Vào năm 2040, số người già trên 65 tuổi tại Việt Nam sẽ tăng lên 18 triệu người
Đây là thông tin đáng chú ý trong Báo cáo “Sống lâu và thịnh vượng: Hiện tượng già hóa dân số khu vực Đông Á – Thái Bình Dương” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố chiều 28/3 tại Hà Nội.
Việt Nam chỉ mất 18 năm để già hóa
Đại diện WB so sánh, nếu như các quốc gia phát triển như Pháp phải mất tới 115 năm, Mỹ mất 69 năm khi chuyển tiếp từ xã hội già hóa sang xã hội già thì với Việt Nam, khoảng thời gian này chỉ còn 18 năm, tức là tốc độ già hóa rất nhanh.
Báo cáo của WB cũng chỉ rõ, không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước đang phát triển trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cũng đang già hóa nhanh chóng trước khi trở nên giàu có. Những người già ở các quốc gia này chủ yếu vẫn đang phải tự đi làm để thêm thu nhập.
“Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đang trong giai đoạn chuyển tiếp dân số kịch tính nhất từng chứng kiến từ trước tới nay, và tất cả các nước đang phát triển trong khu vực đều chịu rủi ro già trước khi giàu”, ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, hiện tỷ lệ người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 11% dân số, mỗi năm tăng thêm 0,52%. Đây là tốc độ tăng rất nhanh.
“Chúng ta biết rằng, một dân số già sẽ tác động đến rất nhiều mặt. Trước hết là nguồn nhân lực quốc gia. Tiếp đến là những yêu cầu về chi tiêu ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội, vấn đề phát triển các hệ thống dịch vụ và chăm sóc cho người dân nói chung, đặc biệt là người cao tuổi”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đàm, tình trạng già hóa dân số còn đặt không ít thách thức về nguồn nhân lực. Trong khi số người làm việc giảm tương đối so với số người không làm việc, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực quốc gia sẽ tạo gánh nặng cho phát triển. Thời gian tới, Việt Nam cần phải có những biện pháp, chính sách hợp lý để làm sao tận dụng được nguồn nhân lực quốc gia, nâng cao năng suất lao động. Đây cũng là một thách thức không hề nhỏ vì chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đang rất thấp.
Cần tính đến thu nhận lao động trẻ từ các nước
Theo ông Philip O’Keefe - tác giả chính của Báo cáo dự báo, trong tương lai, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt về lao động. Tỷ lệ sinh tại Việt Nam đang ở mức 1,8%. Theo tỷ lệ thường thấy ở các quốc gia khác trong khu vực, tỷ lệ này sẽ rất nhanh chóng giảm xuống còn 1,5% rồi 1,4%.
Để bù trừ sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động, một trong những biện pháp ông Philip O’Keefe đưa ra là Việt Nam cần tính dần đến việc thu nhận lao động trẻ từ các nước lân cận. “Đây chưa phải là giải pháp cấp bách cho Việt Nam nhưng chúng ta phải nghĩ đến việc thu nhận lao động di chuyển từ một số quốc gia trẻ hơn trong khu vực. Có thể không phải ngày hôm nay, nhưng rất gần trong tương lai, Việt Nam phải tính đến việc này”, ông Philip O’Keefe đề xuất.
Ông Philip O’Keefe cũng dẫn chứng nhiều nền kinh tế năng động thành công trong khu vực như Australia, Hongkong… đều là những nền kinh tế có tỷ lệ người nhập cư cao.
Về giải pháp cấp bách trước mắt nhằm hóa giải các thách thức của già hóa dân số, các chuyên gia của WB khuyến nghị, Việt Nam cần áp dụng một số biện pháp như nâng cao độ tuổi tham gia lao động, mở rộng hệ thống hưu trí để bao phủ thêm phần lớn dân số, định hướng lại hệ thống chăm sóc y tế và hệ thống tài chính công cho công tác chăm sóc sức khỏe lâu dài của người già.
“Dân số là nguồn lực mạnh đối với quá trình phát triển. Thông qua các lựa chọn chính sách của mình chính phủ các nước có thể giúp người dân thích ứng với hiện tượng già hóa nhanh chóng và khuyến khích các biện pháp tăng cường sức khỏe và khả năng lao động cho người cao tuổi” – Báo cáo nêu rõ.
Báo cáo cho thấy, 36% dân số độ tuổi trên 65 của thế giới, khoảng 211 triệu người đang sống trong khu vực Đông Á, và đây là con số lớn nhất so với tất cả các khu vực khác. Đến năm 2040, hiện tượng già hóa sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động giảm trên 15% tại Hàn Quốc và trên 10% tại Trung Quốc, Thái Lan, và Nhật Bản. Chỉ riêng tại Trung Quốc, con số đó tương đương với con số giảm sút ròng trên 90 triệu lao động.
Tốc độ già hóa nhanh trên qui mô lớn tại Đông Á đã tạo ra thách thức chính sách, áp lực kinh tế và tài khoá cũng như các rủi ro xã hội khác. Báo cáo khuyến cáo, nếu các nước trong khu vực không cải cách thì chi hưu trí trong khu vực sẽ tăng lên mức 8-10% GDP vào năm 2070.
Đồng thời, hệ thống y tế các nước chưa được chuẩn bị để đối mặt với những khoản chi chữa bệnh, vì các như bệnh ung thư, bệnh tim, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác sẽ chiếm 85% tổng chi phí khám chữa bệnh vào năm 2030. Ngoài ra, lớp người cao tuổi hôm nay sẽ nhận được ít chăm sóc từ gia đình hơn trước đây.
Theo Thế giới và Việt Nam