Thủ tướng Canada Justin Trudeau (thứ 2, trái, ngồi) tham gia tuần hành chống phân biệt chủng tộc trước tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Ottawa ngày 5/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cái chết của George Floyd, một công dân Mỹ gốc Phi, khi bị cảnh sát bắt ở Minnesota, Mỹ, vào cuối tháng Năm đã tạo ra "địa chấn" thực sự liên quan đến nạn phân biệt chủng tộc và hành vi bạo lực của cảnh sát Mỹ, trong bối cảnh hệ thống pháp lý khu vực Bắc Mỹ lâu nay được cho vẫn "có thành kiến" với cộng đồng da màu.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Ottawa, đất nước Canada những ngày gần đây đã liên tục phải chứng kiến những sự kiện bi kịch trong cộng đồng da màu và thổ dân.
Chỉ 2 ngày sau cái chết của George Floyd, một thổ dân Canada 29 tuổi, Regis Korchinski-Paquet, đã rơi từ ban công căn hộ tầng 24, trong khi cảnh sát đang có mặt trong nhà cô.
Cũng trong tuần qua, cảnh sát ở New Brunswick đã bắn chết Chantel Moore, một thổ dân First Nation.
Một cảnh sát thuộc lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) cũng dùng xe bán tải tấn công một thổ dân Inuit ở Nunavut.
Những vụ việc này đã phá vỡ niềm tin của cộng đồng, thổi bùng thêm sự giận dữ của người dân.
Giới quan sát đánh giá đây là cơ hội hiếm hoi để các phong trào chống phân biệt chủng tộc có thể tạo ra những đổi thay thực sự, nhằm chấm dứt tình trạng kỳ thị cũng như hành vi không đúng của cảnh sát.
Không khó để có thể hiểu được tại sao, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 với nguy cơ lây nhiễm cao, hàng nghìn người dân Canada vẫn tụ họp tại công viên hay đổ ra đường để biểu tình phản đối hành vi của cảnh sát và sự kỳ thị với người da màu.
Theo họ, tình trạng phân biệt chủng tộc cũng nguy hiểm như cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, với một "loại virus" có khả năng gây sát thương và hủy diệt không kém virus corona chủng mới.
Giới quan sát cho rằng nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống cần được xử lý một cách khẩn cấp và kiên quyết như cách thế giới ứng phó với virus SARS-CoV-2.
Những cuộc biểu tình lan rộng đang kêu gọi các chính trị gia làm điều này.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 5/6 đã khuỵu gối để bày tỏ tình đoàn kết với những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc trước khuôn viên Quốc hội.
Trong một phát biểu mới đây,Thủ tướng Trudeau cũng thẳng thắn thừa nhận rằng tình trạng phân biệt mang tính hệ thống đang tồn tại ở Canada.
Nhiều chuyên gia cho rằng hiện tại là thời điểm để giới chức y tế cộng đồng nhấn mạnh đến những yếu tố kinh tế-xã hội, trong đó có vấn đề chủng tộc, thực sự có tầm quan trọng đối với sức khỏe.
Đại dịch COVID-19 đã làm rõ tình trạng bất bình đẳng vốn tồn tại dai dẳng trong xã hội Canada.
Sự lãnh đạm, thờ ơ với người cao tuổi đã gây ra hàng nghìn trường hợp tử vong tại các nhà dưỡng lão.
Theo Viện Lão khoa quốc gia thuộc Đại học Ryerson ở Toronto, 82% số ca tử vong do COVID-19 ở Canada có liên quan đến các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cũng từng cảnh báo về tình trạng tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi là "rất đáng quan ngại."
Những nhân viên làm việc tại các cơ sở dưỡng lão – thường thuộc nhóm dân "bị kỳ thị," chấp nhận mức lương thấp và phúc lợi tối thiểu đối với công việc nặng nhọc.
Đó chỉ là một ví dụ liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc và kỳ thị có hệ thống ở Canada.
Theo thống kê năm 2016, người Canada da màu phải đối mặt với khó khăn kinh tế lớn hơn nhiều so với người Canada da trắng và các nhóm sắc tộc khác. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của người da màu cũng cao hơn các nhóm dân số khác.
Ngày 7/6 cũng đánh dấu ngày Chủ nhật thứ hai liên tiếp, hàng nghìn người dân ở Montreal đã xuống đường để bày tỏ sự phẫn nộ đối với tình trạng bạo lực sắc tộc.
Đoàn người biểu tình hô vang "mạng người da đen cũng quan trọng," "không có công lý sẽ không có hòa bình."
Hôm 6/6, các cuộc tuần hành cũng đã diễn ra ở nhiều thành phố lớn của Canada, như Toronto, St. John's, London, Ont...
Nếu như chìa khóa để chấm dứt đại dịch COVID-19 là phá vỡ chuỗi lây nhiễm, thì với nạn phân biệt chủng tộc ở Bắc Mỹ, tình trạng bất công chính là "nguồn bệnh."
Theo Vietnamplus