Trong giới ngoại giao Mỹ và Trung Quốc, bà Tzu-I Chuang từng được coi là phu nhân ngoại giao có tiếng, là người có quyền lực mềm giúp phía Mỹ kết nối với Trung Quốc vào thời điểm mà ít người khác có thể làm được, Wall Street Journal mở đầu bài bình luận.

Bà Chuang vốn là một cây viết về ẩm thực nổi tiếng người Mỹ gốc Đài Loan và cũng là một ca sĩ. Bà thu hút đông đảo người theo dõi bằng các bài chia sẻ nấu ăn và ca hát trên mạng xã hội Trung Quốc.

Bà là vợ của ông Jim Mullinax, cựu Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô, Trung Quốc.

Vào tháng 7/2020, dân mạng Trung Quốc bỗng dậy sóng công kích bà bởi một dòng bình luận của bà trong một bài đăng từ lâu. Họ trút giận và tấn công trang cá nhân của bà trong nhiều tháng liền.

Dong cua lanh su quan, My Trung doi dau, Houston, Thanh Do anh 1

Bà Chuang nấu ăn tại một trường dạy nấu ăn ở Tứ Xuyên vào năm 2018.

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp Trung Quốc vào tháng 2/2020, bà Chuang và hai con trai của bà, khi đó 7 tuổi và 9 tuổi, đã phải đi sơ tán cùng với các nhà ngoại giao Mỹ. Họ ở Maryland, Mỹ vào cuối tháng 7 khi Trung Quốc ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để trả đũa cho quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.

Giữa lúc căng thẳng, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã đào lại một bài đăng cũ trên Weibo của bà viết về việc bà sơ tán khỏi Thành Đô. Bà cùng các con chỉ có 48 giờ để đóng gói đồ đạc và vội vã đến sân bay rời Trung Quốc.

Bà viết: “Tôi thoáng nghĩ, liệu người Do Thái có giống chúng tôi không khi họ rời bỏ nhà cửa để trốn Đức Quốc xã trước Thế chiến II".

Về sau này, bà Chuang thừa nhận đó là một sai lầm lớn.

Bài đăng này hầu như không được chú ý cho đến khi lãnh sự quán Thành Đô đóng cửa.

Trong vòng một tuần sau khi lãnh sự quán đóng cửa, bài đăng này đã được chia sẻ hơn 5.000 lần và bị dội hơn 8.000 bình luận, bởi nhiều độc giả khó chịu trước sự so sánh với Đức Quốc xã. Sự việc của bà Chuang đã trở thành chủ đề được bàn tán trên Weibo. Điện thoại của bà không ngớt những tin nhắn lăng mạ.

Một người bình luận về các con bà: “Tôi hy vọng hai con cún con của bà sẽ bị cắn chết và bị ôtô húc văng".

Dân mạng Trung Quốc còn truy ra được ngôi nhà của bà ở Maryland sau khi bà tham gia một nhóm Facebook dành cho các cư dân sống ở khu vực này. Họ đăng ảnh nhà và chế giễu khu dân cư vì sự khiêm tốn, cho thấy bà đang khó khăn. Không chỉ vậy, họ còn tìm được ảnh gia đình và người thân của bà rồi chế nhạo ngoại hình của họ.

Những người bảo vệ bà trên Weibo còn bị xóa bình luận ngay trong đêm, trang cá nhân bị tấn công dữ dội và khóa tài khoản. Weibo không bình luân thêm về vấn đề này.

Vào tháng 1/2021, các tờ báo ủng hộ Trung Quốc ở Đài Loan và Hong Kong thậm chí còn tung tin vô căn cứ rằng bà Chuang là gái mại dâm được chính phủ Đài Loan cử đi để làm gián điệp cho các nhà ngoại giao Mỹ.

Ông Mullinax, người vốn đã im lặng ngay từ đầu, đã đáp trả trên trang Facebook cá nhân: “Cô ấy đến từ Đài Loan, nhưng không phải là một gián điệp hay một nhà cách mạng".

Ông đồng thời từ chối trả lời thêm về bài đăng này.

Drew Thompson, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore kiêm cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận xét: “Nguồn cơn của làn sóng chỉ trích này cần được chính quyền lưu ý nếu họ muốn xây dựng lại các hoạt động ngoại giao giữa hai nước".

Dong cua lanh su quan, My Trung doi dau, Houston, Thanh Do anh 2

Bà Chuang nói chuyện trong một chương trình ẩm thực năm 2018.

Chính quyền Trung Quốc tiếp tay?

Tổ chức phi lợi nhuận Doublethink Lab (trụ sở ở Đài Bắc) đã điều tra thông tin thất thiệt được lan tuyền tại Trung Quốc và các hành vi quấy rối bà Chuang. Kết quả cho thấy chính quyền có đứng sau chỉ đạo chiến dịch đó. Các tờ báo Trung Quốc cũng đã phóng đại cuộc tranh cãi này với ít nhất sáu bài báo về dòng trạng thái của bà Chuang.

Chiến dịch "bắt nạt" này quả thực bất thường vì đã kéo dài quá lâu. Jaw-Nian Huang, một trợ lý giáo sư về chính trị và truyền thông tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Bắc, phân tích rằng một cuộc tấn công mạng xã hội điển hình của Trung Quốc diễn ra không quá hai tuần.

Dong cua lanh su quan, My Trung doi dau, Houston, Thanh Do anh 3

Bà Chuang không biết cách tự bảo vệ mình khỏi sự tấn công trên mạng.

Sau khi bị lần ra nơi ở của bà ở Maryland, bà Chuang cho biết bà không dám ra khỏi nhà vì sợ bị nhận ra. Bà dường như bị tấn công từ mọi góc, không biết tự vệ, từng nghĩ đến việc tự tử.

"Họ không quan tâm đến những gì tôi đã làm, tôi là ai, tôi đã nói gì ”, bà chia sẻ.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về các biện pháp bảo vệ bà Chuang nhưng đề cao mối đe dọa với nhân viên chính phủ Mỹ và gia đình họ.
Bộ Ngoại giao cũng biết về nhà nước Trung Quốc kiểm soát các phương tiện truyền thông, cổ vũ tham gia và xúi giục các hành động bắt nạt và quấy rối công dân, các nhà ngoại giao Mỹ và các thành viên gia đình của họ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ không biết về tình hình của bà Chuang và những phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ là vô căn cứ.

Bà Chuang đã quay lại nấu ăn và hoạt động trên mạng xã hội. Bà khẳng định trốn tránh mãi sẽ tạo điều kiện cho những kẻ tấn công chiến thắng.

Theo  Zing