Nằm trên giường bệnh với gương mặt vẫn còn những bàng hoàng, Ibrahim Mansour, một trong 20 người sống sót từ vụ tai nạn được xem là thảm họa tàu thuyền chết chóc nhất ở đông Địa Trung Hải cho biết, anh không thể tha thứ cho bản thân vì đã không cứu được người khác.

Hơn 150 người đã có mặt trên con tàu nhỏ khởi hành từ Lebanon vào sáng ngày 24/9 với hy vọng đến Ý để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những người trên tàu chủ yếu là người Lebanon, Syria và Palestine, có cả trẻ em, phụ nữ và người già.

leftcenterrightdel
 Trên tàu bị lật chủ yếu là người Lebanon, Syria và Palestine, bao gồm cả trẻ em và người già
Bốn giờ sau khi ra khơi, máy tàu dừng hẳn. Mansour (29 tuổi), nhớ những người trên tàu đã nói người dẫn đường xin hãy gọi người tới cứu nhưng anh ta từ chối và nói: “Nếu mọi người quay lại, chúng tôi sẽ bắn".

Do sóng lớn, con tàu mất lái và lật úp ở ngoài khơi cảng Tartous của Syria, cách thủ đô Tripoli của Lebanon khoảng 50km về phía bắc. Mansour cho biết, chỉ trong chốc lát, 100 người đã chết. Và anh nhìn thấy thi thể ở khắp mọi nơi. 

Mansour và những người sống sót may mắn bám vào chiếc tàu bị lật. "Tôi khóc suốt. Tôi bị sốc khi nhìn thấy thi thể và những hình ảnh khủng khiếp quanh mình. Trái tim tôi tan vỡ. Tôi đã cố gắng giúp đỡ những đứa trẻ và một người đàn ông khác. Tôi đã cố gắng trấn an để giữ họ sống sót, nhưng tôi không thể. Điều này khiến tôi đau lòng, nhất là vì đứa con đã cố níu kéo trước khi tôi mất nó. Con tôi cũng đã chết", Mansour nức nở nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng.

Mansour cuối cùng đã đến bờ biển Syria sau hơn một ngày bơi trên biển.

Theo truyền thông Syria, có 100 người đã chết, 20 người được cứu và hơn 30 người khác vẫn đang mất tích. Trong số những người thiệt mạng có 24 trẻ em và 31 phụ nữ.

Quân đội Lebanon cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông bị tình nghi là đứng sau "hoạt động buôn người" đến Ý.

Một thanh niên khác, người đã sống sót trong số 20 người may mắn nhớ lại: “Không thể nào quên được những gì đã xảy ra và những cảnh tôi đã trải qua. Khi con thuyền bị lật, những người trên tàu bị sóng đẩy ra mọi hướng. Không ai đến cứu chúng tôi. Tôi bám vào chiếc thuyền bị lật, trôi dạt suốt 24 giờ. Tôi cố gắng giữ mình trên thuyền, và sau đó tôi bơi suốt 13 giờ cho đến khi đến bờ biển Tartous của Syria. Tôi đã được thông báo rằng một số người sống sót nhưng giờ thì tôi không biết họ ở đâu”, anh nói.

Theo Liên Hiệp Quốc, thảm họa này làm nổi bật tình trạng đói nghèo và nỗi tuyệt vọng ngày càng gia tăng đã buộc nhiều người ở Lebanon cố gắng vượt qua Địa Trung Hải đầy hiểm nguy với hy vọng đến được châu Âu.

leftcenterrightdel
 Nhiều người đưa tang một nạn nhân đắm tàu ở Lebanon vào ngày 24 /9 - Ảnh: AFP

Lebanon là quốc gia có hơn một triệu người tị nạn kể từ năm 2019. Cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này được Ngân hàng Thế giới coi là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong thời hiện đại. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 3.500 người đã cố gắng thực hiện cuộc hành trình "tìm miền đất hứa" trong năm nay. Ngoài ra, có nhiều người Palestine đã đến Lebanon và tiếp tục di cư bằng con đường này.

Tamara Alrifai, phát ngôn viên của Cơ quan Cứu trợ và Công trình của Liên Hợp Quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA), ước tính có khoảng 25-30 người tị nạn Palestine trên chiếc thuyền bị lật. “Tình hình của những người tị nạn Palestine ở Lebanon đang đến mức tuyệt vọng, đến nỗi họ sẵn sàng mạo hiểm mạng sống của mình dọc theo những tuyến đường hiểm trở này", Alrifai nói.

Những ngày qua, từ miền bắc Lebanon, nhiều gia đình vẫn đang chờ đợi để nhận thi thể của người thân từ tai nạn thảm khốc này: “Một số đã được xác định và mang về nhà lo ma chay. Những người khác vẫn đang ở Syria để chờ kết quả xét nghiệm ADN. Riêng những người tị nạn Lebanon và Palestine sống sót thì đang về nhà. Sau tai nạn này không còn lại gì ngoài mất mát và tang thương", Tamara Alrifai đau buồn nói.

Theo phụ nữ TPHCM