Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn những tháng gần đây dành phần lớn thời gian sống trong khách sạn Grand Hotel Sonnenbichl trên dãy Alps, bang Bavaria, Đức cùng "hậu cung" thời hiện đại lên tới 20 thê thiếp.

Tuy nhiên, thời kỳ tận hưởng của Vua Vajiralongkorn dường như sắp kết thúc, khi Berlin đã cảnh báo ông không nên cai trị đất nước từ Đức, trong khi biểu tình chống chế độ quân chủ đang diễn ra ở Thái Lan, khiến nhiều người cho rằng nhà vua đang dần đánh mất sự ủng hộ cả ở trong lẫn ngoài nước.

Khách sạn Grand Hotel Sonnenbichl hồi đầu năm đã tìm cách xin giấy phép đặc biệt từ chính quyền Bavaria để Vua Vajiralongkorn có thể đến và ở đây trong thời gian dài, trong bối cảnh Đức đang áp các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19. Tuy nhiên, điều này cũng khiến người Thái nhận ra rằng Quốc vương của họ không ở trong nước, trong lúc cả quốc gia chật vật đối phó với đại dịch.

Thông tin này, cùng với những tiết lộ của Financial Times về khối tài sản khổng lồ của nhà vua, ước tính lên tới 30-40 tỷ USD, đã trở thành ngòi nổ cho các cuộc biểu tình phản đối chế độ quân chủ chưa từng có tiền lệ ở Thái Lan.

Vua Vajiralongkorn được cho là nắm giữ khối tài sản này sau khi đưa các quỹ hoàng gia vào sự kiểm soát trực tiếp của mình chỉ một thời gian ngắn sau khi lên ngôi.

                  Vua Thái Maha Vajiralongkorn tại lễ đăng quang ở Bangkok hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.

Quốc vương Vajiralongkorn được xem là một trong những vị vua giàu nhất thế giới. Nhưng cuộc sống xa hoa của ông cùng 20 thê thiếp tại khách sạn Grand Hotel Sonnenbichl, gồm cả người vợ thứ tư, Hoàng hậu Suthida, cũng không giúp ích gì cho hình ảnh trong nước hay quốc tế của ông.

Nhà vua từ lâu đã vướng nhiều lùm xùm liên quan tới các thê thiếp, trong đó đáng chú ý nhất là Sineenat Wongvajirapakdi, 35 tuổi, người từng được sắc phong "hoàng quý phi" ngay sau khi Vua Vajiralongkorn kết hôn với Hoàng hậu Suthida. Tháng 10/2019, bà Sineenat bị tước mọi tước hiệu vì "âm mưu soán ngôi hoàng hậu".

Nhiều người tin rằng Sineenat đã phải ngồi tù trong mười tháng, nhưng đầu năm nay, hoàng gia tuyên bố Sineenat "không bị vấy bẩn" và xứng đáng được phục hồi mọi tước vị cao quý.

Ngoài đời tư, vấn đề tài chính của Vua Vajiralongkorn cũng đang hứng chịu sự soi xét ngày càng gay gắt của dư luận Thái Lan. Một lãnh đạo phe đối lập ở Thái Lan gần đây công bố thông tin Vua Vajiralongkorn đã lập một phi đội gồm 38 máy bay phản lực và trực thăng riêng phục vụ hoàng gia.

Sự xuất hiện dày đặc của Vua Vajiralongkorn ở Đức cũng khiến một số người chỉ trích gọi ông bằng biệt danh "Người Đức".

Nhưng ở Đức, sự chú ý của dư luận với sự hiện diện của người đứng đầu Hoàng gia Thái Lan cũng ngày càng trở nên tiêu cực. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr nói rằng chính phủ nước này đã nhiều lần nhấn mạnh với đại sứ Thái Lan tại Berlin rằng "các hoạt động đối ngoại của nhà nước không nên được điều hành từ đất Đức", thêm rằng "Chúng tôi đã thể hiện rất rõ quan điểm của mình".

Vấn đề thậm chí đã được đưa ra quốc hội Đức, với nghị sĩ Frithjof Schmidt thuộc đảng Xanh đối lập từng hỏi Ngoại trưởng Heiko Maas tại quốc hội rằng: "Tại sao chính phủ Đức lại dung túng cho hành vi rất bất thường này - và theo tôi là bất hợp pháp, khi một nguyên thủ nước ngoài điều hành chính trị trên đất Đức?".

Vua Vajiralongkorn, 68 tuổi, từ lâu đã thích sống ở Đức hơn Thái Lan. Sự vắng mặt của ông đã đổ thêm dầu vào lửa phong trào chống chế độ quân chủ ở Thái Lan, khi một loạt tiêu đề tiêu cực về ông cũng xuất hiện trên báo chí Đức. Trong suốt đợt phong tỏa chống Covid-19 năm nay, ông Vajiralongkorn vẫn được phép đến và đi từ Đức như ý muốn bất chấp lệnh cấm di chuyển nhờ bay trên chiếc Boeing 737 riêng.

Trước áp lực ngày càng tăng từ cả trong và ngoài nước, Vua Vajiralongkorn cuối tuần trước đã quay lại Thái Lan nhân 4 năm ngày mất cố vương Bhumibol Adulyadej và dự kiến ở trong nước đến cuối tháng. Ông cùng Hoàng hậu hôm qua ra ngoài hoàng cung gặp và chào nhiều người ủng hộ đang ngồi dưới mưa để bày tỏ thành kính với hoàng gia.

Nhà vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida thăm người ủng hộ dưới mưa ở bên ngoài hoàng cung tối 13/10. Ảnh: Reuters.

Bất chấp trời mưa, hàng nghìn người theo chủ nghĩa bảo hoàng vẫn tập trung ngoài hoàng cung Thái Lan và chắp tay chào khi nhà vua đi qua. Tuy nhiên, bên kia đường, hàng trăm người biểu tình đụng độ với cảnh sát và hò hét đòi thả những người bị bắt giữ.

Người Thái từ lâu đã bị cấm phát ngôn tiêu cực về hoàng gia và có thể đối diện 15 năm tù vì tội khi quân. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người biểu tình ủng hộ dân chủ bất chấp luật này. Từ khóa #whydoweneedaking (Tại sao chúng ta cần một vị vua) đang lan truyền trên Twitter và người biểu tình công khai kêu gọi cải cách chế độ quân chủ.

Theo vnexpress