Tiến sĩ Kidong Park bày tỏ ấn tượng về hai chiến lược này tại cuộc gặp lãnh đạo Việt Nam cuối tuần qua.

Phương châm 4 tại chỗ là lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Theo đó, thay vì vận chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên thì điều trị ngay tại cơ sở, hạn chế tối đa vận chuyển, tránh lây chéo. Hoặc trong xét nghiệm, từ 4 cơ sở ban đầu, đến nay Việt Nam mở rộng với 30 cơ sở xét nghiệm, từ đó, giảm gánh nặng cho tuyến trên và nâng cao năng lực cho tuyến dưới. 

Về nguyên tắc cách ly, kịch bản đưa ra 4 vòng cách ly phát huy hiệu quả, nhìn thấy rõ khi áp dụng tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Vòng 1 là cách ly điều trị tại cơ sở y tế những trường hợp nhiễm bệnh và người thân của bệnh nhân đã có tiếp xúc gần với họ. Vòng 2 là cách ly tập trung những người đã tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm bệnh và người thân của họ. Vòng 3 là cách ly tại nhà những người tiếp xúc gần với những người được cách ly ở vòng 2. Vòng 4 là cách ly một cộng đồng có nhiều ca bệnh.

Trao đổi về biện pháp của Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, cho biết bài học kinh nghiệm của Việt Nam là sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là cách ly nhiều vòng để bảo đảm lây lan ở mức thấp nhất, điều trị theo hình thức phân tuyến, nhẹ thì ở tuyến dưới, nặng thì ở tuyến trung ương, không tập trung nhiều vào một chỗ.

Việt Nam cũng tập trung vào phát hiện sớm ca bệnh bằng xét nghiệm. Cụ thể, sẽ tiến hành xét nghiệm ngay tại sân bay hành khách nhập cảnh vào Việt Nam.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. Ảnh: WHO

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. Ảnh:WHO

Ông Kidong Park khuyến nghị những nhóm đối tượng cần bảo vệ là nhân viên y tế - những người tuyến đầu tiếp xúc trực tiếp người bệnh, người già, người có bệnh nền, nhóm những người lãnh đạo bởi để phòng chống dịch thì cần có người chỉ huy.

Liên quan đến vắc xin phòng Covid-19, WHO hợp tác với các đối tác, đến nay có 20 ứng cử viên vắc xin trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm. Sau khi nghiên cứu chế tạo vắc xin thành công sẽ có thể nghĩ đến việc sản xuất. Trưởng đại diện WHO bày tỏ, ông biết năng lực sản xuất vắc xin của Việt Nam rất mạnh, nếu cần thiết, có thể huy động năng lực sản xuất của Việt Nam. "Hiện nay, các tổ chức quốc tế, các nước đều đánh giá cao sự vào cuộc rất sớm của Việt Nam", ông nói.

Theo vnexpress