản thân chưa phải trải qua cuộc sống khổ cực nhưng Kofi Annan luôn có mong ước sẽ phấn đấu để người dân quê hương ông nói riêng và nhân dân thế giới nói chung có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Năm 1962, Kofi Annan bắt đầu làm việc cho LHQ với tư cách là nhân viên kế toán thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Năm 1993, tức 1 năm sau khi giữ chức trợ lý Tổng thư ký LHQ, ông được Tổng thư ký LHQ lúc đó là Boutros Boutros-Ghali đề cử giữ vị trí cao nhất trong lực lượng gìn giữ hòa bình, nắm quyền chỉ huy 70.000 nhân viên quân sự và dân sự đến từ 77 quốc gia có mặt trong 17 chương trình gìn giữ hòa bình trên thế giới. Tiếp đến, ông Annan được giao giữ chức Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ tại LB Nam Tư cũ.
Ông Kofi Annan đã trở thành người da màu gốc Phi đầu tiên làm Tổng thư ký LHQ và cũng là người đầu tiên đi lên vị trí cao nhất từ một nhân viên cấp thấp của tổ chức này. Nhậm chức năm 1997, ông đã phải đối mặt với nhiều thử thách khắc nghiệt bởi lúc đó LHQ đang đứng bên bờ vực phá sản và vấp phải thái độ thù nghịch của Chính phủ Mỹ. Ngay trong tuần lễ đầu tiên ở cương vị Tổng thư ký LHQ, ông Annan đã thực hiện chuyến công du tới Washington để tìm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.
Vợ chồng ông Koffi Annan - bà Nane Lagergren thăm phụ nữ
và trẻ em nhiễm HIV tại Niger
Những cống hiến không mệt mỏi
Ông Kofi Annan được các nhà phân tích, chính trị gia đánh giá là vị Tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử LHQ. Ông đã đem đến sự hồi sinh và sức sống mới cho cơ quan quyền lực nhất thế giới sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo của mình từ năm 1997 đến năm 2006. Công cuộc cải tổ LHQ cũng được ông sắp xếp khá thành công với việc loại bỏ 1.000 trong số 6.000 vị trí trong trụ sở LHQ tại New York. Ông Annan còn cho thực hiện hàng loạt cải cách trong công tác quản lý như lập chức vụ Phó Tổng thư ký LHQ cùng một bộ phận giám sát tài chính theo dõi việc lãng phí, tham nhũng và xây dựng phương thức điều hành hiệu quả hơn...
Việc ông được tái cử nhiệm kỳ 2 vào tháng 1/2002 cũng là một ngoại lệ vì những người tiền nhiệm chỉ được làm 1 nhiệm kỳ và theo thông lệ luân phiên, mỗi châu lục chỉ giữ được 2 nhiệm kỳ Tổng thư ký LHQ. 10 năm trên cương vị người đứng đầu cơ quan quyền lực nhất thế giới, ông Annan đã được các nhà phân tích, chính trị gia đánh giá là vị Tổng thư ký xuất sắc nhất trong lịch sử LHQ. Nhằm cải thiện đời sống người dân trên thế giới, ông Annan đã tích cực kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ những nước nghèo hơn, xóa nghèo và bất bình đẳng. Nhờ có ông mà tầng lớp dân nghèo được chú ý nhiều hơn và có được sự chia sẻ sâu sắc của cộng đồng quốc tế. Dần dần, LHQ đã trở nên gần gũi với công chúng và gắn bó hơn với xã hội dân sự.
Chính sách kêu gọi hành động ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS toàn cầu của ông năm 2001 đã tạo tiền đề cho việc thành lập quỹ Y tế và AIDS toàn cầu, lấy ngân sách từ các nước giàu để giúp đỡ những nước đang phát triển chống lại căn bệnh thế kỷ. Một thành công nữa của ông Annan là ông đã thuyết phục nhiều nước đặc biệt là các quốc gia châu Âu công nhận mối đe dọa lớn của đại dịch HIV/AIDS.
Ông cũng đóng vai trò then chốt và làm trung gian giải quyết vấn đề tại một số điểm nóng trên thế giới. Ông được đánh giá là một chính khách toàn cầu, am hiểu các vấn đề quốc tế và dành cả cuộc đời mình để đấu tranh cho một thế giới hòa bình và công bằng hơn. Với những cống hiến to lớn cho nhân loại, ngày 10/12/2001, ông Annan và LHQ đã vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Hòa bình.
Sau khi rời khỏi LHQ, ông tiếp tục làm việc không mệt mỏi vì sự nghiệp hòa bình trên cương vị chủ tịch Quỹ Kofi Annan và là chủ tịch của The Elders - một nhóm do cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela thành lập. Ông cống hiến cho hòa bình với tư cách là Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc đến Syria, dẫn dắt những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho quốc gia Trung Đông này. Năm 2016, ông Annan được chính phủ Myanmar “chọn mặt gửi vàng” để dẫn đầu một nhóm tìm “giải pháp lâu dài” cho cuộc xung đột ở bang Rakhine, nơi người Hồi giáo thiểu số Rohingya bị phân biệt đối xử.
Chuyện tình giản dị
Năm 1960, khi đang du học ở Minesota (Mỹ), Kofi Annan đã gặp cô gái trẻ Sonia đến từ Nigeria. Chung ngôn ngữ, cùng màu da, họ còn có chung tập quán sinh hoạt nên nhanh chóng trở nên thân thiết. Ngoài giờ học, hai người luôn ở bên cạnh nhau. Rồi tình yêu nảy nở, họ kết hôn và có với nhau hai con, một trai một gái.
Năm 1962, Kofi Annan tới công tác tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bắt đầu hoạt động ngoại giao. Do thành tích xuất sắc nên Kofi Annan liên tục thăng tiến. Ông hầu như dành hết tâm huyết và tâm lực cho sự nghiệp ở LHQ, chả có nhiều thời gian cho gia đình, điều này khiến bà Sonia rất bất bình nên đã đòi ly hôn.
Một lần hôn nhân thất bại đã khiến Tổng thư ký LHQ Kofi Annan e ngại, rụt rè khi có cảm tình với người phụ nữ Thụy Điển xinh đẹp. Bà Nane Lagergren sinh năm 1944 tại thủ đô Stockholm. Bố của bà, ông Gunal Lagergren, là một chuyên gia luật quốc tế nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp đại học luật, bà trở thành trợ lý chánh án. Với dáng người cao, thanh tú, mắt xanh tóc vàng, Nane Lagergren được các đồng nghiệp gọi là “Công chúa Bạch Tuyết”. Bà đã qua một cuộc hôn nhân thất bại và cô con gái Nina được bà nuôi dưỡng.
Năm 1981, Nane Lagergren được về làm việc lại Phòng Luật pháp của Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) tại Geneva, 2 năm sau thì chuyển đến trụ sở LHQ tại New York. Tại đây bà gặp được người đàn ông của đời mình: Kofi Annan.
Lúc đầu, Kofi Annan và Nane Lagergren cũng không có nhiều cơ hội gặp gỡ nhau. Bà thực sự bị ông thu hút trong một buổi tối bà và Kofi Annan có công việc phải đi cùng nhau. Khi họ băng qua một ngõ phố, Kofi Annan nhìn thấy trong cabin điện thoại công cộng có bóng một người đang gục đầu xuống, vai rung lên có vẻ đang khóc. Việc nhỏ đó, người đi đường bình thường chẳng ai để ý, mà dù có thấy họ cũng mặc kệ. Nhưng Kofi Annan lại vội bước đến hỏi xem có chuyện gì xảy ra. Khi biết tin ông bố người này bị bệnh mà không có tiền vào viện, Kofi Annan đã an ủi, bày cho ông ta cách giải quyết, rồi móc tiền ra giúp đỡ. Hành động nghĩa hiệp đó của Kofi Annan đã khiến Nane Lagergren xúc động. Sau một thời gian tiếp xúc, Nane Lagergren đã hoàn toàn bị chinh phục bởi phẩm chất, tài năng của Kofi Annan.
Bà nhận thấy mình đã yêu người đàn ông da đen tốt bụng này. Vượt qua mọi mặc cảm, bà chủ động tỏ tình với ông. Thực ra, Kofi Annan cũng đã sớm có cảm tình với bà. Năm 1994, lễ kết hôn của họ được tổ chức. Đã qua một cuộc hôn nhân thất bại, ông rất quý trọng cuộc hôn nhân mới này. Trong cuộc sống, cặp vợ chồng khác chủng tộc này không khỏi có những khác biệt về văn hóa và tập quán sinh hoạt nhưng họ cố gắng khắc phục bằng cách bao dung nhau, tìm cách hoà đồng với nhau.
Ngày 17/12/1996, ông Kofi Annan được bầu làm Tổng thư ký thứ 7 của LHQ. Bà Nane Lagergren đã dốc sức ủng hộ sự nghiệp của chồng. Bà là người hướng nội, giản dị, không bao giờ dùng xe công đưa đón, hàng ngày đi làm bằng xe buýt. Bà cũng từ chối trả lời phỏng vấn của mọi nhà báo, tránh làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chồng.